Nhà báo - nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm nhận xét, “đa số phim giải trí hiện nay bế tắc trong hướng đi khiến các bộ phim bắt chước lẫn nhau, theo đuôi nhau và kéo nhau vào chỗ chết”.
- “Đa số phim giải trí hiện nay bế tắc trong hướng đi khiến các bộ phim bắt chước lẫn nhau, theo đuôi nhau và kéo nhau vào chỗ chết”. Vì sao anh có nhận định này?
Đầu thập niên 1990 là khoảng thời gian phát triển hưng thịnh của dòng phim mì ăn liền. Dòng phim này từng có những dấu hiệu đầy thăng hoa, đáng kỳ vọng, với những đại diện như Vị đắng tình yêu, Vĩnh biệt mùa hè, Nước mắt học trò... Đó cũng là thời Việt Nam có các ngôi sao điện ảnh thực thụ như Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Lý Hùng...
Nhưng sau đó, vì dòng phim này mang lại quá nhiều lợi nhuận nên các bộ phim ngày càng dễ dãi, thậm chí làm theo dạng phim video chiếu rạp chứ không còn là phim điện ảnh nữa. Dòng phim này hưng thịnh được 5-7 năm và thoái trào rồi chết vào cuối thập niên 1990.
Và trong 5-7 năm gần đây, tôi thấy dòng phim giải trí ở Việt Nam cũng có sự phát triển tương tự và đang lặp lại vòng luẩn quẩn đó. Tôi gọi đây là giai đoạn “quá độ”: điện ảnh Việt Nam luôn chỉ chú tâm phát triển một dòng phim, tất cả lao hết vào dòng phim đó nhưng không bật lên được mà chỉ loanh quanh cái đỉnh sẵn có, và cuối cùng thì rơi vào chỗ chết.
- Anh có dẫn chứng gì cho nhận định đó?
Trong 3 năm gần đây, số lượng phim điện ảnh Việt tăng đột phá. Nếu cách đây hơn 10 năm, mỗi năm Việt Nam có 8-10 phim ra rạp, thì các năm gần đây là 30-40 phim. Riêng năm nay 2018, theo số liệu tôi theo dõi trên một trang web thì lên đến 60 phim. Trong đó, có khoảng 33 phim đã ra rạp, còn 27 phim sẽ ra từ nay đến cuối năm.
Trong 33 phim đó, tôi đánh giá chỉ có 4 phim thành công về doanh thu là Siêu sao siêu ngố, Tháng năm rực rỡ, Lật mặt 3 và Chàng vợ của em. Tôi sẽ phân tích về từng phim. Siêu sao siêu ngố là trường hợp ăn may, rơi vào thời điểm Tết, có yếu tố ngôi sao. Tôi không chịu nổi khi xem phim đó, nhưng nó thành công vì trong dịp Tết khán giả thích được “mua vui” và không có đối thủ nào mạnh hơn.
Tháng năm rực rỡ là một phim remake tốt. Dù chúng ta thường nghĩ rằng làm remake dễ hơn do sẵn có kịch bản tốt nhưng nên nhớ dòng phim remake của Việt Nam chỉ có 2 thành công lớn mà thôi. Đó là Em là bà nội của anh và Tháng năm rực rỡ.
Lật mặt 3 là trường hợp thú vị. Nhiều người nói anh Lý Hải có học sân khấu điện ảnh, nhưng tôi xem thì thấy như một người tay ngang làm phim, kiểu điếc không sợ súng, chi tiết nào cũng được tiêm doping, bị đẩy lên quá độ. Nhưng tôi thấy đây là cách làm phim có chất giải trí tốt, dấn thân, đáp ứng được nhu cầu của khán giả bình dân. Thành công được dù đối mặt với bom tấn Avengers cho thấy rằng Lý Hải có chỗ đứng riêng trong dòng phim giải trí.
Chàng vợ của em là một phim tốt đến từ một nhà làm phim có tay nghề cao (đạo diễn Charlie Nguyễn) và quá am hiểu thị trường, lăn lộn 10 năm rồi.
Ngoài 4 phim đó, còn 4 phim khác có thể coi là điểm sáng. Đó là Song Lang - một sự khác biệt hoàn toàn, và Nhắm mắt thấy mùa hè, 100 ngày bên em, Ống kính sát nhân - 3 phim này thì được mặt này mất mặt kia, nhưng ít nhất cảm giác đạo diễn có tìm tòi và thể nghiệm hướng đi riêng.
