Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 25,48 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn giải ngân FDI cũng bất ngờ tăng mạnh, đạt khoảng 12,5 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Trong số vốn FDI thu hút được, tổng vốn đăng ký mới đạt 14,56 tỉ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể có 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký tăng thêm 6,75 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, cùng thời gian trên có 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,16 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cả vốn cấp mới, vốn tăng thêm và vốn giải ngân đều tăng trưởng hai con số.
Kết quả này được cho là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt dòng vốn tăng thêm tăng trưởng mạnh đã thể hiện sự quan tâm dài hạn, nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong lần gặp gỡ nhà đầu tư Nhật Bản gần đây, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết một chỉ số cũng khá quan trọng và được quan tâm là số góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư.
Số vốn này, theo ông Quang, đang tăng mạnh gắn với tiến trình đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, tạo ra các dư địa lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.
"Việt Nam chủ trương cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trong mọi lĩnh vực, Nhà nước chỉ nắm cổ phần một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế liên quan đến dịch vụ công, an ninh quốc gia, quốc phòng… và những gì diễn ra cho thấy, tiến trình này đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài", ông Quang phân tích.
Video: Hé lộ chuyện đi đêm của các doanh nghiệp FDI
Hàn Quốc vẫn "vô địch"
Xét về các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,31 tỉ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư.
Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,91 tỉ USD, chiếm 23,17% tổng vốn đầu tư và Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,14 tỉ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20-9, cả nước có gần 24.200 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 310,19 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 167,35 tỉ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Trong cơ cấu thu hút vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đứng thứ ba.
Bình luận