(VTC News) – Chị N. không có thai, con đã lớn nhưng sữa tự nhiên chảy ra từ 2 đầu vú. Vậy chị N. có mắc bệnh?
Không mang thai, nuôi con bú mà vú tiết sữa cần đi khám kịp thời.
Chị N. trú tại Văn Cao, Hà Nội cho biết: Chị có 2 con, 1 đứa 7 tuổi, 1 đứa 5 tuổi. Tuy nhiên, gần đây, vú chị tự nhiên cương lên và chảy chất dịch màu trắng đục như sữa giống giai đoạn chị cho con bú.
Khi quan hệ với chồng, vùng ngực bị ép, sữa cũng chảy ra rất nhiều. Chị N. băn khoăn liệu có phải chị bị bệnh?
Đi khám tại khoa sản, chị được kiểm tra vú, nhưng không phát hiện u, cục. Để cẩn thận, bác sĩ cho chị đi siêu âm đầu dò, vú và xét nghiệm prolactin trong máu. Kết quả siêu âm tuyến vú và phụ khoa không thấy hình ảnh bất thường.
Với trường hợp bệnh nhân như vậy, bác sĩ cho rằng, có thể chị N. bị rối loạn prolactin. Sau khi chị N. có kết quả xét nghiệm prolactin là 194,31 mlU/L, BS kê đơn thuốc Bromocriptine 2,5 mg uống ngày nửa viên trong vòng 1 tháng sau khám lại.
Theo các bác sĩ, vú tiết sữa mà không phải do mang thai và sau khi sinh thì đó là bệnh rối loạn nội tiết tố chất Prolactin, tiếng Anh gọi là Hyperprolactinemia.
Tuy nhiên, cần tìm hiểu hiểu tận gốc là do lý do gì gây ra sự rối loạn này bởi vì có thể liên quan đến tuyến thùy yên (Pituitary Gland) ở não hoặc chứng bệnh khác gây ra. Thường thì do bướu ở tuyến thùy yên gây ra. Do đó, bệnh nhân nên chụp hình MRI não để xem có phải do nguyên nhân này hay không.
Những nguyên nhân gây chảy sữa khác ở phụ nữ trưởng thành là dùng thuốc tránh thai, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc hạ huyết áp. Còn nhiều hiện tượng chảy sữa khác không rõ cơ chế, ví dụ có người bị khối u buồng trứng có thể kèm theo chảy sữa.
Thuốc Bromocriptin, một dẫn chất từ nấm cựa gà, là thuốc chủ vận của thụ thể dopamin, gây hoạt hóa thụ thể sau synap của dopamin. Bromocriptin là thuốc chủ vận mạnh nhóm thụ thể D2 của dopamin và là thuốc đối kháng một phần của nhóm thụ thể D1. Tác dụng đó làm giảm tiết prolactin và hormon sinh trưởng từ thùy trước tuyến yên và cải thiện chức năng vận động trong bệnh Parkinson.
Trên lâm sàng, bromocriptin làm giảm rõ rệt nồng độ prolactin huyết tương ở người bệnh tăng prolactin sinh lý cũng như bệnh lý. Với liều có tác dụng ức chế tiết sữa sinh lý và cả bệnh lý do tăng prolactin - máu đều không ảnh hưởng đến sự tiết những hormon dinh dưỡng khác của thùy trước tuyến yên.
Phải mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát chứng tiết nhiều sữa, tùy theo mức độ kích thích mô vú trước khi điều trị. Thường giảm tiết ít nhất 75% sau 8 - 12 tuần. Một số ít người không có đáp ứng sau 12 tháng điều trị.
Nam Anh
Bình luận