Riêng Song Lang, tôi sẽ phân tích trong một dịp khác. Nhưng theo tôi, phim này là một thành công chứ không phải thất bại phòng vé và PR phim như người ta nghĩ.
- Thế đâu là những phim bắt chước, sao chép?
Trước đây, tôi xem rất nhiều phim Việt Nam, hầu hết phim ra rạp tôi đều xem. Nhưng gần đây, tôi ngấy đến độ không muốn đi xem nữa. Có những phim ra rạp không kèn không trống và nhanh chóng hết chiếu sau chỉ một tuần.
Nhiều lúc, tôi đọc review trên báo mới biết có phim đó. Đó là những phim mà nghe tên đã thấy nhố nhăng như Cưới vợ cho bà, Bao giờ hết ế, Xưởng 13, Thử yêu rồi biết, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Kế hoạch đổi chồng…
Tôi không hiểu, những bộ phim đó làm tốn rất nhiều tiền bạc mà ra rạp không kèn không trống như vậy thì doanh thu ở đâu? Liệu cách làm đó sẽ tồn tại đến bao giờ? Sau Siêu sao siêu ngố, có đến 10 phim bắt chước kiểu ngôn tình đó.
Rồi phim có tên trái khoáy như Em là bà nội của anh thành công thì có đến một loạt phim bắt chước đặt tên kiểu đó. Sau Tháng năm rực rỡ thì có một loạt phim thanh xuân.
Nghĩa là họ làm phim theo một công thức, một khuôn mẫu thành công có sẵn, dựng nên một cái khung rồi đắp nội dung vào. Đó là kiểu làm rất ngây ngô.
- Vì sao anh không xem mà vẫn khẳng định đó là những phim không tốt?
Những phim như vậy, tôi không đi xem vì biết là vào rạp mình phải hứng lấy sự khó chịu, rồi về nhà lại viết những lời tiêu cực, chẳng để làm gì cả. Bao nhiêu năm rồi vẫn vậy, thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào.
Hầu hết người đứng sau các bộ phim đó chẳng có kiến thức gì về điện ảnh, không tìm hiểu thị trường, họ chỉ thấy có phim nào thành công thì bắt chước làm theo.
Thêm một ví dụ, Nắng thành công về mô típ gia đình (dù là một phim rất tệ về tay nghề) thì có Chú ơi, đừng lấy mẹ con bắt chước, cũng đưa gia đình, trẻ con, câu chuyện tình yêu vào. Họ làm khán giả quá chán ngấy và không còn nhu cầu đến rạp nữa.
- Ngoài chuyên môn, "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" còn vướng chuyện đời tư của cặp diễn viên Kiều Minh Tuấn - An Nguy, cùng lời kêu gọi tẩy chay của một số khán giả. Anh đánh giá sao về trường hợp này?
Tôi không ra rạp xem phim này vì sau những ì xèo, chính tôi cũng mất hứng thú với bộ phim. Hơn nữa, về đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, tôi không đánh giá cao tay nghề sau những sản phẩm trước đó.
Chuyện PR lộ liễu của Kiều Minh Tuấn và An Nguy là một cái bẫy tự giết mình của bộ phim. Chính xác là bộ phim đang giãy chết. Thất bại cay đắng của phim này là bài học cho những người làm phim định chạy theo chiêu trò. Bây giờ, khán giả đã bị bão hòa và họ không tin vào chiêu trò nữa đâu. Cách đó lỗi thời rồi.
Qua trường hợp này, có thể tin vào lời tuyên bố tẩy chay của khán giả. Bằng chứng là bộ phim đã ra rạp nhưng đáp lại là sự im lặng đến ngạc nhiên của cả dư luận lẫn truyền thông. Bộ phim cũng có vài yếu tố hút khách: ngôi sao, dòng phim gia đình. Nếu không có scandal đó, tôi nghĩ phim cũng sẽ hút khán giả.
- “Cái chết” mà anh nói, không chỉ bộ phim đó mà dòng phim giải trí Việt, là về những khía cạnh nào?
Đầu tiên và rõ ràng nhất là chết về kinh tế. Những phim như vậy chắc chắn không thể thu hồi vốn, khiến các nhà đầu tư kiệt quệ. Sản xuất phim là một ngành công nghiệp rất tốn kém, làm vài tháng đến mấy năm trời, tốn bao nhiêu công sức, nhân lực... cuối cùng ra rạp gần như trắng tay mà trường hợp Găng tay đỏ là một ví dụ.
Nhưng cái chết thứ hai không kém nghiêm trọng là định kiến của khán giả với phim Việt ngày càng nặng nề. Tôi để ý những bài bình phim nhiều lượt xem đa số là bài chê phim Việt. Lũ lượt người đọc và bình luận.
Còn bài khen phim Việt thì người đọc rất thờ ơ. Người ta nói ít có phim Việt hay, nhưng khi có phim hay thì người ta cũng không quan tâm mấy. Tôi cho đó là một cái chết có ảnh hưởng lâu dài.
Bên cạnh yếu tố khách quan là phim Việt đang có quá nhiều phim dở, một nguyên do nữa là dường như tâm lý của người Việt là thích kéo nhau xuống hố, thích vùi dập, chỉ trích hơn là khích lệ, động viên nhau. Vì vậy, điện ảnh Việt Nam khó có thể phát triển như điện ảnh Hàn Quốc, nơi khán giả có tinh thần dân tộc cao và ủng hộ với điện ảnh nội địa.
- Nói vậy, dòng phim giải trí hiện nay có thoái trào và chết như phim mì ăn liền không?
Tôi khẳng định chắc chắn là không có chuyện đó. Vì phim mì ăn liền là dạng phim video và hệ thống rạp chiếu theo mô hình cũ. Còn bây giờ, thị trường điện ảnh Việt Nam có sự đầu tư mạnh.
Không gian rạp chiếu phim đang là xu hướng thời thượng của giới trẻ bây giờ. Nó sẽ không chết, nhưng để phát triển, bật lên được thì rất khó vì số lượng phim tốt còn quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thứ hai, phim ảnh bây giờ cũng khác phim video thời xưa. Nó không chết nhưng sẽ có sự thanh lọc lại thị trường. Năm nay có thể coi là đỉnh điểm về số lượng phim. Năm sau, tôi dự báo sẽ có cuộc thanh lọc lớn, chỉ còn lại những nhà làm phim thực sự biết làm phim: có tư duy, có ngôn ngữ, có am hiểu thị trường và biết bám sát thị hiếu.
- Dòng phim giải trí hiện nay có bị phụ thuộc quá nhiều vào các ngôi sao từ sân khấu sang như Thái Hòa, Kiều Minh Tuấn, Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành, khi họ gánh vác nhiều phim có doanh thu tốt?
Tôi chia họ làm 2 nhóm: Thái Hòa - Kiều Minh Tuấn và Hoài Linh - Trường Giang - Trấn Thành.
Thái Hòa và Kiều Minh Tuấn xuất thân sân khấu thật, nhưng họ có tố chất của diễn viên điện ảnh. Họ diễn chân thực, cởi bỏ được những ước lệ hay lối diễn nặng về hình thể của sân khấu, đặc biệt là sân khấu hài.
Còn Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành hay thậm chí một gương mặt tượng đài như Thành Lộc cũng đều bê nguyên chất sân khấu sang điện ảnh, ăn may thành công được vài phim lúc họ còn hào quang.
Ví dụ, 5 năm trước, Hoài Linh là ông vua phòng vé phim Tết, phim Tết nào ra cũng ăn khách. Nhưng năm nay, phim Tết Đích tôn độc đắc của anh doanh thu còn tệ hơn cả Về quê ăn Tết của Ngô Thanh Vân, dù tôi xem Về quê ăn Tết đã không chịu nổi rồi.
- Nhưng họ vẫn có sức ảnh hưởng lớn đấy chứ? "Siêu sao siêu ngố" của Trường Giang có thể là phim trăm tỷ duy nhất trong năm nay.
Siêu sao siêu ngố không phải phim đột phá của Trường Giang mà là Lật mặt 1. Đến bây giờ, tôi vẫn nhận định đó là vai diễn điện ảnh tốt nhất của Trường Giang, một anh lái xe ôm nói giọng Quảng rất duyên. Chính Lý Hải đã có công phát hiện và đưa tên tuổi Trường Giang trở nên nổi tiếng trong giới phim ảnh.
Tôi không tin là Trường Giang có thể đi đường dài với điện ảnh nếu cứ luẩn quẩn với lối diễn hình thể kiểu đó.
Lê Hồng Lâm
Nhưng Trường Giang là một ngôi sao đại chúng, ngôi sao giải trí chứ không phải ngôi sao điện ảnh. Và tôi cũng không tin là Trường Giang có thể đi đường dài với điện ảnh nếu cứ luẩn quẩn với lối diễn hình thể kiểu đó.
Tương tự với Trấn Thành. Anh ấy có phim Bệnh viện ma rất kinh khủng, tôi không hiểu sao lại có thể thành công đến thế. Những người như Trường Giang, Trấn Thành cùng lắm là vài năm nữa là thoái trào như Hoài Linh. Khán giả sẽ bắt đầu từ chối họ để đi theo những diễn viên hài khác.
- Thái Hòa hay Charlie Nguyễn cũng luôn phủ nhận sự có mặt của “ngôi sao phòng vé” hay “ngôi sao điện ảnh” ở Việt Nam. Làm sao một nền điện ảnh muốn phát triển lại không có ngôi sao đúng nghĩa?
Trong 10 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam chỉ có những ngôi sao tỏa sáng qua 1-2 phim, nhưng đi đường dài thì tôi chưa thấy ai. Sự trường hơi là vấn đề lớn của điện ảnh Việt Nam.
Thái Hòa từng được xem là “ông vua phòng vé” nhưng cũng trồi sụt thất thường, Kiều Minh Tuấn mới tỏa sáng nhờ Em chưa 18 nhưng đóng phim khá tạp và mới dính vào những scandal không đáng có.
Phía nữ có Miu Lê, Kaity Nguyễn, Hoàng Yến Chibi… nhưng cũng mới chỉ là “hiện tượng một phim”. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tôi chưa thấy một diễn viên nào có phẩm chất ngôi sao, có sức hút lớn với công chúng và với phòng vé.
Một nền điện ảnh không có ngôi sao điện ảnh thì chưa thể gọi là một nền điện ảnh mạnh. Tôi cũng không thể hiểu nổi, đến dòng phim mì ăn liền còn có ngôi sao, còn thời đại mạng xã hội bây giờ mà không có nổi một ngôi sao thực thụ.
Điện ảnh Việt trong quá khứ không hề thiếu thốn như vậy. Nam có Thế Anh, Lâm Tới của dòng phim cách mạng; Chánh Tín, Thương Tín, Lê Công Tuấn Anh, Đơn Dương trong những năm 80-90.
Riêng về phía nữ còn nhiều hơn, điện ảnh cách mạng có Trà Giang, Như Quỳnh. Còn phim sau cách mạng có Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy, sau này chúng ta có Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân. Ngô Thanh Vân có thể nói là người cuối cùng của lứa ngôi sao kiểu cũ.
Còn 10 năm trở lại đây, các gương mặt nữ xinh đẹp, đáng yêu và nổi bật trong một bộ phim nào đó nhưng không trường hơi được.
Như Miu Lê, trong Em là bà nội của anh vẫn còn thành công nhưng đến với Cô gái đến từ hôm qua thì đi xuống lắm rồi, lặp lại và như một bình hoa di động. Sang đến Nắng 2 thì thấy cô chọn vai quá dễ dãi. Vừa rồi Tháng năm rực rỡ có Jun Vũ nhưng tôi không chắc về khả năng trường hơi.
- Anh nói sự trường hơi là vấn đề lớn của điện ảnh Việt. Điều này được thể hiện ra sao?
Sức trường hơi của các diễn viên Việt Nam rất ngắn, chỉ vài năm. Ở Hollywood, Hong Kong hay Trung Quốc, Hàn Quốc, chúng ta dễ dàng kể tên các diễn viên có 15-20 năm trong nghề, thậm chí 30-40 năm trong nghề vẫn đầy sức hút.
Tôi luôn đánh giá cao những diễn viên như vậy. Họ có nguồn nội lực nào đó để lan tỏa sức hút của mình một cách lâu bền. Nhưng diễn viên Việt Nam thì sau vài năm đã thấy họ cũ rất nhanh do bị cuốn vào những bộ phim quá dễ dãi.
- Vì sao diễn viên Việt Nam khó trường hơi?
Vì nhiều lý do: nền tảng văn hóa không cao, nội lực yếu và thiếu những cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Ví dụ như Liên Bỉnh Phát của Song Lang chẳng hạn, có thể coi là một phát hiện sáng giá của điện ảnh trong năm qua (vốn luôn thiếu những gương mặt nam tính).
Nhưng nếu không có những cơ hội tốt tiếp theo và bị cuốn vào dòng phim giải trí dễ dãi, Phát sẽ khó có cơ hội bật lên.
Bình luận