Với 85 tập phim, Về nhà đi con đã mang lại cho VTV số tiền không nhỏ. Theo tính toán của phóng viên từ các báo giá của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, nhà đài đã thu được hơn 150 tỷ đồng từ quảng cáo trong thời gian phát sóng Về nhà đi con, chưa tính ngoại truyện và các hình thức quảng cáo khác như chạy banner hay sử dụng nội dung phim.
Lợi nhuận này được đánh giá là kỷ lục do Về nhà đi con của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng có số tập hơn hẳn các phim Việt thời gian gần đây. Về nhà đi con có tới 85 tập (tăng 18 tập so với dự kiến ban đầu là 68 tập), trong khi Người phán xử kết thúc ở tập 47, Sống chung với mẹ chồng là 34, còn Quỳnh búp bê dừng lại 28 tập.
Chênh lệch giá giữa các phim gây bão
Thông thường sức nóng của một bộ phim truyền hình luôn tỉ lệ thuận với giá quảng cáo giờ vàng. Dẫn chứng cụ thể là những phim như Người phán xử hay Sống chung với mẹ chồng đều có giá quảng cáo ngất ngưởng, dù phát sóng trên VTV1 hay VTV3. Tuy nhiên, Về nhà đi con lại là trường hợp khá đặc biệt.
Theo thông báo của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV, giá quảng cáo từ tập 1 - 45 của Về nhà đi con ở mức khá thấp, chỉ có 75 triệu đồng cho TVC 30 giây. Bắt đầu từ tập 46, giá quảng cáo tăng lên 100 triệu đồng cho TVC 30 giây.
Cùng với sức nóng của bộ phim, đến tập 55, giá quảng cáo Về nhà đi con tiếp tục tăng, lên tới 120 đồng cho TVC 30 giây.
Như vậy, với 5 phút dành cho quảng cáo trong Về nhà đi con, VTV có thể thu được 1,2 tỷ đồng. Mức thu này chưa kể các hình thức quảng cáo khác như chạy banner hoặc quảng cáo bằng nội dung hình ảnh trong phim.
Với 10 phút, VTV thu được 2,4 tỷ đồng. Thực tế, theo quan sát của phóng viên, dù thời lượng phim chỉ có hơn 20 phút, nhà đài luôn ngắt 2 lần, mỗi lần 5 phút cho quảng cáo, tổng là 10 phút.
Nhưng có một thực tế là mức giá 120 triệu đồng/30 giây không phải là mức cao, thậm chí thấp hơn nhiều các bộ phim gây bão khác từng phát trên VTV.
Giá quảng cáo Người phán xử từng lên đến 200 triệu đồng với một TVC 30 giây, trong khi Sống chung với mẹ chồng cũng có mức quảng cáo 180 triệu đồng với một TVC 30 giây. Sống chung với mẹ chồng cũng là phim phát trên VTV1 tương tự Về nhà đi con.
Dù là phim có hiệu ứng tốt nhất trên sóng VTV ở thời điểm phát sóng, giá quảng cáo trong Về nhà đi con thậm chí còn thấp hơn Nàng dâu order, Mê cung. Nàng dâu order là 150 triệu đồng cho 30 giây, trong khi Mê cung là 180 triệu đồng cũng với 30 giây, theo số liệu từ VTV.
VTV dùng chiêu “chia đều miếng bánh”?
Bà Nguyễn Thị Hội, đại diện Công ty TNHH truyền thông Cuộc sống mới Newlife Media nhận định Về nhà đi con có mức tăng giá quảng cáo “chóng mặt”, khi từ 75 triệu đồng/30 giây ở những tập đầu lên đến 120 triệu đồng/30 giây ở phần cuối. Tuy nhiên, vị đại diện này đồng tình giá quảng cáo phim không cao như các phim gây bão khác.
Là đơn vị thường xuyên mua quảng cáo trên VTV, đại diện Newlife cho rằng có lý do để nhà đài không dám tăng giá quảng cáo Về nhà đi con cao hơn mức 120 triệu/30 giây.
“Tăng giá tất nhiên là tối ưu hóa được doanh số, tăng giá vừa thu được nhiều tiền hơn lại không bị quá thời lượng. Nhưng nếu tăng quá cao so với báo giá đầu tiên, các nhãn hàng có thể bất ngờ, không đủ ngân sách, và họ sẽ dừng việc quảng cáo. Như vậy, hoàn toàn không có lợi”, bà Hội lý giải.
Bên cạnh đó, theo vị đại diện này, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV không phải là đơn vị toàn quyền quyết định giá quảng cáo.
“Có thể nhà sản xuất cũng tham gia ý kiến về việc tăng giá quảng cáo ở khung giờ phát sóng phim trên giờ vàng. Nếu TVAD muốn giá quảng cáo là 130 triệu đồng nhưng bên sản xuất không đồng ý, bên TVAD cũng không được tự ý tăng giá”, đại diện Newlife Media nhấn mạnh.
Lý giải về việc đơn vị sản xuất đã không tăng giá quảng cáo Về nhà đi con cao hơn Mê cung dù phim gây sốt, bà Hội cho rằng rating của hai phim thực ra tương đương nhau.
“Nhưng nhà sản xuất không dám đẩy mạnh giá quảng cáo Về nhà đi con vì thời điểm đó còn nhiều phim: Nàng dâu Order, Mê cung.
Nếu cùng rating mà lại đẩy Về nhà đi con lên quá cao, có thể nhãn hàng sẽ chọn sang Mê cung của VTV3 hoặc sẽ rút ngắn kế hoạch thời lượng quảng cáo. Do vậy, phía nhà sản xuất sẽ muốn san sẻ đều cho các phim, phù hợp với từng kênh sóng”, bà Hội nêu quan điểm.
Một nguồn tin của VTV cũng xác nhận thông tin Về nhà đi con và Mê cung có rating tương đương nhau, không có nhiều chênh lệch dù tác phẩm của đạo diễn Danh Dũng có hiệu ứng mạng xã hội tốt hơn.
Bình luận