• Zalo

Vụ án nhà báo Hoàng Khương: Các bị cáo đã nhận tội

Pháp luậtThứ Năm, 06/09/2012 02:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trong phiên xét xử vụ án Hoàng Khương sáng 6/9, hầu hết các bị cáo đã nhận tội và xác định cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội.

(VTC News) – Trong phiên xét xử vụ án Hoàng Khương sáng 6/9, hầu hết các bị cáo đã nhận tội và xác định cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội danh.

 

Sáng ngày 6/9, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử công khai ông Nguyễn Văn Khương (tức nhà báo Hoàng Khương – PV báo Tuổi Trẻ) và các đồng phạm khác bị xử lý về các hành vi “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”.  Chủ tọa phiên tòa – bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Thẩm phán – Phó Chánh tòa hình sự, Tòa án Nhân dân TP.HCM.

 

Vì đây là phiên tòa xét xử liên quan đến 1 nhà báo, được dư luận rất quan tâm, nên đã có rất đông đảo PV các cơ quan truyền thông có mặt tại phiên tòa để đưa tin về vụ án. Lực lượng an ninh, công an cũng giám sát, bảo vệ phiên tòa rất chặt chẽ.

 

Mở đầu phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài – người nhận bào chữa cho bị cáo Hoàng Khương đã có đề nghị hội đồng xét xử cho mời đại diện BBT báo Tuổi Trẻ đến tham dự phiên tòa với tư cách là cơ quan quản lý bị cáo Hoàng Khương, đồng thời lưu ý đến tư cách cá nhân của ông Khương hiện vẫn đang là 1 nhà báo. Bởi lẽ, theo luật sư Hoài, hiện ông Khương vẫn chưa bị thu hồi thẻ nhà báo do Bộ Thông tin Truyền thông cấp.

 

Sau khi đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa có ý kiến, Chủ tọa phiên tòa – bà Nguyễn Thị Thu Thủy trả lời luật sư Hoài rằng, đại diện BBT báo Tuổi Trẻ không phải là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, cũng không phải là nhân chứng nên không cần thiết phải mời đến, mà tất cả đều đã thể hiện sự trả lời qua các văn bản.

 

Đối với tư cách nhà báo của ông Khương, cả 2 cơ quan tham gia tố tụng đều khẳng định rằng các điều luật không có quy định phải thu hồi thẻ nhà báo thì mới bị truy tố, xét xử. Ngoài ra, ông Khương cũng đã bị BBT báo Tuổi Trẻ tạm đình chỉ công tác, xử lý kỷ luật nên không được coi là nhà báo.

 

9h45 sáng, khi đại diện cơ quan công tố đọc xong bản cáo trạng của vụ án, Chủ tọa phiên tòa bắt đầu tiến hành thẩm vấn từng bị cáo. Trước tiên là bị cáo Trần Anh Tuấn, chủ chiếc xe đầu kéo trong vụ va chạm với 1 xe ô tô du lịch khác tại giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) đêm 23/6.

 

Chủ tọa phiên tòa đang thẩm vấn nguyên CSGT quận Bình Thạnh Huỳnh Minh Đức (ảnh: N.D) 

Bị cáo Tuân khai, quen Tôn Thất Hòa (người quen biết nhiều lực lượng CSGT) qua bạn bè giới thiệu. Vì lần đầu tiên gặp tai nạn, nên Tuấn nói rằng mình rất bối rối. Ban đầu, có ý định muốn nhờ Hòa giới thiệu cho CSGT quận Bình Thạnh (đơn vị thụ lý vụ việc) để lấy xe ra sớm.


Thế nhưng, về sau thì Hòa cứ đi theo Tuấn từ đầu đến cuối vụ việc, chủ động liên lạc và hẹn gặp Tuấn, nhưng Tuấn thì lại có ý định không muốn nhờ Hòa nữa do thấy vụ việc cũng không phức tạp.

 

“CSGT có hướng xử lý cho 2 bên tự thượng lượng rồi bồi thường. Tôi nghĩ rằng rồi từ từ làm đúng thủ tục cũng lấy xe ra được thôi, mà Hòa thì lại cứ muốn đứng ra lo hết. Nói riết thì tôi cũng đồng ý” – Tuấn thành thật khai báo.

 

Sáng ngày 25/6, Hòa chủ động gọi cho Huỳnh Minh Đức (nguyên CSGT quận Bình Thạnh, người thụ lý vụ tai nạn này) ra uống café ở café Vòng Xoay (quận Bình Thạnh), rồi gọi cho Tuấn chủ động nói gặp Đức để xin xe ra sớm.

