• Zalo

Vụ án 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa: Nhiều nội dung kháng cáo có cơ sở

Pháp luậtThứ Tư, 12/11/2014 05:00:00 +07:00Google News

Không chấp nhận bản án còn nhiều dấu hiệu bất thường, nguyên đơn là bà Trần Thị Phương đã có đơn kháng cáo vụ án 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Như đã phản ánh, không chấp nhận bản án còn nhiều dấu hiệu bất thường, nguyên đơn là bà Trần Thị Phương đã có đơn kháng cáo vụ án 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Xây dựng tiếp tục thông tin tới bạn đọc các nội dung kháng cáo cụ thể của nguyên đơn trong vụ án trên là bà Trần Thị Phương, địa chỉ liên lạc: 7B/52 đường Thành Thái, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu nhà đất 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Hồ Chí Minh 

Bà Trần Thị Phương là đại diện ủy quyền cho nguyên đơn là ông Trương Trọng Hùng, ông Trương Trọng Dũng và bà Chhun Bernadette đang cư trú tại Pháp; Tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết, xét xử vụ “Tranh chấp quyền sở hữu nhà, đòi tài sản” tọa lạc tại địa chỉ: 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa sơ thẩm đã sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ?


Trước đó, bà Trần Thị Phương đã kháng cáo toàn bộ bản án tại đơn xin kháng cáo ngày 26/5/2014: Bản án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc điều tra, đánh giá chứng cứ, bênh vực bị đơn làm thiệt hại quyền lợi chính đáng của nguyên đơn:

Nay bà Trần Thị Phương làm đơn tiếp tục giải trình cụ thể nội dung kháng cáo như sau:

“Tờ tự nguyện chuyển quyền cho mẹ” ngày 19/10/1988: Bất động sản 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh do ông Trương Khắc Cẩn với tư cách quản trị viên tài sản pháp định đại diện mua căn nhà này cho hai con là anh Trương Trọng Hùng và anh Trương Trọng Dũng.

Ông Cẩn đã đóng trước bạ theo biên lai số 097524 và 097525, việc mua bán nhà đã hoàn tất thủ tục pháp lý theo qui định của luật pháp lúc bấy giờ nhưng hai người con chưa đăng ký sang tên, bản thân bà Chhun cũng chưa trước bạ và đăng ký chuyển quyền; Xét thực tế bà Chhun là chủ sở hữu nhưng về pháp lý thì chưa được công nhận;

“Tờ tự nguyện chuyển quyền cho mẹ” ngày 19/10/1988 

Về mặt pháp lý, theo quy định của pháp luật các tài sản bắt buộc phải có đăng ký trong giao dịch mới được xem là chủ sở hữu hợp pháp, mới có quyền định đoạt. “Tờ tự nguyện chuyển quyền cho mẹ” không phải là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của bà Chhun, nên bà Chhun chưa có đủ thẩm quyền định đoạt căn nhà vì vậy bà Chhun chưa đủ tư cách bán nhà cho ông Chang, cho bà Tư hay bất kỳ ai.

Tòa sơ thẩm không giải quyết việc mua bán bất động sản theo pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 467, phần 2 của Điều 196 Bộ luật dân sự và khoản 1 điều 21 Nghị quyết 1037. Tòa căn cứ theo quy định tại Điều 450; Điều 451; Điều 452;

Điều 453 và Điều 454 của Bộ luật dân sự để công nhận việc mua bán này đã hoàn tất (tại dòng 17 trang 21) là chưa đúng vì bà Chhun chưa đủ tư cách bán nhà. Nếu việc mua bán đã hoàn tất tại sao bên mua trả đủ tiền mà không được nhận hồ sơ gốc, không có “Hợp đồng ủy quyền” ngày 20/5/1989 liên quan đến việc giao nhà, không có giấy giao nhận tiền...?


Nếu có việc giao nhận tiền rồi tại sao bị đơn không làm thủ tục sang tên một cách công khai minh bạch? Tại sao phải giấu giếm các giấy tờ bất lợi cho mình; Tại sao không xác định được giá mua nhà mà lại cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm và lại phủ nhận giá mua bán trong “Văn tự mua bán nhà”?

Tại sao phải mất quá nhiều thời gian xác minh và xin ý kiến tham mưu của các sở ban nghành mà không báo cho bà Chhun biết để bà Chhun về làm thủ tục sang tên hợp pháp? Tòa sơ thẩm đã sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ này?


Hợp đồng tương thuận vẫn còn giá trị pháp lý

Chứng cứ “Hợp đồng tương thuận” (viết tắt là HĐTT) ngày 22/2/1989, được công chứng chứng thực hợp pháp tại phòng công chứng nhà nước TP Hồ Chí Minh. Đến nay chưa có văn bản nào của cả hai bên xin hủy bỏ hợp đồng này. Án sơ thẩm không phủ nhận HĐTT nhưng Hội đồng xét xử lại lấy lời khai của ông Chang năm 2014 để phủ nhận việc bà Chhun bán nhà cho ông Chang (Từ dòng 10 đến dòng 22 trang 22) và công nhận hành vi mua nhà của bà Tư có thật;

Là không phù hợp với diễn biến của các sự việc đã xảy ra. “Bản khai” ngày 14/01/2014 của ông Lin Wai Chang có nội dung: “Khoảng năm 1989 tôi có ý định mua căn nhà 175 NKKN, P7,Q3, nhưng không thu xếp đủ tiền nên việc mua bán hủy bỏ.

Tôi cam kết không mua căn nhà trên nên không có bất cứ quyền lợi nghĩa vụ gì...”. Trước khi việc mua bán diễn ra hai bên đều không có ý kiến gì, vì vậy lời khai của ông Chang không ảnh hưởng đến vụ án. HĐTT vẫn còn giá trị pháp lý.

“Hợp đồng tương thuận” ngày 22/2/1989, được công chứng chứng thực hợp pháp tại phòng công chứng nhà nước TP Hồ Chí Minh. Đến nay chưa có văn bản nào của cả hai bên xin hủy bỏ hợp đồng này 

Về nguyên tắc: Việc hủy bỏ hoặc thanh lý hợp đồng phải có cả hai bên thì mới có hiệu lực. Ở đây chỉ có ý kiến của ông Chang là đã hủy bỏ mua bán; Nếu đã hủy bỏ mua bán tại sao ông Chang lại ký HĐTT với bà Tư? Lời khai của ông Chang xảy ra sau khi việc mua bán đã hoàn tất và đang có tranh chấp, Vì vậy Tòa cần phải xem xét lại lời khai này có phù hợp với thực tế không?

Đồng thời phải yêu cầu bị đơn chứng minh về phía bị đơn đã có văn bản nào xin hủy bỏ HĐTT chưa? Tóm lại: HĐTT vẫn là chứng cứ hợp pháp khẳng định bà Tư không phải là người mua nhà và bà Tư cũng không có tư cách gì để trả tiền cho bà Chhun. Đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại giá trị pháp lý của chứng cứ đã nêu ra ở trên để thấy rõ hành vi mua nhà của bà Tư là không có thật?


Tòa sơ thẩm vẫn chưa kết luận văn bản nguyên đơn yêu cầu giám định là thật hay giả

“Tờ xác nhận và cam kết” ngày 09/6/1989 (bút lục số 13) có xác nhận chữ ký của phòng lãnh sự Việt Nam tại Pháp, là chứng cứ chưa được chứng minh rõ ràng. Nguyên đơn không công nhận văn bản này do nguyên đơn làm và ký tên nên đã có đơn yêu cầu Tòa sơ thẩm cho giám định chữ ký.

Mặc dù sau khi giám định chữ ký cho kết quả là chữ ký của cùng một người ký nhưng Tòa sơ thẩm vẫn chưa kết luận văn bản chúng tôi yêu cầu giám định là thật hay giả mà đã mặc nhiên công nhận kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an để suy diễn cho đây là văn bản thật; Tòa khẳng định nó chính là giấy biên nhận tiền .


