Sáng 24/2, tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ công bố phát sóng FM Kênh phát thanh Dân tộc Quốc gia.
Đến dự có ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV; ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cùng lãnh đạo các ban ngành chức năng của tỉnh Hà Giang và lãnh đạo một số đơn vị của VOV.
Tại buổi lễ, ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: "Việc VOV khánh thành và đưa vào sử dụng trạm phát sóng FM Kênh phát thanh Dân tộc Quốc gia tại huyện Quản Bạ tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ nói chung và của VOV nói riêng trong việc chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những vấn đề quốc tế, trong nước và địa phương đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa bàn một tỉnh biên giới".
Theo ông Triệu Tài Vinh, Hà Giang còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, là tỉnh thoát khỏi chiến tranh muộn nhất của cả nước; là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 31% tổng dân số và đông nhất cả nước.
Trong những năm chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, 4 huyện vùng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ không có đường ô tô mà chỉ có đường đi bộ nhưng trạm phát sóng mang tên “Cổng trời” đã được xây dựng và hoạt động, góp phần quan trọng trong việc mang tiếng nói của Đảng đến với đồng bào các dân tộc khu tự trị Việt Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang lúc bấy giờ.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, VOV đã cùng với các phương tiện truyền thông khác giúp cho tỉnh Hà Giang quảng bá những tiềm năng, thế mạnh; mảnh đất và con người Hà Giang đến với cộng đồng quốc tế và trong nước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV nhấn mạnh: "Việc VOV đầu tư cơ sở hạ tầng phát sóng Kênh phát thanh Dân tộc Quốc gia tại cổng trời Quản Bạ được xác định là mục tiêu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Đến nay, VOV đã phát 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số trên sóng quốc gia. Đó là tiếng Mông – Thái – Dao ở khu vực miền núi phía Bắc; tiếng Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, K’Ho, Xê Đăng, M’Nông và Kơ Tu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tiếng Chăm và Khơ Me ở khu vực Nam Bộ, với tổng thời lượng phát sóng hàng ngày gần 30 giờ".
Có thể nói, hiện nay VOV là cơ quan báo chí có số lượng chương trình phát thanh tiếng dân tộc nhiều nhất so với các loại hình báo chí khác.
Trạm Phát sóng FM đầu tiên của kênh Phát thanh Dân tộc Quốc gia được đặt tại đỉnh núi Quản Bạ, Hà Giang với độ cao 1.100m so với mực nước biển. Máy phát có công suất 10KW, tần số phát sóng 97 MHz, với diện tích vùng phủ sóng gần 5.000 km2, phục vụ cho trên 450.000 người.
Thời gian tới, VOV tiếp tục khảo sát để có thể mở rộng thêm độ phủ sóng phát thanh, đồng thời phủ sóng 18 kênh truyền hình hiện có của VOV. Với mong muốn đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.
Đồng thời mong muốn quảng bá các giá trị văn hóa và truyền thống lịch sử của Hà Giang với bạn bè trong nước và quốc tế qua làn sóng của VOV, góp phần vào quá trình quảng bá du lịch Hà Giang cũng như góp phần bảo vệ biên giới lãnh thổ của Tổ quốc.
Trạm phát sóng FM tại Trung tâm tiếp sóng Phát thanh – Truyền hình “Cổng trời Quản Bạ” là hệ thống máy phát đầu tiên được đầu tư, lắp đặt và đưa vào sử dụng, phát sóng trên Kênh phát thanh Dân tộc Quốc gia với hai thứ tiếng dân tộc là tiếng Mông và tiếng Dao cùng với các chương trình tiếng phổ thông của VOV.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định công tác Dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài. Chính vì vậy, VOV cũng đã dành một vị trí ưu tiên đặc biệt để đầu tư cho Phát thanh Dân tộc.
Hiện nay, Chính phủ đang đầu tư cho VOV một dự án dành riêng cho Phát thanh Dân tộc. Đó là dự án Kênh Phát thanh Dân tộc Quốc gia, giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tăng cường năng lực phủ sóng phát thanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Video: Xúc động nghe lại "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bình luận