Vụ 33 HS bị phơi nắng: Hệ lụy từ ô nhiễm môi trường

Kinh tếThứ Tư, 29/06/2011 10:27:00 +07:00

(VTC News) - Kỳ 2 của loạt bài về ô nhiễm môi trường ở xã Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội với các ý kiến của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương.

(VTC News) - Như phản ánh của VTC News, 33 em học sinh trường Tiểu học Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã bị trừng phạt, đứng đầu trần dưới trời nắng chang chang suốt hai tiết học chỉ vì... tham gia cổ động bảo vệ môi trường. Người dân nơi đây cho rằng, việc làm nói trên của Nhà trường chẳng khác nào hành động "trả thù" thay cho các ông chủ cơ sở sản xuất gỗ dán và gỗ ép (đóng trên địa bàn - PV) đã bị UBND xã Đình Xuyên đình chỉ hoạt động sản xuất vào ngày 08/5/2011 vì lý do gây ô nhiễm môi trường.

Theo đơn khiếu nại của nhân dân Thôn 3 và Thôn 6, xã Đình Xuyên – huyện Gia Lâm- TP Hà Nội, hiện nay 60.000m2 đất tại cánh đồng Trường Thi – xã Đình Xuyên – huyện Gia Lâm – TP.Hà Nội được UBND xã cho phép 10 xưởng sản xuất gỗ dán và gỗ ép sử dụng sai mục đích dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ô nhiễm môi trường, gây bệnh tật cho người dân sở tại.


Và không chỉ khiếu nại về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật, người dân tại Thôn 3 và Thôn 6 xã Đình Xuyên – huyện Gia Lâm- TP Hà Nội còn đề nghị làm rõ hành vi cố ý phá hoại môi trường sống của 10 cơ sở sản xuất gỗ dán và gỗ ép tại khu vực cánh đồng Trường Thi – xã Đình Xuyên – huyện Gia Lâm – TP Hà Nội.

Không có giấy chứng nhận môi trường, vẫn hoạt động


Theo nội dung đơn tố cáo, hoạt động sản xuất gỗ dán và gỗ ép ở địa bàn xã Đình Xuyên hoàn toàn do tự phát từ những năm 1990, ban đầu chỉ là 02 cơ sở với sản lượng còn thấp và sử dụng loại keo có nguồn gốc từ nhựa cao su và hầu như không chứa chất Phomalđêhít.

Các xưởng sản xuất gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có giấy chứng nhận môi trường 

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2004, hoạt động sản xuất đã dần mạnh hơn, tất cả các cơ sở đều sử dụng loại keo dán có tên khoa học là Urêphomalđêhít, được trưng cất từ đạm Urê trong nông nghiệp và dung dịch Phomalđêhít 37% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Điều đáng nói, khu vực sản xuất này nằm trải dài theo con đường dân sinh dài 425m và liền kề trực tiếp với 40 hộ dân, trong đó nơi đặt máy ép gần nhất là 10m.

Theo các hộ dân này, 10 xưởng sản xuất trên đã có những dấu hiệu vi phạm luật bảo vệ môi trường như: Thành lập dự án không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, sử dụng nguyên liệu keo dán có chứa chất độc hại Phomalđêhít, cố ý thải chất thải nguy hại trực tiếp vào môi trường sống, trong đó bao gồm: Chất thải rắn có chứa dung dịch Phomalđêhít được thải trực tiếp xuống mặt đất và khí thải có chứa chất Phomalđêhít  bay hơi với hàm lượng rất lớn được thải trực tiếp vào không khí.

Bể lọc bằng than hoạt tính của ông Nguyễn Hữu Mạnh 

Ông Nguyễn Duy Thông cho biết, từ ngày các cơ sở này hoạt động mạnh lên với cường độ 24/24h đã khiến cho môi trường tại khu dân cư trở nên ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Cụ thể, thời gian gần đây, nhiều người dân trong xóm bị mắc các triệu chứng như: Khô giác mạc, giảm thị lực cấp, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, hen suyễn, viêm soang cấp và mãn tính, nhiễm độc thai nhi, đẻ non, dị tật bẩm sinh, ung thư máu,…

Để tìm hiểu cụ thể sự việc trên, PV VTC News đã liên hệ với chị Nguyễn Thị Lựu, chủ một xưởng sản xuất gỗ tại cánh đồng Trường Thi, theo chị, trước đây chưa có cơ quan chức năng nào xuống kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường của xưởng chị, chỉ từ khi có ý kiến của người dân thì có 1 số cán bộ của xã có xuống nhắc nhở.

Cũng theo chị Lựu, cơ sở sản xuất của chị khi đi vào hoạt động thì chưa hề có giấy phép chứng nhận an toàn về môi trường. Lý giải vấn đề này, chị cho rằng, lúc đầu do chỉ làm theo hình thức nhỏ lẻ, có 1 máy ép gỗ, nên chưa chú ý đến vấn đề môi trường. Sau đó, do ăn nên làm ra nên gia đình chị mới mua thêm máy.

Nước thải được xả lênh láng lên mặt đất trên nền của xưởng sản xuất 

“Chúng tôi xuất thân từ nông dân, có biết chuyện kinh doanh thì cần có những cái gì đâu. Cứ thấy kinh tế khấm khá hơn là làm. Hơn nữa, đầu tư cũng phải từ từ, chứ vào khu công nghiệp luôn thì lấy đâu ra tiền”, chị Lựu nói.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, chị Lựu thừa nhận: “Việc sản xuất gỗ có ô nhiễm môi trường hay không thì tôi nghĩ là có. Vì ngay việc quạt bếp than tổ ong cũng đã gây ô nhiễm rồi. Còn người ta bảo mắc bệnh do sản xuất gỗ thì không lẽ những người lao động ở xưởng tôi sẽ bệnh nặng gấp mấy lần cơ à. Còn ô nhiễm thế nào, mời anh chị (PV) xuống xưởng tôi xem là biết ngay”.

Tuy mời thế và khẳng định xưởng của chị đã có bể than hoạt tính để lọc chất độc, nhưng khi đề nghị được dẫn đi xem luôn thì chị Lựu nói khéo: “Để tôi về chuẩn bị trước, lát có người của xã sẽ dẫn các anh chị xuống”.

Nghĩ là sẽ được “mục sở thị” xưởng sản xuất gỗ của chị Lựu, nhưng đến nơi PV mới ngã ngửa vì đó là xưởng sản xuất của anh Nguyễn Hữu Mạnh. Theo anh Mạnh, hiện trong số các xưởng sản xuất tại xã chỉ có mỗi nhà anh có xây bể than hoạt tính để xử lý chất độc, còn các hộ gia đình khác, trong đó có cả nhà chị Lựu cũng chưa hề có bể than này?!

Anh Mạnh cho biết, việc lọc qua bể than này chỉ khử được 70 – 80% chất độc. “Khử như vậy là đã gần như sạch rồi, còn lại độc tố không đáng kể. Mùi khét ở quanh xưởng là do xưởng ván dăm, chứ xưởng anh không có mùi như vậy”, anh Mạnh nói.

Ô nhiễm nhưng dừng thì doanh nghiệp lỗ nặng!

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của 10 cơ sở sản xuất gỗ tại cánh đồng Trường Thi, ông Nguyễn Quang Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên thừa nhận, để sự việc xảy này là do chính quyền địa phương bận trăm công nghìn việc, chứ không chỉ là 1 xưởng mà nhiều vấn đề khác cũng cần phải quan tâm. Xã đã giao cho ban chuyên môn thường xuyên quản lý, giám sát.

Tuy nhiên, nhiều đồng chí do công việc quá nhiều nên kiểm tra không sát sao, dẫn đến việc 1 số hộ sản xuất không tuân thủ các quy định về môi trường, để khói bụi và mùi keo làm ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng ngay sau khi tiếp nhận đơn của người dân, chính quyền địa phương đã siết chặt việc kiểm tra các xưởng này.

Cụ thể, xã đã yêu cầu đình chỉ các cơ sở sản xuất này trong vòng 20 ngày để cải tiền máy móc và phương hướng cải thiện môi trường. “Tôi thấy các xưởng có chuyển biến rất tích cực. Lúc trước tôi đến đây, luôn bị cay mắt vì hơi keo bay ra. Nhưng lần 2 đến thì hơi cay ấy chỉ phát tán quanh cái máy thôi”, ông Tĩnh nói.

Cũng theo ông Tĩnh, đại đa số các xưởng sản xuất khi được nhắc nhở đều đã thực hiện rất đúng quy trình khử mùi: Cho máy hút mùi keo lên chạy qua ống thống xuống dàn mưa tự động, qua bộ phận lọc của than hoạt tính, thoát ra ngoài. Riêng 2 xưởng ép dăm, xã đã đình chỉ hẳn vì bụi và mùi phát tán rất rộng.

Theo đó, trước mắt, nếu 8 xưởng còn lại đạt được 60 -70% về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường thì xã vẫn tiếp tục cho các hộ sản xuất. Sau đó, trong vòng 1 tháng (tháng 6), các hộ này phải tiếp tục cải tiến, nếu không có giấy chứng nhận môi trường và các giấy tờ liên quan để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường thì sẽ bị đình chỉ.

Trả lời câu hỏi “Vì sao không cho các xưởng ngừng hẳn hoạt động chờ có giấy chứng nhận?”, ông Tĩnh nói, hiện các xưởng này đang giải quyết cho trên 1.000 lao động địa phương, do đó vì vấn đề mưu sinh của người dân, xã vẫn phải tiếp tục cho sản xuất.

“Vừa rồi đình chỉ 20 ngày để cải tiến máy móc, đã có đơn của 300 lao động đề nghị tiếp tục sản xuất, vì nghỉ như vậy, họ không có công ăn việc làm, không có thu nhập nên họ rất bức xúc”, ông Tĩnh nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Tĩnh cho biết, việc dừng sản xuất 20 ngày đã làm thiệt hại ước tình khoảng 4 -6 tỷ đồng cho các hộ, hơn 1.000 lao động không có việc làm. Đồng thời, nếu không tạo cho doanh nghiệp làm, họ sẽ rất khốn đốn vì không những thiệt hại về kinh tế mà còn phải đền bù thiệt hại hợp đồng.

“Hiện các tổ công tác của xã đang hoạt động cả ban ngày và ban đêm để phát hiện và xử lý các hộ vi phạm. Chúng tôi cũng phối hợp với điện lực Gia Lâm, thống nhất nếu xưởng nào vi phạm sẽ ngay lập tức ngừng cấp điện, vì vậy các xưởng sản xuất rất lo lắng và đang cải thiện rất nghiêm túc”, ông Tĩnh khẳng định.

Về việc, thời gian gần đây hầu hết các gia đình tại thôn 3 và thôn 6 đều bị mắc các bệnh về mắt và đường hô hấp, ông Tĩnh cho rằng, ô nhiễm môi trường không phải chỉ từ những năm làm gỗ gần đây, mà từ những năm làm diêm (trước khi làm gỗ, xã Đình Xuyên sản xuất diêm là chủ yếu – PV) môi trường đã bị ô nhiễm nặng, nhất là làm diêm có chất lưu huỳnh, còn độc hại hơn làm gỗ rất nhiều.

Kỳ tới: "Chuyện lạ giữa Hà Nội: Cả làng nhiễm bệnh nan y"

Châu Anh


 

Bình luận
vtcnews.vn