Mâu thuẫn về lời khai ai là người rạch bụng chị Huyền chưa được làm rõ và đây sẽ là nội dung được các LS tập trung đối chất tại phiên tòa sắp tới để làm rõ mục đích thực sự của việc rạch bụng sau khi nạn nhân đã chết.
Các Luật sư (LS) tham gia vụ án ở Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng cho biết sẽ đối chất để làm rõ vì sao các đối tượng lại rạch bụng sau khi nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã chết, từ đó làm rõ trách nhiệm của bác sỹ Nguyễn Quang Thành - người mà một số LS cho rằng được “lọt lưới” trong vụ án này.
Tuy nhiên, bác sỹ Thành phủ nhận lời khai của Tường. Vậy nên ai là người rạch bụng nạn nhân Huyền và hành vi rạch bụng khi nạn nhân đã chết nhằm mục gì cho đến nay vẫn còn là một ẩn số...
Nỗi đau gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền |
Chưa thể tin lời khai ném xác
Theo các LS trong vụ án này, việc tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết khách quan, toàn diện, chính xác vụ án. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm của gia đình và cơ quan chức năng, hiện thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Điều này khiến LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại lật lại vấn đề đã từng được dư luận đặt ra là có thật sự xác chị Huyền đã bị ném xuống sông Hồng hay còn ở nơi nào khác? Nêu lại vấn đề này, LS đề nghị cơ quan điều tra khắc phục các “thiếu sót” để điều tra hiệu quả hơn.
LS cho rằng cần nghi vấn lời khai của 3 người: Tường, vợ Tường và bảo vệ Đào Quang Khánh về địa điểm ném xác. Đây là 3 người nắm giữ bí mật của vụ án nhiều uẩn khúc do họ trực tiếp thực hiện và chứng kiến việc ném xác nhưng độ khách quan đến đâu thì phải thẩm tra bởi hai người là vợ chồng, còn lại là một trẻ chưa thành niên, đồng thời là người làm thuê cho Tường.
Trong khi đó, từ khi vứt xác cho đến lúc các đối tượng bị bắt có đến 3 ngày, đủ để các đối tượng bàn bạc, thống nhất cách khai trốn tránh pháp luật. Lẽ ra, các lời khai này phải được thẩm tra và phù hợp với các chứng cứ khác, thế nhưng hồ sơ vụ án chưa thể hiện, thu thập và làm rõ các chứng cứ khác để loại trừ giả thiết xác chị Huyền không bị ném xuống sông.
Cụ thể, đó là chưa xem xét, thu thập chứng cứ là các băng ghi hình tại các camera giao thông ghi lại hành trình xe của Tường từ cơ sở thẩm mỹ đến cầu Thanh Trì - nơi vứt xác. Còn nhớ, sau khi vụ án xảy ra, báo chí đã thông tin việc lãnh đạo kênh VOV Giao thông Quốc gia trả lời sẵn sàng kiểm tra lại camera ở tất cả các tuyến đường nếu cơ quan công an yêu cầu, thế nhưng từ đó đến nay chưa hề thấy có thông tin mới.
“Đây là chứng cứ quan trọng để thể hiện có thật sự chiếc xe của Tường mang xác chị Huyền ra cầu Thanh Trì để vứt xác không. Sẽ có những điểm, trạm gắn camera tại các ngã ba, ngã tư, đầu cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì để theo dõi hành trình giao thông, nếu thu thập được chứng cứ này sẽ có thể kiểm chứng lại các lời khai của Tường và đồng bọn”- LS Vũ Gia Trưởng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại nói.
Ngoài ra, LS cũng nêu “thiếu sót” của cơ quan điều tra là chưa tổ chức thực nghiệm điều tra cho các đối tượng diễn tả lại hành vi phạm tội bằng cách sử dụng vật cùng hình khối, chiều cao, cân nặng... tương tự ném xuống sông xem xác nạn nhân có thể được tìm thấy hay không; chưa thu thập các tác động của ngoại cảnh ảnh hưởng đến việc chưa tìm thấy xác nạn nhân như dòng chảy sông, tác động của tàu hút cát… nên chưa thể đánh giá mức độ tin cậy lời khai của 3 đối tượng trên.
