• Zalo

Với chiến lược mới, Mỹ sẽ hiện diện mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á?

Thời sự quốc tếThứ Hai, 14/02/2022 14:51:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ đưa ra các chính sách thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á.

Hôm 11/2, Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm các chính sách làm việc với liên minh, răn đe quân sự và thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á.

Theo SCMP, các quan chức Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc không phải là trọng tâm duy nhất trong các sáng kiến ​​khu vực của họ. Nhưng nhiều vấn đề có liên quan đến Bắc Kinh được đề cập đến trong chiến lược mới - bao gồm vai trò lớn hơn của các đồng minh châu Âu ở eo biển Đài Loan, cũng như các mối liên kết thương mại, kinh tế và cơ sở hạ tầng khu vực - dường như nhằm đối phó với ảnh hưởng kinh tế, sức mạnh quân sự và sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Với chiến lược mới, Mỹ sẽ hiện diện mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á? - 1

Với chiến lược mới Mỹ hy vọng sẽ thay đổi được các điều kiện bên ngoài Trung Quốc, thay vì cố gắng thay đổi quan điểm của Bắc Kinh. (Ảnh: CNN)

Một quan chức cấp cao của Mỹ khẳng định: “Đây không phải là chiến lược Trung Quốc của chúng tôi”, nhưng chiến lược “xác định rõ ràng Trung Quốc là một trong những thách thức mà khu vực phải đối mặt, đặc biệt với sự trỗi dậy và hành vi ngày càng hung hăng".

Dù rút quân khỏi Afghanistan, và hiện có những vấn đề khác cần chú ý như mối quan ngại về hạt nhân Iran cũng như căng thẳng tại Ukraine, song Mỹ không ngừng nỗ lực tập trung cho chính sách xoay trục sang châu Á. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết mở các đại sứ quán và lãnh sự quán mới trên khắp khu vực, mở rộng Chương trình Hòa bình (tình nguyện viên chính phủ), khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương và mở rộng vai trò của lực lượng tuần duyên.

Mỹ hy vọng sẽ thay đổi được các điều kiện bên ngoài Trung Quốc, thay vì cố gắng thay đổi suy nghĩ của Bắc Kinh. "Mục tiêu của chúng tôi không phải là thay đổi Trung Quốc mà là định hình môi trường chiến lược mà trong đó nước này hoạt động, xây dựng sự cân bằng ảnh hưởng trên thế giới có lợi tối đa cho Mỹ, các đồng minh và đối tác, cũng như vì các lợi ích và giá trị mà chúng tôi chia sẻ”, quan chức Mỹ nói.

Hầu hết nội dung của chiến lược được truyền tải kỹ lưỡng, bao gồm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như tầm quan trọng của các liên minh và sự tham gia đa phương sau nhiều năm chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng chính sách "nước Mỹ trên hết".

Mỹ ban hành chiến lược một năm sau khi ông Biden nhậm chức. Vị quan chức cấp cao thuộc chính quyền Biden cho biết: "Sự chậm trễ trong việc công bố chiến lược này phản ánh sự phối hợp cần thiết giữa các cơ quan trong và ngoài Mỹ để xây dựng sự đồng thuận và bao trùm các quan điểm khác nhau."

Bên cạnh đó, kế hoạch và lời kêu gọi tham gia chặt chẽ hơn với các bên của Mỹ thể hiện nước này không còn lựa chọn “đứng một mình” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong số tổ chức được Mỹ khai thác để thúc đẩy quan hệ đối tác khu vực chặt chẽ hơn bao gồm Liên minh châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Tổ chức Hiệp ước Bắc Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp và các thành viên nhóm Đối thoại an ninh tứ giác QUAD là Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Với chiến lược mới, Mỹ sẽ hiện diện mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á? - 2

Vấn đề quốc phòng cũng là một trong những trọng tâm trong chiến lược mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Ảnh: SCMP)

Trong khi một số ý kiến hoan nghênh chiến lược trọng tâm toàn cầu của chính quyền ông Biden, một số bày tỏ lo ngại rằng cử tri Mỹ chia rẽ sâu sắc có thể khiến chính sách đảo ngược sau cuộc bầu cử năm 2024, làm tính liên tục của chiến lược bị suy yếu.

Báo cáo chiến lược cũng bao gồm những ngôn từ mạnh mẽ về các vấn đề quốc phòng, với lời kêu gọi phối hợp nhiều hơn "trên các lĩnh vực quốc phòng" để đảm bảo các đồng minh có thể "can ngăn hoặc đánh bại hành vi công kích dưới bất kỳ hình thức nào", bao gồm nỗ lực thay đổi biên giới lãnh thổ hoặc phá hoại quyền của các quốc gia có chủ quyền trên biển.

Chiến lược cũng bao gồm một danh sách dài các sáng kiến ​​khu vực được đề xuất liên quan đến công nghệ, đại dịch, an ninh mạng, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, quản trị, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu.

Quan chức cấp cao Mỹ cho biết: “Điều chúng tôi muốn làm là đảm bảo rằng đang xây dựng trong lâu dài, đồng thời cập nhật cách tiếp cận để đối phó với những thách thức hiện nay - trong đó rõ ràng bao gồm Trung Quốc”.

Phương Anh(Nguồn: South China Morning Post)
Bình luận
vtcnews.vn