• Zalo

VTC đưa truyền hình số vào VN sớm nhất Đông nam Á

Tổng hợpThứ Tư, 11/04/2012 09:10:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo lộ trình, năm 2020 VN sẽ hoàn thành việc Số hoá truyền hình, nhưng trước đó từ rất sớm VTC đã đưa công nghệ mang tính xu hướng vào VN.

(VTC News) - Theo lộ trình của Chính phủ trong Quyết định số 254/QĐ-TTg, đến năm 2020 Việt Nam sẽ hoàn thành việc số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Tuy nhiên, Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đó sớm hơn và dấu mốc dự kiến là năm 2017 do công nghệ DVB-T đã được triển khai từ Việt Nam rất sớm. Trong đó, có công đầu của VTC.

Mục tiêu đạt được có thể sớm hơn

Truyền hình số, bao gồm truyền hình cáp, internet, vệ tinh hoặc truyền hình số mặt đất, nhưng truyền hình số mặt đất chủ yếu được sử dụng phục vụ cho công tác quảng bá miễn phí. Nhiều nước trên thế giới, cũng như châu Á Thái Bình Dương đã chuyển từ analog sang truyền hình số.

Thực ra truyền hình của Việt Nam vào chậm hơn thế giới khoảng vài chục năm, nhưng truyền hình số nhất là truyền hình số mặt đất vào Việt Nam khá sớm. Từ năm 2000, VTC là doanh nghiệp đầu tiên đưa truyền hình số vào Việt Nam, sớm nhất so với Đông Nam Á.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực là người có nhiều tâm huyết với viễn thông, internet và truyền hình số tại Việt Nam

Là người từng nắm giữ trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu Điện, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin truyền thông, Tiến sĩ Mai Liêm Trực rất hoan nghênh Bộ TT&TT đã trình đề án về Số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 và được Chính phủ phê duyệt, mặc dù vậy ông nhận mạnh rằng: "việc này ta có thể làm sớm hơn".

Theo đó, công nghệ truyền hình số mặt đất DVB-T Việt Nam tham gia rất là sớm coi như cùng một lúc với các nước, nhưng so với nhưng mục tiêu của đề án này chúng ta đặt ra chậm hơn các nước khác tới 5 năm, hầu hết đến năm 2015 các nước đã hoàn thành việc số hoá truyền hình.

Việt Nam do các vấn đề về kinh tế - xã hội, khả năng tài chính của người dân chưa cao, đặc biệt là về vấn đề giá đầu thu nên lộ trình số hoá có thể chậm hơn, nhưng xét về công nghệ truyền dẫn và phát sóng, chúng ta có thể làm rất sớm trong vòng 3 năm nữa.

VTC tiên phong đi vào nghiên cứu truyền hình nhà nước, đến nay VTC đã chiếm 30% vùng phủ sóng và 60% dân số, nhưng chúng ta đã số hoá  hơn 10 năm. Tuy nhiên, nhận thức về tư tưởng của bản thân các Đài truyền hình chủ chốt của Việt Nam cũng hơi "lừng khừng" về việc đi thẳng vào công nghệ truyền hình số DVB-T, chưa tạo được sự nhất trí cao từ 5 – 7 năm trước để chúng ta có thể có quyết tâm sớm.

"Mặc dù vậy, ta làm chậm hơn các nước bạn nhưng chắc chắn, trên cơ sở quy hoạch phát thanh truyền hình đã được phê duyệt, sự thống nhất về mặt tư tưởng giữa cơ quan Nhà nước giữa đài trung ương và địa phương, tạo nên sự nhất trí cao. Trong đề án của Chính phủ, có lộ trình, có phân loại ra 4 khu vực khác nhau, 4 giai đoạn khác nhau trong lộ trình số hoá khá phù hợp, cùng với những giải pháp thực hiện tôi cho là tốt, làm cẩn thận, chu đáo, tính khả thi cao. Tôi hình dung với sự nỗ lực của các đài, nếu có thêm sự hỗ trợ của nhà nước về vấn đề đầu thu với các hộ nghèo và cận nghèo, có thể mục tiêu mà chúng ta đạt được sớm hơn lộ trình và hầu hết các tỉnh, thành phố lớn sẽ hoàn thành mục tiêu từ năm 2015 - 2017."

Lợi cho người dân, doanh nghiệp và cho Nhà nước

Theo xu thế hiện đại, truyền hình ngày càng đa dạng và nhu cầu thưởng thức của người dân ngày càng cao, truyền hình HDTV (độ nét cao), hoặc 3DTV (truyền hình không gian 3 chiều), chỉ có thể thực hiện trên công nghệ truyền hình số.

Việc số hoá truyền hình, tạo điều kiện cho truyền hình số mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình internet phát triển, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ phù hợp với mình, tất nhiên để được người dân lựa chọn thì chất lượng dịch vụ truyền hình phải cao. Hiện nay, công nghệ, kể cả công nghệ máy thu phát triển rất nhanh, đầu thu ngày càng rẻ tạo điều kiện cho người dân có sức mua để chuyển sang truyền hình số.

"Bản thân doanh nghiệp gắn chung với nhà nước, việc số hoá sẽ dẫn đến tiêu chuẩn thống nhất, các nước số hoá hết, mình không số hoá mình là hòn đảo không kết nối được với ai, chưa nói đến cái lợi. Nhưng, có lợi thì người ta mới làm và mình cũng thấy điều đó rồi".

