• Zalo

'Vòi bạch tuộc' lũng đoạn thị trường

Kinh tếThứ Sáu, 07/09/2012 12:33:00 +07:00Google News

"Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, một cá nhân đã sở hữu nhiều hơn số vốn theo quy định, gây ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức tín dụng".

Không chỉ thâu tóm ngân hàng (NH), "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn.

Tại buổi họp báo thường kì Chính phủ chiều 5/9 vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: "Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, một cá nhân đã sở hữu nhiều hơn số vốn theo quy định, gây ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức tín dụng. Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng chức năng đặt trọng tâm vào nhóm tội phạm liên quan tới hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các hành vi thâu tóm".

Không chỉ thâu tóm ngân hàng (NH), "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn.

Quyền lực giấu mặt

Nhằm tránh việc cá nhân sở hữu NH dẫn đến thao túng, gây đổ vỡ như đã từng xảy ra ở một số nước trong khu vực trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, luật Tổ chức tín dụng quy định, cá nhân sở hữu tối đa không quá 5% vốn điều lệ trong một NH. Với tỷ lệ này, có thể khẳng định, không cổ đông cá nhân nào có thể "sai khiến" NH. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều NH thương mại cổ phần (TMCP) hiện nay là "sân sau" của những cổ đông lớn.

Sacombank, ngân hàng bị “sáp nhập” trên thị trường tài chính VN trong thời gian vừa qua - Ảnh: Diệp Đức Minh 
Làm thế nào để các cá nhân này sử dụng NH như một công cụ rót vốn cho những dự án, những phi vụ riêng của mình, để thực hiện các vụ thâu tóm với lượng vốn khổng lồ như đã xảy ra trong thời gian qua? Đó là vì họ đã gián tiếp sở hữu NH.

Không chỉ thâu tóm ngân hàng, "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn

Cụ thể, "chẻ nhỏ" tỷ lệ sở hữu bằng cách chuyển sang một công ty đầu tư tài chính do họ lập ra. Công ty này mua CP của NH và trở thành cổ đông lớn của NH. Đây là con đường đưa các cá nhân trở thành cổ đông lớn, thậm chí là ông chủ của NH. Điều này lý giải vì sao, rất nhiều cá nhân có quyền lực cực lớn trong NH dù tỷ lệ sở hữu trực tiếp rất nhỏ.

Sau khi hoàn tất việc trên, các công ty đầu tư tài chính sử dụng NH như một công cụ rót vốn vào "sân sau" của họ thông qua các hợp đồng cho vay ủy thác (Thanh Niên đã có bài Bí ẩn khoản phải thu khác phân tích về vấn đề này).

Đặc biệt, các công ty này tiếp tục đi mua CP ở các NH khác, rồi lại lập ra công ty đầu tư tài chính để sử dụng vốn của các NH này qua con đường ủy thác đầu tư... Cứ như vậy, "ma trận" sở hữu rối rắm này tạo thành các "vòi bạch tuộc" có sức mạnh tài chính cực lớn để thực hiện việc thâu tóm, nắm quyền kiểm soát ở các NH, các doanh nghiệp khác.

Đơn cử như trong vụ thâu tóm NH Sacombank cách đây vài tháng, các cổ đông lớn gồm Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim và ông Trần Phát Minh chỉ lộ diện khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có văn bản xử phạt hành chính. Điều đáng nói là quan hệ chằng chịt của 3 cổ đông này.

Công ty Sài Gòn Á Châu cũng mua CP của Eximbank dù theo giấy phép kinh doanh, công ty này không có lĩnh vực đầu tư tài chính. Rồi ông Minh và Sài Gòn Á Châu cùng Eximbank đi thâu tóm Sacombank và hiện tại, ông Trần Phát Minh là Chủ tịch HĐQT của NH TMCP Kiên Long.

Rõ ràng, nhờ sở hữu chéo, họ đã dồn phiếu cho một người để làm một cuộc thâu tóm thành công. Việc này thể hiện rõ nhất, quyền lực trung gian của các công ty đầu tư tài chính. Hay nói chính xác là quyền lực của chính các ông chủ công ty này, quyền lực cá nhân của họ ở các NH.

Thao túng vàng, bất động sản

Không dừng lại ở thị trường tài chính, các công ty đầu tư tài chính này đã và đang vươn "vòi bạch tuộc" sang thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản.

Gây rối loạn thị trường

Theo một chuyên gia tài chính, không chỉ NH mà hầu như các tổng công ty nhà nước đều có loại hình công ty đầu tư tài chính để quản lý phần vốn của các công ty con bên dưới, thậm chí khi CP hóa họ cũng không bàn giao vốn về cho SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) mà vẫn giữ để quản lý vốn của các công ty con.

Do không bị quản lý bởi bất cứ luật chuyên ngành nào nên các công ty này đầu tư bừa bãi, thiếu hiệu quả, gây rối loạn thị trường.

Điển hình nhất là vụ Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mới bắt nguyên Giám đốc và Trưởng phòng Tín dụng của Công ty TNHH MTV Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước... ” do đầu tư thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành và nợ ngập đầu.

Chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ thấy, các công ty đầu tư này được thành lập nhan nhản. Nếu không nhanh chóng có giải pháp thì hậu quả khó lường.

Liên tục mấy năm gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều thời điểm, giá vàng trở nên điên loạn và câu hỏi "ai thao túng giá vàng" chỉ được trả lời chung chung, đó là giới đầu cơ. Nhưng giới đầu cơ nào đủ vốn, đủ tiềm lực để xoay chuyển giá trên thị trường khi mỗi phiên có tới vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượng vàng được giao dịch? Chỉ có công ty đầu tư tài chính với nguồn vốn cực lớn nhờ sự "bơm" vốn từ phía sau của các NH mới đủ sức làm việc này.

Mọi chuyện càng rõ ràng hơn sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt thì 3 công ty mà ông trùm này sở hữu đều có hoạt động liên quan đến bất động sản, du lịch và vàng bạc đá quý.

Hệ quả của sự thao túng này là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1-3 triệu đồng gây rủi ro cho người mua; tạo những cơn khan hiếm giả khiến NHNN phải cho nhập khẩu vàng dù lượng vàng trong nước rất lớn, áp lực lên thị trường ngoại tệ từ việc nhập khẩu vàng... Sự rối loạn này đã tạo ra những cơ hội kiếm lợi cực lớn cho các công ty này.

Tương tự đối với thị trường bất động sản. Một chuyên gia đang thực hiện xử lý bán tài sản thế chấp cho một số NH cổ phần tiết lộ, rất nhiều dự án thế chấp là từ các công ty đầu tư tài chính.

Các công ty này cho vay dự án thông qua nguồn vốn ủy thác của NH. Sau đó họ lại mang chính các dự án này quay trở lại thế chấp NH lấy vốn mua CP ở các dự án khác. Rồi lại lấy "dự án khác" thế chấp để vay tiếp... Nên một phần không nhỏ nợ xấu của các NH cổ phần hiện nay là từ các công ty tài chính.

Đó là lý do, các NH đã và đang tạo áp lực mua nợ xấu, thực chất là giải vây cho chính các ông chủ của họ. "Lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhưng các công ty đầu tư tài chính sử dụng vốn ủy thác từ NH, mua CP và làm chủ các công ty một cách dễ dàng" - chuyên gia này nói.

Công ty đầu tư tài chính này "đẻ" ra công ty khác, công ty khác liên kết với NH này, doanh nghiệp nọ... để tiếp tục sản sinh ra các công ty cháu, chắt.

“Vòi bạch tuộc” sở hữu này càng dài, càng chồng chéo thì vốn từ các NH chảy ra qua đường này càng lớn, các thương vụ thâu tóm, lũng đoạn càng nhiều. Nếu phanh phui tất cả nguồn vốn đã chảy theo hệ thống chân rết "sân sau" nói trên, vốn thực sự của các NH còn lại bao nhiêu? Đây là vấn đề cần được làm rõ nếu thực sự muốn tái cấu trúc hệ thống NH.

3 loại sở hữu chéo đáng lo ngại trong Ngân hàng

1. Sở hữu của các NHTM nhà nước tại các NH TMCP: Hiện có gần 8 NH TMCP có quan hệ CP với 5 NHTM nhà nước. Tiêu biểu là Vietcombank hiện đang sở hữu 11% tại NH Quân đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại NH Phương Đông, 5,3% tại NH Sài Gòn.

2. Sở hữu lẫn nhau giữa các NH TMCP: Hiện tượng này khá phổ biến ở Việt Nam. Hiện có ít nhất 6 NH TMCP có cổ đông là một NH TMCP khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại NH Việt Á.

3. Sở hữu NH TMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân: Hiện có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NH TMCP. Hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa NH TMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều NH có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.

Nguồn Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nguyên Hằng/ Báo Thanh niên

Bình luận
vtcnews.vn