• Zalo

Vụ án quán 'Xin Chào': Nữ phóng viên 'nổ phát súng đầu tiên' lên tiếng

Thời sựThứ Hai, 25/04/2016 06:00:00 +07:00Google News

Nữ nhà báo "nố phát súng đầu tiên" trong vụ án quán phở - cà phê Xin Chào lên tiếng sau loạt bài gây chấn động dư luận.

(VTC News) - Nữ nhà báo "nổ phát súng đầu tiên" trong vụ án quán phở - cà phê Xin Chào lên tiếng sau loạt bài gây chấn động dư luận.

Vụ án khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã khép lại. Cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can Nguyễn Văn Tấn (50 tuổi) chủ quán Xin Chào, phục hồi các quyền lợi hợp pháp của bị can.

Đồng thời, những cá nhân ký quyết định khởi tố, phê chuẩn truy tố ông Tấn ra tòa đã bị cấp trên ra quyết định tạm đình chỉ công tác, chờ xử lý theo luật định.

Qua vụ án này, có thể nói công lý đã được thực thi, phần nào mang lại niềm tin cho công luận và người bị oan sai tin vào luật pháp.

Tuy nhiên ít người biết đến câu chuyện đằng sau đó. Phóng viên VTC News phỏng vấn nữ nhà báo Hàn Ni - người nổ phát súng đầu tiên cho loạt bài về vụ án gây chấn động, tác giả bài viết "Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự" (đăng ngày 19/4/2016).

 Nhà báo Hàn Ni (áo đen) tại buổi họp báo vụ Xin Chào tại Công an TP.HCM ngày 21/4/2016. Ảnh: Phan Cường

- Đến thời điểm này, vụ án khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào đã sáng tỏ, với tư cách phóng viên, người đầu tiên phát hiện, phản ánh vụ việc này, chị thấy thế nào?

Tôi rất vui khi vụ việc kết thúc có hậu. Vấn đề này cũng chính nhờ sự quan tâm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, từ trung ương đến địa phương, người dân, báo chí đồng hành, đồng thuận ủng hộ.

Sau khi bài báo đăng tải, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng chỉ đạo làm rõ, tiếp đó đến Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao vào cuộc.

Ông Tấn chủ quán cà phê Xin Chào đã không bị khởi tố về hành vi "kinh doanh trái phép", ông đã được phục hồi các quyền lợi ích hợp pháp liên quan. Các cá nhân ra quyết định không đúng cũng đã bị tạm đình chỉ công tác, chờ xử lý tiếp.
 
Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977). Phóng viên Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Hàn Ni được đồng nghiệp, bạn đọc tặng nhiều "danh hiệu" như Bông hồng thép, Người truyền lừa truyền thông, Người dũng cảm đi tìm công lí, Người hùng trong làng báo, Hiệp sỹ công luận.
- Điều gì khiến chị tiếp nhận hồ sơ và tìm hiểu vụ việc trong khi vụ án đã có quyết định khởi tố, truy tố của cơ quan chức năng và chỉ chờ ra tòa xét xử? 

Trước đó, tôi tình cờ nghe một anh bạn bác sỹ Chợ Rẫy, người chữa bệnh cho mẹ ông Tấn, kể chuyện của ông Tấn, nạn nhân mang hồ sơ, đơn đi gõ cửa khắp nơi nhưng không ai dám tiếp nhận; và lúc đó tôi cũng nghĩ làm gì công an, Viện kiểm sát mà làm sai được, tòa cũng tiếp nhận án rồi còn gì. Nhưng do tính tò mò tôi buột miệng nhờ người bạn xin hồ sơ, nhưng dặn là hồ sơ phải đủ bút lục, vì sợ hồ sơ thiếu, còn "ém" gì nữa, mình viết sai mình chết. 

Khi tôi tiếp nhận được hồ sơ, nghiên cứu và thấy có điều gì đó bất ổn nên quyết định phản ánh. Tôi nghĩ, bất cứ là ai, ở giai đoạn nào không quan trọng, quan trọng thấy sai là phản ánh, và hãy tự tin ở chính bản thân mình. 

Khi viết, tôi chưa gặp ông Tấn lần nào, chỉ nói chuyện một lần qua điện thoại của anh bác sỹ. Đến lúc xuống UBND huyện Bình Chánh, ông Tấn đến đối chất, tôi có gặp ông 5 phút.