Việc số hoá truyền hình sẽ thống nhất các tiêu chuẩn truyền dẫn. Từ 01/01/2012 tất cả các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 (có hỗ trợ thu MPEG-2 đến 2015), các thiết bị đầu cuối, tạo điều kiện thuận lợi về mặt kĩ thuật cho các doanh nghiệp. Quan trọng hơn, cùng với việc số hoá truyền hình và chiến lược phát triển viễn thông, truyền hình, chúng ta tách dần việc truyền dẫn phát sóng và sản xuất chương trình. Các đài truyền hình Trung ương và địa phương trước đây vừa làm truyền dẫn phát sóng, vừa làm nội dung. Các đài truyền hình địa phương mua thiết bị truyền dẫn phát sóng vừa tốn kém, tốn kém cả về khâu chi trả cho nhân sự quản lý hệ thống. Theo quy hoạch trong Quyết định của Chính phủ, chúng ta có 3 công ty cung cấp thiết bị truyền dẫn, các đài truyền hình sẽ tập trung vào sản xuất chương trình, không phải lo lắng về khâu mua sắm thiết bị, quản lý, đỡ tốn kém chi phí và chương trình sẽ chất lượng hơn.

Truyền hình chuyển từ công nghệ analog sang số hoá, chúng ta tận dụng được kho tài nguyên tần số, trên 1 kênh ta phát được rất nhiều chương trình, đây là cái lợi vượt bậc. Trong công nghệ viễn thông, trước đây chúng ta gọi là "chuyển mạng kênh và chuyển mạng gói". Nói đơn giản, ví dụ như trước đây 2 người nói chuyện điện thoại chiếm 1 kênh thông tin, có 10000 kênh thông tin thì có thể truyền tải được cùng 1 lúc 10000 cuộc gọi, nhưng nếu có 10001 cuộc thoại thì không được. Nhưng truyền hình số sử dụng chung phổ tần số, trên một kênh cho phép nhiều người nói. Số hoá tận dụng được rất nhiều tài nguyên số, ta có thể tối ưu hoá kho tần số để sử dụng hiệu quả, Nhà nước có thể sử dụng băng tần đấy cho dịch vụ thông tin băng thông rộng di động chẳng hạn, đấy là một ưu việt.

Thị trường Truyền dẫn phát sóng sẽ sôi động

Luật Viễn thông mới, cho phép các doanh nghiệp được tham gia cung cấp thiết bị truyền dẫn các thiết bị phát sóng, huy động được các thành phần kinh tế tham gia số hoá, đây là một điểm mới, một cơ hội cho các doanh nghiệp.

Một trong những điểm quan trọng trong việc tái cấu trúc lại cơ quan các doanh nghiệp của Nhà nước là cần sử dụng chung cơ sở hạ tầng, tạo môi trường bằng cách cho phép có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Nhà đài tiết kiệm được việc đầu tư vào thiết bị tập trung cho sản xuất chương trình truyền hình, Nhà nước không phải hỗ trợ nhiều, doanh nghiệp thì sẵn sàng tham gia và người dân sẽ được hưởng thụ chất lượng dịch vụ tốt hơn.

"Trong việc số hoá truyền hình, về truyền hình số mặt đất, phải nói VTC là đơn vị đi đầu trong vấn đề thí điểm từ năm 2000 - khi đó tôi là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện rất ủng hộ chủ trương này, và quyết định cung cấp tần số cho VTC thí nghiệm DVB-T tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương".

Còn về số hoá truyền hình qua công nghệ vệ tinh DTH thì Đài truyền hình VN làm từ năm 2004, ban đầu còn lưỡng lự, lo lắng về thiết bị đầu tư đắt, dân sẽ không dám làm. Nhưng những năm gần đây, Đài truyền hình VN cũng nhận thấy cái chung tất yếu phải chuyển sang số hoá truyền hình mặt đặt DVB-T, Đài truyền hình VN cũng phải là đơn vị đóng vai trò chủ lực trong viện truyền dẫn thông tin quảng bá miễn phí cho người dân.

Hiện, các Đài truyền hình địa phương cần cộng hưởng mạnh hơn với chủ trương Chính phủ, bỏ tâm trạng "một người cầm loa, một người nói không yên tâm". Tất nhiên, chủ trương thì phải theo, nhưng cần đạt sự động thuận. Việc số hoá cũng cần chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, không phải làm cái gì từ a - z hiệu quả cũng cao.

VTC là đơn vị đầu tiên tiên phong sử dụng công nghệ DVB-T, lúc đó đương nhiên VTC là số 1, hiện VTC vẫn giữ được thế mạnh của người đi đầu và có đội ngũ nhân lực thạo việc hùng hậu, sắp tới VTC và Đài truyền hình VN có thể tiếp tục tham gia vào việc cung cấp truyền hình, truyền dẫn phát sóng. Ở đây, không chỉ có sự tham gia của VTC, VTV mà còn có nhiều công ty tư nhân, do vậy ai giữ vai trò số 1 về truyền hình số, truyền dẫn phát sóng DVB-T vẫn có câu trả lời còn đề ngỏ.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (1995 – 1997), Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (1997 – 2002), Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn Thông (2002 – 2005), ngoài ra ông còn giữ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (2003 – 2005). Ông Mai Liêm Trực tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức) và năm 1976 – 1979 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Kỹ thuật thông tin liên lạc tại đây.

Năm 2007 TS Mai liêm Trực được bình chọn là nhân vật số 1 có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm qua (1997 – 2007). Khi còn là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, ông đã sớm nhận ra xu hướng xu hướng phát triển Internet, đã thuyết phục cho mở Internet và tạo điều kiện về mặt quản lý nhà nước cho Internet phát triển.

Về vấn đề số hoá truyền hình, TS Mai Liêm Trực đánh giá rằng đây là xu thế chung, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cho Nhà nước.

Cường Cao
(ghi)



Bình luận
vtcnews.vn