Nếu văn bản đó là thật thì tại sao: Bị đơn không cung cấp được “Hợp đồng ủy quyền” ngày 20/5/1989 có ghi trong “Tờ xác nhận và cam kết”. Đây là một chứng cứ có liên quan đến việc giao nhà cần phải được chứng minh, làm rõ;

Bị đơn căn cứ vào “Tờ xác nhận và cam kết” để bảo vệ luận cứ của mình thì chính bị đơn phải xuất trình được “Hợp đồng ủy quyền” ngày 20/5/1989 để chứng minh hành vi đã giao nhà - nhận tiền là có thật; Nếu không có “Hợp đồng ủy quyền” thì không có cơ sở để nói rằng “Tờ xác nhận và cam kết” là có thật và nó chính là một tờ biên nhận tiền.


Bị đơn không xác định được cụ thể số tiền mua bán là bao nhiêu? Vì bị đơn cho rằng tại thời điểm đó việc mua bán nhà là một vấn đề rất nhạy cảm: “...Tại thời điểm này vì phải công khai số lượng tiền rất lớn để mua bán thực tế là một việc hai bên đều không muốn” (dòng 25 đến 28 trang 20).

Thực tế trong “Văn tự mua bán nhà” có ghi giá bán là 125.000.000đ nhưng trong bản án bị đơn phủ nhận giá này; là không hợp lệ; Án sơ thẩm không làm rõ điểm này mà lại cho rằng:

“Xét lý do của nguyên đơn nêu giá mua bán ghi trong hợp đồng mua bán và tờ khai đóng thuế là có mâu thuẫn để cho rằng việc mua bán là không có thật... là không thể chấp nhận” (dòng 34 trang 20, tới dòng 10 trang 21) là hoàn toàn không đúng với thực tế trình bày của nguyên đơn, nguyên đơn không cho là có mâu thuẫn mà ở đây bị đơn không chứng minh được giá mua bán, không biết giá mua bán?! Phù hợp với nội dung bị đơn đã ký HĐTT với ông Chang.


Tại phiên tòa ngày 28/10/2013 đại diện bị đơn đã khai: Giá mua bán căn nhà là 568.000.000đ, chủ tọa hỏi: Tại sao giá ghi trong văn tự mua bán là 125.000.000 đồng? Bị đơn trình bày: Giá trong văn tự mua bán là do bà Chhun yêu cầu ghi như vậy; Bà Ngọc đưa tờ khai chuyển dịch nộp thuế trước bạ lên trình với chủ tọa và khẳng định chứng cứ trả tiền cho bà Trương chính là tờ đó.

Tòa sơ thẩm không hề đả động tới vấn đề này và cũng không ghi vào bản án. Tại sao Tòa không lưu ý tới việc bị đơn cho rằng việc mua bán là vấn đề nhạy cảm để trốn thuế mà lại gián tiếp công nhận hành vi trốn thuế của bị đơn? Đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại giá trị pháp lý của chứng cứ đã nêu ra ở trên để thấy rõ hành vi mua nhà, trả tiền của bà Tư là không có thật.
Án sơ thẩm không bác bỏ văn bản này có nghĩa là đã công nhận “Giấy phép ủy quyền quản lý nhà” vẫn còn hiệu lực pháp luật 

Giấy phép ủy quyền quản lý nhà là chứng cứ quan trọng


“Giấy phép ủy quyền quản lý nhà” ngày 13/7/1989 với nội dung “bà Nguyễn Thị Tư chỉ được quyền quản lý sử dụng, không mua bán, sang nhượng căn nhà trên.”? Án sơ thẩm không bác bỏ văn bản này có nghĩa là đã công nhận “Giấy phép ủy quyền quản lý nhà” vẫn còn hiệu lực pháp luật?!. Nếu công nhận thì mâu thuẫn với bản án đã tuyên. Đây là tình tiết quan trọng có tính chất quyết định của vụ án.

Đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại giá trị pháp lý của chứng cứ đã nêu ở trên để thấy rõ bản án sơ thẩm có dấu hiệu đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự. Bởi các lý do trên nguyên đơn đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giao vụ án về Tòa cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng pháp luật.

Theo Báo Xây dựng
Bình luận
vtcnews.vn