Tóm lại, theo LS Trưởng, những tình tiết và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án quá ít để có thể giải quyết vụ án phức tạp này một cách toàn diện và triệt để.
Bí ẩn hành vi rạch bụng sau khi nạn nhân đã chết
Cũng liên quan đến việc không tìm thấy xác nạn nhân, LS Vũ Gia Trưởng chỉ ra việc cơ quan tố tụng chưa làm rõ hành vi rạch bụng nạn nhân sau khi nạn nhân đã chết nhằm mục đích gì?
Theo một số lời khai trong hồ sơ vụ án, trước khi mang xác chị Huyền đi phi tang thì trên bụng chị Huyền có vết rạch. Lý giải những vết rạch này, Tường khai do bác sỹ Thành thực hiện: “Sau khi xác định chị Huyền đã chết, thấy chị Huyền có biểu hiện trướng bụng, Thành nói để Thành chích bụng chị Huyền nặn dịch ra ngoài, Thành rạch hai đường chạy dài từ 2-3cm, khi rạch xong, Thành nặn dịch ra nhưng không có gì nên Thành lại khâu vào”.
Sau đó, khi có ý định đưa xác chị Huyền vào bệnh viện thì Tường bảo Thành cắt chỉ ở hai vết rạch để đưa vào bệnh viện coi như vết thương. Thế nhưng, lời khai của bác sỹ Thành trong hồ sơ vụ án lại mâu thuẫn với Tường. Thành khai: “Tôi không biết tại sao anh Tường và 3 y tá lại khai như vậy, tôi không rạch hai vết nêu trên đối với cơ thể chị Huyền. Bản thân tôi chỉ cấp cứu cho chị Huyền, ngoài ra không làm gì khác”.
Mâu thuẫn này chưa được làm rõ và đây sẽ là nội dung được các LS tập trung đối chất tại phiên tòa sắp tới để làm rõ mục đích thực sự của việc rạch bụng sau khi nạn nhân đã chết là gì, phải chăng việc này liên quan đến kế hoạch phi tang xác?
“Bình thường xác sẽ nổi lên sau vài ngày nhưng khi đã rạch bụng hở ra thì nước vào nên xác không nổi lên được. Cần phải làm rõ mục đích của việc rạch bụng để xác định trách nhiệm của bác sỹ Thành, có thể là đồng phạm của hành vi xâm phạm thi thể với Tường và Khánh”- một LS nhận định.
Trao đổi với Báo PLVN về chi tiết khó hiểu này, một bác sỹ đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ tại Hà Nội cho biết: “Thông thường, khi tiêm thuốc quá liều, bác sỹ thường có tư duy là rạch chỗ đã tiêm để bóp dịch, thuốc chảy ra bớt, giảm sự ngộ độc thuốc. Nhưng trường hợp này chết rồi mà vẫn rạch ra bóp thì đúng là đầy bí ẩn”.
Các LS cho rằng, nếu tiến hành đối chất thì hành vi rạch bụng sau khi nạn nhân đã chết sẽ không còn là chuyện bí ẩn, từ đó trách nhiệm của bác sỹ Thành cũng được làm rõ./.
» Xử vụ Cát Tường: Nữ y tá bí ẩn 'phá hỏng' phiên tòa
» Hình ảnh sau phiên xử vụ TMV Cát Tường bị trả hồ sơ
» Vụ Cát Tường: Gia đình nạn nhân nói gì sau phiên xử?
» Hình ảnh sau phiên xử vụ TMV Cát Tường bị trả hồ sơ
» Vụ Cát Tường: Gia đình nạn nhân nói gì sau phiên xử?
Theo Báo Pháp Luật
Bình luận