Đến giờ đã có kết quả, chắc ông cũng xem qua báo chí và có lẽ không biết số để gọi cho tôi. Tôi cũng không cần thiết gặp ông, vì viết án, chứng cứ nằm trong hồ sơ, người ta có chuyện buồn thì mình đừng hỏi thêm, khơi gợi nỗi buồn nếu thấy chưa thật sự cần thiết.

 Hồ sơ vụ án quán Xin Chào

- Khi quyết định đưa vụ việc ra công luận, chị có sợ mình sẽ thua cuộc?

Tôi mất 4 ngày đêm, 3 đêm để tìm hiểu về hồ sơ và viết bài báo. Trong đó 3 ngày dành thời gian để đọc từng bút lục trong hồ sơ của tòa. Rồi lại thức cả đêm để hệ thống làm sao ra được bài viết đầy đủ, thuyết phục.

Tôi phải theo từng dòng thời sự, mất ngủ, ăn uống qua bữa, không có thời gian tắm, sức khỏe giảm nhiều.

Sau khi bài báo đăng, tôi cảm giác hồi hộp, không biết bên cơ quan công an, viện kiểm sát sẽ phản pháo thế nào.

Dù tài liệu có đủ, nhưng suy nghĩ tôi lúc đó vẫn không thể tin được, với bộ máy chính quyền, công an điều tra, đích thân Trưởng công an huyện ký quyết định đề nghị khởi tố, Viện phó Viện Kiểm sát huyện phê chuẩn truy tố màu mực, dấu mộc, chữ ký còn mới như thế, sao có thể làm sai...?

Chính cảm giác đó khiến tôi lo lắng không ít. Lúc này tôi chưa biết vụ việc đi đến đâu nên chưa thể biết "thắng thua" thế nào.

- Với một vụ án điều tra như thế này, chị phải xử lý thông tin thế nào?

Nguyên tắc làm việc của tôi là cái gì không biết thì hỏi người có chuyên môn. Sau khi đọc xong, nắm sơ, xem chỗ nào vướng, cần hỏi gì... thì hỏi. Vụ án này tôi cũng đem ra "hội chẩn" như bác sỹ hội chẩn hồ sơ bệnh án vậy.

Tôi đã nhờ một chị Phó chánh án và một điều tra viên chuyên về hình sự ngồi cùng nhau, tôi đặt những câu hỏi, hỏi đến đâu, tôi lấy bút lục đến đó để kiểm tra, đối chứng. 

Những người chuyên môn, họ trả lời nhanh lắm, vận dụng điều nào, đúng sai chứ để tôi tự tìm quy định pháp luật thì phải tốn nhiều thời gian, mặc dù tôi cũng là dân luật. Do vậy, hồ sơ vụ án 300 trang, chúng tôi hội chuẩn trong 1 buổi là tôi đã thuộc tất cả các tình tiết. Việc còn lại là hệ thống và viết.

Vụ án quán phở, cà phê Xin Chào đã đến hồi kết thúc. Qua vụ án này, có thể nói công lý đã được thực thi, phần nào mang lại niềm tin cho công luận và người bị oan sai tin vào luật pháp.

Và cũng qua vụ án này, rất có thể việc áp dụng các quy định văn bản pháp luật của người có thẩm quyền, người cầm cân nẩy mực chắc chắn sẽ thận trọng hơn.

Đó cũng là mục tiêu hướng đến nền pháp trị, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, cơ quan chức năng chỉ được làm những gì do pháp luật quy định, tránh oan sai, khiếu kiện vượt cấp.

- Xin cảm ơn chị!

Theo cáo trạng, ngày 8/8/2015, ông Tấn mở quán cà phê Xin Chào tại đường dẫn lên cao tốc Trung Lương, đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh. Ngày 13/8/2015, 2 chiến sĩ Công an huyện Bình Chánh vào quán kiểm tra và phát hiện quán có 5 lỗi, trong đó không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 10/9/2015, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra, lúc này quán đã có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, công an phát hiện quán vẫn chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và một số lỗi khác.

Sau đó, Công an huyện Bình Chánh cho rằng ông Tấn “tái phạm” nên quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngày 11/3, VKSND huyện Bình Chánh hoàn tất cáo trạng truy tố ông Tấn về tội Kinh doanh trái phép.


Huy Cường (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn