• Zalo

VTC News 10 tuổi: Để những mùa Xuân luôn về đúng hẹn

VTC News 10 năm hành trình nhân áiThứ Hai, 02/07/2018 08:05:00 +07:00Google News

10 năm cầm bút của những người làm báo VTC News, là 10 năm của hành trình nhân ái, nhân lên điều đẹp đẽ, gieo niềm hy vọng, để những số phận kém may mắn ngoài kia thấy rằng, cuộc đời này không bao giờ hết niềm tin yêu.

Ngày 7/7 này, Báo điện tử VTC News tròn 10 tuổi. Đây là dấu mốc chặng đường đầy chông gai nhưng cũng nhiều quả ngọt của VTC News. 10 năm, chặng đường chưa dài, nhưng VTC News đã là một trong những tờ báo điện tử hàng đầu và uy tín của đất nước. Từ hôm nay, chúng tôi sẽ đăng tải các bài viết, những câu chuyện tiêu biểu thực hiện trong 10 năm qua. Đây là chuyên đề nằm trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm VTC News.

Hành trình của “Sống yêu thương” nhen nhóm từ chính những chuyến tác nghiệp của đội ngũ phóng viên say nghề. Trên đường tìm tòi, thực hiện đề tài, các phóng viên đã vô tình gặp rất nhiều mảnh đời bất hạnh, số phận đẩy vào hoàn cảnh éo le, cơ cực. Ngay từ khởi đầu ấy, những người làm báo VTC News đã ý thức được, bên trong người cầm bút, là một trái tim rung cảm trước những thanh âm của cuộc đời này.

Tiếng khóc xé lòng của mẹ con cùng mắc bệnh suy tạng không có tiền chạy chữa, lầm lũi dắt nhau bước ra khỏi hành lang bệnh viện; tiếng kêu cứu tuyệt vọng của người dân mắc bệnh khô da sắc tố bị hắt hủi, kì thị vì làng xóm nghĩ rằng “quỷ ám’’ bên trong con người họ; những đứa trẻ chết mòn trong cơn đói thuốc phiện ở nơi nhìn đâu cũng thấy vàng; những đôi bàn tay chấp chới giữa mênh mông biển nước, ranh giới giữa sống và chết chỉ là cái chớp mắt vào giấc ngủ đêm, khi con nước xiết cuốn qua; ánh mắt hồn nhiên như cây cỏ, ở cộng đồng dân cư coi việc đến trường của con em là ước mơ không bao giờ thực hiện được, cô lập mình trên đỉnh núi cao với cái đói nghèo truyền từ đời này sang đời khác…

Tất cả thanh âm bất lực ấy, dội vào những trái tim khao khát được sẻ chia với nỗi đau không phải của mình, với bất hạnh không phải của mình, dội vào mong mỏi được hành động để thay đổi.

Còn nhớ, những ngày đầu đi thực hiện đề tài mảng Sức khỏe, nhà báo Nguyễn Thùy Linh (không phải tác giả bài viết này) đã không biết bao nhiêu lần bật khóc khi bước chân vào những căn phòng bệnh viện bốn bề trắng toát, tưởng chừng dây dợ, ống truyền đã trói chặt cuộc sống của người bệnh, không có cách nào thoát ra được ngoài chờ đợi cái chết gọi tên.

10846422_989335931080891_2357146030329009474_n 23

 Nhà báo Nguyễn Thùy Linh trong một chuyến từ thiện.

Khi ấy, điều mong mỏi duy nhất của chị, không phải có được bài báo hay gửi về tòa soạn, mà hơn cả, là làm sao giúp được những số phận đang nằm kia có thêm tia hy vọng về sự tồn tại, như ý niệm họ xuất hiện trong cuộc đời này.

Nhà báo Nguyễn Thùy Linh đã dùng tất cả những mối quan hệ trong khả năng của mình, không ngại ngần nhờ đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn nghiệp vụ ở những bệnh viện lớn, dành hết tâm tư vào những bài viết kêu gọi sự hảo tâm của độc giả trên khắp cả nước, với mong muốn phần nào giúp vơi bớt những ca bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khốn khó.

Đến sau này, mỗi lần bước chân vào những căn phòng đó chị vẫn khóc, nhưng là giọt nước mắt xúc động vì trên đôi tay chị là món quà mà bao tấm lòng sẵn sàng chia sớt gửi gắm, và nhất là thêm một chút niềm tin được ở lại nơi người bệnh.

Chính chị Thùy Linh, cũng là một trong những nhà báo đầu tiên đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não. Đến giờ, chị vẫn miệt mài truyền thông điệp ý nghĩa của hành động đó đến cả cộng đồng.

Nhà báo Phạm Ngọc Dương, cũng là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình thiện nguyện của VTC News. Mỗi chuyến tác nghiệp khám phá của anh, là một lần nhói lòng trước những số phận tưởng chừng cuộc sống bỏ quên nơi núi cao rừng thẳm.

Năm 2011, nhà báo Phạm Ngọc Dương, trong chuyến công tác ở Đà Bắc, Hòa Bình, nghe tin về việc hàng chục người ở Mường Chiềng mắc căn bệnh lạ khiến da thịt lở loét, rỉ máu, mà người dân sợ hãi xa lánh, gọi là căn bệnh “quỷ ám”. Sau khi đem hình ảnh đi hỏi các thầy thuốc viện da liễu, mới xác định được đây là bệnh khô da sắc tố, trên thế giới cũng chưa có thuốc chữa dứt điểm căn bệnh này.

Đau lòng trước cuộc sống bị hắt hủi của người bệnh, nhà báo Phạm Ngọc Dương đã viết loạt bài phản ánh, mời hàng trăm bác sĩ ở các bệnh viện vào cuộc, cùng với sự hảo tâm của độc giả, đưa bệnh nhân đi Hà Nội, Sài Gòn chữa trị suốt nhiều ngày.

Đằng đẵng gần 8 năm, nhà báo Phạm Ngọc Dương gắn bó với những bệnh nhân Mường Chiềng còn hơn cả người thân, lo từng miếng ăn, chiếc áo che nắng che mưa, đau đáu mong muốn giúp người bệnh đỡ khổ nhọc.

Mới đây, anh đã mời được viện trưởng Viện đông y ở Nga - ông Thân Đức Tài, cùng hàng chục nhà khoa học Nga về Mường Chiềng nghiên cứu, trực tiếp điều trị miễn phí cho các bệnh nhân, kết quả bước đầu khả quan đã le lói những tia hy vọng chữa được căn bệnh “quỷ ám’’ này.

Từ hành trình của nhà báo Nguyễn Thùy Linh, Phạm Ngọc Dương, và vô số những câu chuyện xúc động trên đường đi tác nghiệp của đội ngũ phóng viên VTC News, được sự ủng hộ của lãnh đạo Báo, quỹ từ thiện với tên gọi “Sống yêu thương” ra đời, do Đoàn thanh niên Báo điện tử VTC News, với bí thư Nguyễn Thị Thùy Linh, phó bí thư Phạm Thịnh, Đinh Đức Tùng, ủy viên Phạm Duy Thành phát động và duy trì, nối dài những câu chuyện nhân ái của người cầm bút.

Chuyến từ thiện “Mang mùa xuân về đúng hẹn” là câu chuyện đẹp được kể nơi vùng biên Nàn Xỉn, Xín Mần – Hà Giang những ngày giáp Tết năm 2014.

IMG_3094 4

Chuyến từ thiện “Mang mùa xuân về đúng hẹn” là câu chuyện đẹp được kể nơi vùng biên Nàn Xỉn, Xín Mần – Hà Giang những ngày giáp Tết năm 2014.

Trong cái lạnh đầy trời những ngày mùa đông, đoàn từ thiện băng qua những con đường chỉ có sình lầy và rinh rích tiếng trẻ con cười trên đôi môi tứa máu hai bên đường, để đến với những ngôi nhà thưa thớt lưng chừng núi, từ nhà nọ sang nhà kia lầy lội một con đường nhỏ chênh vênh; đến với mảnh ruộng chẳng quá vài đường cày trước mỗi gia đình, mỗi năm cũng chỉ một vụ vài cây lúa, những tháng còn lại trong năm, nhận trợ cấp gạo cứu đói từ chính phủ.

Nhìn khoảnh khắc người dân nơi đây hạnh phúc nhận từng hộp mứt Tết, cân gạo nếp về gói bánh chưng, nhận những đồng tiền mua manh áo mới; nhìn các em nhỏ gùi trên lưng đồng quà tấm bánh, nhảy chân sáo đến khi khuất dần sau ngọn núi, thấy như, mùa xuân đã thực sự về đúng hẹn.

Từ nơi rẻo cao cực Bắc Hà Giang, “Sống yêu thương” nối tiếp hành trình những năm sau đó đến với ngôi trường cấp 1, cấp 2 gió lùa tứ bề nơi Điện Biên Đông; thắp lên ngọn lửa tin yêu và ước mơ đến trường của các em học sinh Thông Nông, Cao Bằng; đến với những em nhỏ đôi mắt nào cũng lấp lánh ước mơ khi kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác ở bệnh viện K Tân Triều…

Năm 2016, khi cả dài đất miền Trung chìm trong trận lũ lịch sử, nhìn về Nghệ An, là mênh mông nước; nhìn về Hà Tĩnh, là lác đác vài nóc nhà còn nhô lên giữa biển nước; nhìn về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, là đục ngàu một màu lũ dữ càn quét, “Sống yêu thương” lại vội vã lên đường, mang theo những chuyến xe chất đầy lương thực thuốc men, cũng là chất chứa lo toan đắng đót xót lòng của người cầm bút, của độc giả thân quen, đến nắm chặt bao đôi bàn tay chấp chới giữa biển nước, đến để những đôi mắt nấc nghẹn vì mất mát kia, ánh lên tia hy vọng về ngày mai.

Ước mong về tia hy vọng những thế hệ sau sẽ giúp ông bà, cha mẹ và chính mình thoát đói nghèo, đã thôi thúc “Sống yêu thương” bắt đầu chặng mới trong cuộc hành trình nhân ái, đó là xây những ngôi trường, ươm mầm hy vọng.

27752176_1328598797269021_3832983661546430234_n 26

TBT VTC News Ngô Văn Hải trong lễ khánh thành ngôi trường ở Suối Sát, Sơn La

Cuộc vận động “Nụ cười Suối Sát”, chung tay xây dựng cho các em nhỏ Suối Sát, Hua Nhàn, Bắc Yên, Sơn La – nơi gần như cô lập với bên ngoài vào mùa mưa, khi đường lên núi bị cắt đứt đã là khởi đầu cho những dự định mới.

Từ trung tâm huyện Bắc Yên, đi qua 20km đường nhựa, 14 km đường thủy, 8km đường bao quanh vách núi cực kì xấu, để bắt đầu 3 tháng ròng rã gian nan xây dựng ngôi trường cho trẻ em mầm non, trên ngọn núi ngủ yên trong mây.

Gần ba tháng trước, cả bản chỉ có 31 em nhỏ được đi học trong căn phòng lụp xụp, còn 20 em độ tuổi đến trường phải theo cha mẹ lên rẫy, hoặc lang thang tự chơi tối ngày, trưa về mò mẫm vét chút cơm nguội còn sót lại, vì thiếu phòng học. Nay, cả hơn 50 em nhỏ đều được đến trường vào buổi sáng, trưa có thể ngủ lại, chiều tan học sau khi bố mẹ đi nương về; được chơi đùa đu quay, cầu trượt thú nhún đủ màu sắc khắp sân trường.

Nụ cười để lại Suối Sát, mong rằng, sẽ như niềm tin nhỏ bé được gửi lại, để các em thấy trong mình khao khát được đến trường, được ước mơ xa hơn ngọn núi trước hiên nhà, được rời khỏi nơi mình sinh ra và lớn lên, không chỉ trong mùa khô, mà cả mùa mưa, được thấy nhiều hơn những gì đời cha mẹ, ông bà mình từng sống.

Tiếng cười trong trẻo mộc mạc như cây cỏ đó, ánh mắt háo hức nhìn vào ngôi trường đó, khiến những người cầm bút VTC News tin, “Sống yêu thương” đã, đang và sẽ là cả một hành trình; hành trình của những trái tim nhiệt thành và đôi bàn tay muốn nắm những bàn tay, hành trình của mở lòng yêu thương, hành trình của san sẻ và trao gửi những hy vọng…

Video: Nụ cười Suối Sát cất lên giữa núi rừng Tây Bắc 

Thùy Linh
Bình luận
vtcnews.vn