• Zalo

Với Putin, ông Biden vẫn chỉ là ứng viên Tổng thống

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 27/11/2020 09:36:47 +07:00Google News
(VTC News) -

Các chuyên gia cho rằng việc ông Putin trì hoãn gửi lời chúc tới ông Biden có thể bị hiểu lầm như thông điệp rằng ông đang đứng về Tổng thống đương nhiệm Trump.

Chủ tịch Tập Cận Bình là nguyên thủ mới nhất chúc mừng Tổng thống Biden. Trước ông, một loạt lãnh đạo châu Âu, Mỹ Latinh và Thái Bình Dương đã làm vậy. 

Nhưng ngay cả khi Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp Mỹ (GSA) công nhận ông Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, điện Kremlin vẫn chưa phát đi thông điệp chúc mừng.

Các chuyên gia cho rằng nếu Matxcơva tiếp tục làm vậy, đó có thể bị hiểu lầm như thông điệp rằng ông đang đứng về Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump và những tuyên bố không đi kèm bằng chứng của ông về một cuộc bầu cử gian lận.

Với Putin, ông Biden vẫn chỉ là ứng viên Tổng thống  - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Hôm 26/11, người phát ngôn điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nhấn mạnh không ai nên đưa ra kết luận về việc Nga chưa gửi lời chúc mừng tới ông Biden. 

Khi được hỏi rằng liệu đây có phải dấu hiệu cho thấy điện Kremlin không công nhận chiến thắng của ông Biden, ông Peskov khẳng định: "Đây là cách giải thích không chính xác. Tổng thống Nga sẽ chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ đúng thời điểm, sau khi kết quả bầu cử được tổng hợp". 

Matxcơva cho rằng việc trì hoãn là bình thường, nhưng không phải ai cũng nhìn nhận như vậy. 

Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga cho rằng quyết định của ông Putin có thể sẽ khiến nhiều người nhìn nhận ông có cùng quan điểm nhóm pháp lý của chiến dịch tranh cử của Trump. 

Sự trì hoãn của Nga cũng như dự đoán của nhiều quan chức xứ bạch dương rằng quan hệ hai bên vẫn tiếp tục duy trì tình trạng đóng băng khiến nhiều người tin, chính quyền Biden có thể sẽ theo đuổi một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Matxcơva. 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, Konstantin Kosachev dự đoán nhóm đối ngoại của Biden sẽ có lập trường chống Nga cứng rắn. Tuy nhiên, ông tin tưởng các nhà ngoại giao mới sẽ chuyên nghiệp và do đó dễ đối phó hơn.

"Từ kinh nghiệm ngoại giao của mình, tôi tin rằng chúng tôi sẽ dễ dàng hơn khi làm việc với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ngay cả khi họ không ủng hộ chúng tôi quá nhiều", ông Kosachev nói. 

Ông Trump cho tới nay vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý tại các bang chiến trường dù hàng loạt vụ kiện của nhóm pháp lý của ông bị các thẩm phán gạt bỏ. 

Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy họ thuyết phục được nhiều người thuộc phe Cộng hòa rằng có gian lận trong cuộc bầu cử năm nay. 

Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình tuần trước, ông Putin khẳng định người Mỹ quyết định tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

"Chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ ai có được niềm tin của người dân Mỹ. Nhưng niềm tin đó chỉ được trao cho một ứng viên mà chiến thắng được đảng đối lập công nhận, hoặc sau khi kết quả được xác nhận một cách chính đáng, hợp pháp", ông nói. 

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh việc ông chưa gửi lời chúc mừng là do tình trạng chính trị nội bộ của Mỹ chứ không phải là do "Nga thích hay không thích ai đó". 

Andrew S. Weiss, một chuyên gia về Nga tại Carnegie Endowment for International Peace cho rằng trong tuyên bố của mình, ông Putin gửi đi thông điệp rất rõ ràng liên quan tới tính hợp pháp trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. 

Bình luận về quyết định của GSA, ông Peskov khẳng định động thái bật đèn xanh cho quá trình chuyển đổi quyền lực cho ông Biden của cơ quan này là chưa đủ. 

"Tổng thống đắc cử nên được nêu tên, tổng thống đương nhiệm nên công nhận kết quả của cuộc bầu cử và mọi hành động pháp lý cần được hoàn tất", ông Peskov khẳng định.

Song Hy(Nguồn: The Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn