Tháng 3/1994, cuộc điều tra dài cả thập kỷ liên quan đến chuỗi vụ án rúng động Nhật Bản tưởng như đã có thể đi đến kết thúc.
Tất cả bắt đầu khi chủ tịch một công ty bánh kẹo bị bắt cóc tống tiền, kéo theo một loạt sản phẩm của các công ty bánh kẹo và thực phẩm nổi tiếng bị tẩm độc xyanua. Hung thủ đứng sau các vụ án chỉ để lại cái tên “Quái vật 21 bộ mặt” – dựa theo tên một tiểu thuyết thế kỷ 20.
Ngày 23/3/1994, một nghi phạm bị bắt giữ ở Osaka được cho là đã thừa nhận có liên quan đến vụ án. “Tôi sẽ bị giết nếu thú nhận”, anh ta nói với cảnh sát, theo Yomiuri Shimbun.
Nghi phạm này lên tiếng vài ngày sau khi thời hiệu khởi tố vụ án bắt cóc kết thúc.
Vụ bắt cóc bất thành
Ngày 18/3/1984, Katsuhisa Ezaki, chủ tịch công ty Ezaki Glico, bị bắt cóc khi đang ở nhà của ông ở phía Tây Nhật Bản. Là một nhân vật nổi tiếng với các sản phẩm mang tên ông xuất hiện ở gần như mọi máy bán hàng và cửa hàng trên khắp Nhật Bản, vụ án nhanh chóng thu hút sự chú ý.
Bọn bắt cóc đòi tiền chuộc 1 tỷ yên và 100 kg vàng. Tuy nhiên 3 ngày sau, ông Ezaki trốn thoát khỏi nơi bị bắt giữ, là một nhà kho nhỏ bên ngoài Osaka, trong lúc chúng sơ sở.
Tất cả chưa kết thúc ở đó.
Hàng loạt vụ cháy xảy ra ở trụ sở chính của Glico. Sản phẩm của công ty này, cùng với sản phẩm của Morinaga, và một số công ty thực phẩm Nhật Bản lớn khác, bị tẩm độc xyanua. Nhiều bức thư đe dọa được gửi tới các công ty cũng như nhà phân phối, khi những kẻ thủ ác tống tiền họ không thành công. Số tiền chuộc chúng đòi thường lên tới hàng trăm nghìn USD.
Nhưng trước nguy cơ sản phẩm bị đầu độc – và một số sản phẩm sau đó đã được phát hiện là thực sự có độc – các công ty đã phải thu hồi một số lượng lớn hàng hóa. Không ai bị tổn thương nhưng doanh số bán hàng của họ sụt giảm thảm hại, lợi nhuận “biến mất”, hàng trăm nhân viên phải nghỉ tạm thời hoặc bị sa thải.
Glico cho biết họ nhận được hơn 1.000 thư kêu gọi chống lại cuộc tấn công.
Điều tra viên tự sát để nhận trách nhiệm
Cảnh sát đã khởi động một cuộc điều tra quy mô lớn, nhưng vẫn không thể bắt giữ thủ phạm. Hơn 125.000 nghi phạm được cho là có liên quan đến vụ án, và 64.000 người đã bị thẩm vấn. Ước tính hơn 1 triệu cảnh sát đã tham gia cuộc điều tra.
Một trong những manh mối hiếm hoi họ có được là phác họa “người đàn ông đôi mắt cáo” liên quan đến vụ án, nhờ một cảnh sát mô tả lại đối tượng khả nghi sau khi truy bắt bất thành. Nhưng cảnh sát cũng mất dấu người đàn ông mắt cáo này.
Trong khi đó, “quái vật” liên tục có các động thái mang tính đe dọa nạn nhân và mỉa mai các cơ quan chức năng. Một số sản phẩm được dán nhãn "có độc". Chúng thậm chí để lại cảnh quay camera tẩm độc vào sản phẩm tại quầy hàng.
Cảnh sát Nhật Bản có bề dày thành tích trong việc bắt giữ những kẻ tình nghi, nhưng lần này họ dường như đã bị cản trở. Tháng 8/1985, dường như do tuyệt vọng vì vụ án đi vào bế tắc và trước áp lực truyền thông, ông Yamamoto - lãnh đạo cảnh sát quận Siga đã tự thiêu.
Không lâu sau đó, nhiều tờ báo nhận được thư nói rằng vụ “bắt nạt” các công ty thực phẩm sẽ chấm dứt. Cũng có người nghi ngờ rằng các công ty cuối cùng đã phải trả một cái giá nào đó cho những kẻ hành hạ họ, dù ông Ezaki phủ nhận kiểu “giao dịch ngầm” này.
Người đàn ông bị bắt giữ hôm 23/3/1994 cũng có đôi mắt cáo. Theo Yomiuri, có 8 nghi phạm khác, tất cả đều là khách hàng hoặc nhân viên của một quán bar mà ông Ezaki thường xuyên lui tới.
Tuy nhiên, cuộc điều tra tiếp tục không có tiến triển.
Tháng 2/2000, cảnh sát cho biết họ sẽ kết thúc 16 năm điều tra các vụ việc liên quan đến đe dọa, âm mưu giết người bằng cách đầu độc của "Quái vật 21 bộ mặt", mà không có kết quả, sau khi thời hạn khởi tố của vụ án cuối cùng trong chuỗi sự việc kết thúc.
Vụ án còn kéo theo các vụ đe dọa tương tự xảy ra đối với các công ty thực phẩm và nhà bán lẻ. Từ khi bắt đầu vụ án đến cuối năm 2000, đã xảy ra 545 vụ việc, trong đó 322 vụ đã được giải quyết.
Bình luận