Trong thông báo gần nhất gửi đến cổ đông, CIAS cho biết Công ty sẽ không thuê được mặt bằng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại nhà ga hành khách quốc tế mới (T2) tại Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh khi nhà ga này chính thức đi vào hoạt động.
Kéo theo sự kiến này, cổ phiếu CIA của Công ty CIAS đã lao dốc không phanh. Tính đến phiên 15/3, cổ phiếu CIA đã giảm 9,82% còn 45.900 đồng/cổ phiếu.
Thông tin này có lẽ đã được phản ánh từ trước trên thị trường. Bởi, tính từ phiên giao dịch 6/3/2018, CIA đã giảm điểm trong 8 phiên liên tục. Tính ra, vốn hóa thị trường CIA đã giảm gần 100 tỷ đồng.
Có thông tin cho rằng, khi nhà ga T2 chính thức hoạt động, nhà ga T1 sẽ trở thành nhà ga hành khách quốc nội. Do đó, hoạt động kinh doanh của CIA sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (do nhà ga T1 - địa điểm CIA hoạt động, sẽ không còn hoạt động dịch vụ kinh doanh bán hàng miễn thuế).
Nguồn cơn của việc không thuê được mặt bằng này đến từ việc Công ty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) đã có thỏa thuận hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác. Do đó, CRTC đã không thể bố trí mặt bằng kinh doanh Dự án Nhà ga Hành khách Quốc tế - Cảng HKQT Cam Ranh (nhà ga T2) do CRTC làm chủ đầu tư theo đề nghị của CIA.
Khả năng sinh lời tốt, trong khi quy mô đầu tư vừa phải, dự án Nhà ga T2 từng tạo sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư. Trong một thông tin đăng tải trên báo Đầu tư, đầu tháng 8/2015 ghi nhận hơn 12 nhà đầu tư xin tham gia đầu tư dự án.
Cụ thể, đó là các cái tên như VietJet, Công ty cổ phần Logistic Hàng không (ALS), Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt; lĩnh vực bất động sản là Phú Long, Golf Long Thành; dịch vụ là Liên Thái Bình Dương của triệu phú Jonathan Hạnh Nguyễn; xây dựng có: Tập đoàn Đức Bình; Việt Xuân Mới, Đại Dũng…
Điểm đặc biệt nằm ở cơ cấu cổ đông CRTC. Tính tới thời điểm 6/7/2016, cơ cấu cổ đông CRTC là: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (10%), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương – IPP Group (55%), Công ty CP Xuân Việt Mới (10%), Công ty CP Hàng không VietJet (10%) và Công ty Giao nhận Hàng Nasco (15%).
Trong đó, cái tên đáng chú ý là Tập đoàn IPP Group – cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu lên đến 55%.. Tính đến ngày 5/10/2017, ông chỉ còn nắm 1% cổ phần Công ty. Trong khi đó, bà Lê Hồng Thủy Tiên – vợ ông, nắm 59% cổ phần và hai con trai ông là Philip, Louis lần lượt nắm 20% cổ phần.
Ngoài các mảng kinh doanh như phân phối và bán lẻ thời trang cao cấp, trung cấp, mỹ phẩm, nước hoa và các thương hiệu rượu nổi tiếng,.... IPP Group và các Công ty liên quan còn nắm giữ hơn 40% cổ phần SASCO – đây cũng là một đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế và các dịch vụ mặt đất sân bay, cũng như khu nghỉ dưỡng SASCO Blue Lagoon tại Phú Quốc.
Video: Điểm mặt những khoản đầu tư ngoài ngành của Sabeco đang thua lỗ
Chưa rõ, đối tác thuê thay CIAS tại Nhà ga T2 là Công ty nào. Tuy nhiên, với việc là cổ đông lớn nhất khi tỷ lệ sở hữu lên đến 51% CRTC, không loại trừ khả năng quyết định này chịu sự tác động lớn từ IPP Group.
Ngoài ra, cơ cấu cổ đông còn có sự góp mặt của Công ty CP Giao nhận Hàng Nasco. Tính đến ngày 12/12/2017, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco) là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu lên đến 51%. Như vậy, Nasco cũng là cổ đông gián tiếp chi phối CRCT.
Việc mất đi mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của CIA. Theo đó, mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế đóng góp 79,67% tổng doanh thu Công ty mẹ trên BCTC riêng lẻ và 59,45% tổng doanh thu hợp nhất trên BCTC hợp nhất 2017.
Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và 2016, cơ cấu doanh thu thuần của CIA cho thấy mảng Bán hàng miễn thuế chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, doanh thu mảng này năm 2015 đạt hơn 68 tỷ đồng, chiếm 51,1% tỷ trọng tổng doanh thu; trong năm 2016, mảng này đạt 182 tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng doanh thu.
Kết thúc phiên sáng 16/3, cổ phiếu CIA tiếp tục nằm sàn ở mức 41.400 đồng/cổ phiếu.
Bình luận