 

Tại cuộc gặp giữa 3 người này (Hòa, Đức và Tuấn), Hòa đã chủ động hỏi giá để lấy xe ra sớm là bao nhiêu, Đức ra giá 3 chai (3 triệu đồng) vì xe con cũng đã là 2 triệu đồng. Trần AnhTuấn ngay lập tức đưa số tiền nói trên cho Hòa, rồi Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức. Đức nhận tiền, ngồi chơi 1 lúc rồi ra về. Cuối giờ chiều ngày 25/6, dù là Chủ nhật, nhưng xe đầu kéo của Tuấn vẫn được trả.

 

Khi đã xong công việc, Tuấn và Hòa mời Đức đến 1 quán nhậu, Cùng đi với Hòa còn có ông Nguyễn Văn Khương, mà Hòa giới thiệu tên là Hùng, em của Hòa. Khi Chủ tọa đề cập đến việc tại sao lại rủ Hoàng Khương đi nhậu chung vì Khương không biết Tuấn và Đức, Hòa trả lời vì quen Khương đã lâu, hay đi uống café và đánh tennis chung nên rủ đi cho vui,

 

Trong quá trình ngồi nhậu, Hoàng Khương liên tục đi ra ngoài với mỗi lần từ 15 – 20 phút, rồi có đặt vào túi Hòa 1 máy MP3, mà ban đầu Hòa tưởng đó là máy nghe nhạc, về sau mới biết là máy ghi âm diễn biến cuộc nhậu.

 

Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa tại phiên tòa sáng 6/9 (Ảnh: N.D) 

Đối với Trần Minh Hòa và Nguyễn Đức Đông Anh (em rể nhà báo Hoàng Khương), tại tòa thì các bị cáo cũng đã thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, đúng hành vi.

Trần Minh Hòa khai, do Đông Anh đã từng giúp Hòa lấy xe ra 1 lần vào năm 2009 trong một vụ tụ tập, đua xe trái phép trên địa bàn quận Gò Vấp, nên khi bị CSGT quận Bình Thạnh bắt giữ vào tháng 4/2011 về hành vi tương tự, Hòa lại tiếp tục nhờ Đông Anh giúp đỡ.

 

Lần này, Đông Anh đòi Hòa chi 21 triệu đồng để lấy được xe ra, nhưng Hòa nói nhiều quá, nên 2 bên đã đồng ý với giá 15 triệu đồng, đưa làm 2 lần (lần 1 đưa 10 triệu đồng). Khi đã đưa đủ số tiền theo yêu cầu, khoảng 10 ngày thì Hòa đã lấy được chiếc xe Suzuki sport của mình ra khỏi khi tang vật của CSGT quận Bình Thạnh, dù rằng biên bản khi tạm giữ tới 30 ngày.

 

Vì đã nhận tiền từ Hòa nên Đông Anh lại một lần nữa phải nhờ tới nhà báo Hoàng Khương, và Khương lại phải nhờ Tôn Thất Hòa làm môi giới để nhờ Huỳnh Minh Đức. Khi đã nhận xe nhưng chưa nhận lại được giấy tờ, dù Khương liên tục hối thúc Tôn Thất Hòa, và Hòa cũng liên tục gọi cho Đức, nhưng Đức cứ tìm lí do thoái thác.

 

Tôn Thất Hòa bị dẫn giải ra xe về trại giam sau khi phiên tòa tạm nghỉ (ảnh: N.D) 

Lúc này, Tôn Thất Hòa đã nói thật em mình tên Hùng chính là nhà báo Hoàng Khương ở báo Tuổi Trẻ, nếu không trả lại giấy tờ xe cho Trần Minh Hòa thì Khương sẽ đăng báo vụ nhận tiền lần trước của xe đầu kéo, và cả lần này.

 

Và quả thật, ngày 10/7/2011, bài “Giải cứu xe đua trái phép” của nhà báo Hoàng Khương đã được cho đăng trên báo Tuổi Trẻ với hàng loạt những chi tiết động trời của vụ án này bị phanh phui trên mặt báo.

Chiều ngày 6/9, Chủ tọa và hội đồng xét xử phiên tòa vụ án nhà báo Hoàng Khương tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn các bị cáo xung quanh quá trình đưa và nhận tiền.

 

Mở đầu buổi làm việc, Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy – Chủ tọa phiên tòa thẩm vấn nguyên CSGT Bình Thạnh ông Huỳnh Minh Đức. Trả lời trước tòa, Đức thừa nhận có nhận trong vụ “giải cứu” chiếc xe Suzuki Sport của Trần Minh Hòa, Đức có nhận 15 triệu đồng từ tay Tôn Thất Hòa, và hứa ngày 30/6 sẽ giao xe.

 

Tuy nhiên, không đúng hẹn về mặt thời gian làm cho Tôn Thất Hòa và nhà báo Hoàng Khương phải liên tục gọi điện thoại cho Đức để giục, vì Đức đã nhận đủ tiền. Sau đó, Đức hẹn ngày 3/7/2011 sẽ nhờ người giao xe cho Khương và Tôn Thất Hòa.

 

Ngày 5/7/2011, báo Tuổi Trẻ có đăng bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” nói về vụ Huỳnh Minh Đức nhận 3 triệu đồng của Tôn Thất Hòa và Trần Anh Tuấn để giải cứu xe đầu kéo, tang vật của vụ va chạm giao thông với 1 xe ô tô du lịch ở giao lộ Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh).

 

Vì đã nhận được lại chiếc xe của Trần Minh Hòa, nhưng chưa lấy được lại giấy đăng kí xe, nên Tôn Thất Hòa đã liên tục gọi cho Đức để đòi, mà Đức thì lại cứ tránh mặt. Cuối cùng, Tôn Thất Hòa dọa: tài xế Hùng của mình chính là tên gọi tạm thời của nhà báo Hoàng Khương, và nếu trả giấy đăng kí xe thì Hoàng Khương sẽ không đăng tiếp kì thứ 2 (việc Đức nhận 15 triệu đồng để giải cứu xe đua). Còn không thì chắc chắn Hoàng Khương sẽ viết và đăng tiếp.

 

Ngày 10/7, báo Tuổi Trẻ cho đăng tiếp kì thứ 2, bài “Giải cứu xe đua trái phép” của tác giả Hoàng Khương.

 

Sau gần 1 năm bị tạm giam, trông nhà báo Hoàng Khương gầy hơn lúc bị bắt rất nhiều (Ảnh: N.D) 

Tiếp đó, trong phần trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, ông Nguyễn Văn Khương (nhà báo Hoàng Khương) đã thừa nhận mình can thiệp quá sâu vào quá trình đưa, nhận tiền giữa các bên. Dù vậy, Hoàng Khương vẫn một mực cho rằng hành động của mình là tác nghiệp báo chí, hoàn toàn không có động cơ cá nhân, bản thân đang thực hiện loạt bài về vi phạm giao thông theo đề nghị của lãnh đạo báo Tuổi Trẻ.

 

Tiếp đó, Hoàng Khương đã nói rằng mình hành động như thế chỉ muốn tìm ra bản chất của sự việc, tìm hiểu xem quá trình xử phạt vi phạm giao thông tại quận Bình Thạnh như thế nào, có đúng quy trình hay không? Bên cạnh đó, Khương khẳng định số tiền 15 triệu đồng hoàn toàn không phải lo lót để lấy xe ra, mà là đóng phạt không đã hết 10 triệu đồng, số tiền còn lại không rõ Huỳnh Minh Đức sử dụng để làm gì.

 

Chủ tọa đặt vấn đề: “Nếu tác nghiệp báo chí, tại sao không dùng tiền của cơ quan quản lí mình mà lại đi dùng tiền của cá nhân khác? “nhà báo Hoàng Khương thẳng thắn nói: “Tôi chỉ muốn tìm hiểu xem quy trình xử lý xe vi phạm sai sót chỗ nào, và đây là số tiền Trần Minh Hòa đưa cho Nguyễn Đức Đông Anh, và Đông Anh đưa lại cho bị cáo”.

 

Rất đông phóng viên của các cơ quan truyền thông tại TP.HCM tới theo dõi, đưa tin về vụ án (Ảnh: N.D) 

Tới đây, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa nhấn mạnh rằng hành động của nhà báo Hoàng Khương là vượt quá phạm vi giới hạn của một nhà báo. Là một nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều tra, đáng lí ra Hoàng Khương phải tự biết là hành vi này vi phạm pháp luật khi mình trực tiếp tham gia các hành động sai trái.

 

Trả lời việc này, Hoàng Khương nói là mình chỉ biết dấn thân vào sự việc, nếu không làm thế sẽ không có các bằng chứng cụ thể sai trái của Huỳnh Minh Đức. Khi làm như vậy, Hoàng Khương hoàn toàn không lường hết những hậu quả sẽ mang lại.

 

Vào cuối buổi chiều, luật sư Phan Trung Hoài – luật sư bào chữa cho nhà báo Hoàng Khương đã tham gia vào quá trình thẩm vấn các bị cáo nhằm làm rõ thêm các hành vi của thân chủ của mình.

 

Ngày mai (7/9), phiên tòa xét xử vụ án nhà báo Hoàng Khương vẫn còn tiếp tục làm việc.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn