• Zalo

Vụ ‘Canh gà Thọ Xương’: Trò lập facebook ủng hộ cô giáo

Giáo dụcThứ Sáu, 12/10/2012 08:17:00 +07:00Google News

(VTC News)- Vừa qua sự việc một số phụ huynh bất bình với cô giáo dạy Văn ở Trường Lomonoxop (Hà Nội) quanh vụ "Canh gà Thọ Xương" đang gây xôn xao dư luận.

(VTC News)- Vừa qua sự việc một số phụ huynh bất bình với cô giáo dạy Văn ở Trường Lomonoxop (Hà Nội) vì giảng cho học sinh câu ca dao “Canh gà Thọ Xương” là món canh gà ở Hồ Tây đã gây xôn xao cư dân mạng.

Học sinh lập Fanpage để minh oan và ủng hộ cô T. quay lại trường giảng dạy

Sau khi có thông tin trên báo chí, hầu hết các ý kiến của bạn đọc đều tỏ ra bức xúc với cách dạy hời hợt của cô giáo.

Cô T. cũng giải thích, do lúc ấy cuối giờ, lớp khá ồn và lộn xộn nên học sinh không nhớ để sửa ngay. Cô sơ suất không kiểm tra lại vở các con và không sửa chu đáo vào ngày hôm sau.

Được biết sau khi sự việc xảy ra, cô T. đã viết tường trình và nhận lỗi mắc sai sót về nghiệp vụ trong quá trình chấm bài, chứ cô không giảng cho học sinh như vậy vì đây là giờ cô cho học sinh tự đọc và cảm nhận. Bài học đó cũng không phải là bài bắt buộc trong sách giáo khoa.

"Tôi xin lỗi phụ huynh vì đã không sửa bài thấu đáo cho con và cảm ơn phụ huynh có phản hồi để tôi có thể nhận ra sai sót nghiệp vụ sư phạm của mình. Tôi đã khắc phục bằng cách hướng dẫn học sinh sửa và giảng lại cho các con hiểu. Bài ca dao tôi cho các con làm cũng là bài ca dao ngoài chương trình, tôi muốn các con ôn luyện để hiểu hơn nét đẹp của Hà Nội vì các con là học sinh thủ đô", cô T. nói.

Hiện tại, sau sự cố này, cô T. đã bị ảnh hưởng rất lớn về tinh thần và đã xin nghỉ dạy tại trường THPT Lomonoxop. Cô T. cũng đã tắt điện thoại di động.

Tuy nhiên, để thể hiện tình cảm của mình đối với cô T., một số học sinh trường Lomonoxop đã lập những Fanpage trên Facebook để ủng hộ cô giáo: “Tìm lại công bằng cho cô H.T…”; hay “Chúng em ủng hộ cô H.T.T”

Hiện tại, sáng 12/10 đã có gần 1.300 người ấn like ủng hộ cô T. quay lại trường và tiếp tục giảng dạy.

Trên Fanpage này, nhiều học sinh đã thể hiện tình cảm yêu mến dành cho cô T. Một thành viên chia sẻ: “Cô à :) nếu cô thấy được cái page này, em mong cô sẽ hiểu tình cảm của chúng em dành cho cô là rất nhiều :) cố gắng lên cô nhé! chúng em sẽ ở bên cô !!!!!”.

Các thành viên trên Fanpage  cũng đang băn khoăn tìm cách để cô T. có thể quay trở lại trường giảng dạy: “Mọi người hãy làm gì đó để cô quay lại đi :) làm ơn!!!”; “Cô ơi, về với chúng em”.

Các thành viên trên diễn đàn này cũng chia sẻ rằng, việc cô T. quên không sửa sai cho học trò trong bài viết là có thật nhưng sự việc đã bị phụ huynh làm quá lên. “Thật sự cô T. là một cô giáo trẻ tâm lí và rất tốt với học sinh. trong lúc giảng dạy cô có nhầm lẫn một chút nhưng phụ huynh này đã làm quá lên”- Thành viên này chia sẻ.
Theo nhiều độc giả phân tích thì điểm 8+ cô T. cho học sinh là tổng điểm của rất nhiều câu hỏi chứ không riêng của câu học sinh làm sai


Một thành viên đã lập luận để bảo vệ cho cô T. như sau: “Hôm các em làm bài này, cô H.T.T không chỉ cho đúng một câu thơ cảm nhận như trên, mà là cô cho một tờ phiếu để các em làm nên khi chia trung bình điểm các câu theo nấc thang 10 điểm thì chúng ta có thể thấy rằng nếu sai một câu cảm nhận này thì các em vẫn có thể được giỏi như ở đây là 8+”

Một học sinh lớp 9 trường Lomonoxop cũng chia sẻ thêm rằng: “Cháu là một học sinh của cô, và đã từng được cô chủ nhiệm cũng vào năm lớp 7. Cô là một giáo viên vô cùng tốt đối với học sinh, cô quan tâm sát sao đến từng học sinh của mình.

Cô còn là một giáo viên trẻ, năm nay mới là năm thứ ba cô bắt đầu sự nghiệp trồng người của mình, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy học nhưng cháu xin đảm bảo với mọi người rằng, kiến thức về văn học của cô T. không thua kém ai. Hai câu ca dao trên, cháu đã được học và do chính cô giảng dạy, khi làm bài kiểm tra không ai bị sai. Vậy lý do gì mà em M.A lớp 7A10 đó lại làm sai ?”


Nói về điểm 8+ mà cô T. cho học sinh qua bài tập vừa qua, học sinh này giải thích: “Cô T. đã giải thích rằng đây là đây là kiến thức mở rộng cho các học sinh nên cô muốn các học sinh tự tìm hiểu và ghi đáp án vào vở, rồi cô sẽ chữa.

Khi đó, lớp 7A10 đang làm một phiếu bài tập có 8 câu hỏi, gồm kiểm tra kiến thức bài học buổi sáng, kiến thức Tiếng Việt và một số câu luyện viết đoạn văn, rồi nộp cho cô chấm và chữa. Điểm 8 đấy là tổng điểm cho bài chấm gồm 8 câu hỏi chứ không chỉ riêng bài viết về câu ca dao “...canh gà Thọ Xương” như tác giả đã nói”.


Thậm chí, bạn đọc này còn cung cấp thêm trong lúc chấm bài, cô có sửa bài cho các học sinh, nhưng khi thấy nhiều học sinh sai câu này, cô dừng chấm, trả bài cho các học sinh rồi nhắc các em mở vở ra chữa.

“Có một số em có chữa, vậy tại sao em M.A không chữa vào vở ? Ừ thì gần hết giờ, tâm lí học sinh cũng ngại mở vở, tại sao khi cô có giải thích qua về câu ca dao trước khi ghi vào vở, sao em ấy không ghi nhớ vào trong đầu, sao khi nói với gia đình em không giải thích cả nghĩa chính xác cô T. đã nhắc nhở và sửa lại cho cả lớp ?" - Học sinh này bức xúc vì sự phản ánh quá mức của phụ huynh.

Một độc giả nhận là một phụ huynh của lớp 7A4 cũng chía sẻ: “Tôi biết cô T. qua con gái mình; mỗi khi có tiết văn ở trường, chiều con tôi về nhà đầy hào hứng và luôn thao thao kể về không khí của tiết văn ở lớp, kể cả bạn nghịch nhất cũng thích tiết học cùng cô… Chúng ta hãy mở lòng để hướng tới những gì tốt đẹp nhất và luôn nhìn nhận mọi sự việc một cách khách quan. Cô T. đã và luôn là một nhà giáo được các con trân trọng, cô hãy vững vàng vượt qua khó khăn này nhé!”.

Bạn đọc chia sẻ tâm sự xung quanh sự việc này xin gửi ý kiến vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Khởi Nguyên


Bình luận
vtcnews.vn