Mình năm nay 28 tuổi, đã lấy chồng được khoảng 9 tháng. Trước đây, khi cả hai còn độc thân thì chuyện lương lậu, chi tiêu của ai người ấy tự quản. Nhưng sau khi về chung một nhà, mình và chồng đã đồng ý sau này chi gì, tiêu gì, nhất là cho bố mẹ hai bên đều cần thống nhất với nhau.
Ảnh minh họa
Từ khi kết hôn đến giờ, mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ theo nguyên tắc trên. Nhưng thời gian gần đây, do gia đình chồng có nhiều cỗ bàn, ma chay, hiếu hỉ khiến mình phải về thường xuyên hơn (trước đây chỉ 1-2 tháng mình mới về một lần). Thế mới phát sinh ra nhiều chuyện đau đầu.
Đầu tiên, là chuyện mua sắm đồ cúng gia tiên. Mỗi lần về nhà chồng, dù không trùng dịp gì, mình vẫn mua gói kẹo hay ít hoa quả thắp hương. Mình cũng vô tư không hỏi mẹ chồng trước là làm như thế có hợp lý không hay mua sắm thế nào cho “phải đạo”. Mình cũng hiểu rõ nhập gia thì phải tùy tục.
Nên khi mình mua hoa quả thì bà bảo nên mua gói bánh thôi vì ở nhà không ai ăn, rồi hoa quả ngoài chợ toàn đồ phun thuốc. Rút kinh nghiệm, mình chuyển sang mua bánh kẹo thì bà lại ý kiến là nhà có cháu nhỏ sợ nó ăn sâu răng.
Tuy đã gửi tiền góp cỗ trước đó nhưng đến ngày về anh lại đòi đưa thêm cho mẹ 500 nghìn nữa. Ảnh mình họa
Chẳng biết xử lý thế nào, mình bàn với chồng là đưa mẹ 1 triệu và nhờ mẹ đến ngày rằm, mồng Một thì mua gì đó phù hợp thắp hương giúp vợ chồng mình, như thế mình vừa đỡ khó xử mà vẫn thể hiện được sự quan tâm hương hỏa bên chồng. Mình sẽ ướm 1-2 tháng lại đưa thêm khoản này cho mẹ chứ 1 triệu không phải là tiền thờ cúng cả năm.
Thời điểm đưa tiền cũng gần với ngày rằm tháng Bảy rồi nên mình có dặn mẹ cứ lấy tiền đó đóng góp cỗ bàn, lễ lạy ở nhà giúp luôn (nhà chồng mình đến Rằm thường làm cơm mời cả họ hàng sang ăn).
Nhưng đến ngày cúng Rằm thì chồng lại bảo mình đưa thêm 500 nghìn nữa cho mẹ gọi là góp cỗ.
Video: Người Việt tiết kiệm nhất thế giới
Ban đầu, mình nhẹ nhàng giải thích với anh là hôm đầu tháng vợ chồng đã thống nhất đưa mẹ 1 triệu để lo chuyện thờ cúng và cả việc cúng rằm luôn rồi nên hôm nay không phải đưa thêm nữa. Thứ hai, chi tiêu gì cho gia đình nội ngoại hai vợ chồng cũng đã thống nhất phải hỏi ý kiến nhau. Nếu một người không đồng ý thì khoản chi đó tạm thời gác lại đã.
Nhưng chồng không nghe mà cứ nằng nặc đòi góp thêm. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại một lúc thì anh tuyên bố, nếu mình không đưa tiền thì anh sẽ rút tiền trong thẻ tự đưa.
Vì nóng giận mà mình quay ra vặn hỏi chồng rằng, có phải mẹ bảo anh đưa thêm tiền nữa không? Con dâu về ăn có một bữa cơm là đi sao phải đóng góp nhiều lần như thế. Rồi thì mình làm dâu út, tuy đã đóng góp đầy đủ các khoản, có lúc còn đóng góp nhiều hơn nhưng không bao giờ nhà chồng hài lòng. (Nhà chồng mình còn 2 chị dâu nữa).
Đây cũng không phải lần đầu mình có va chạm về chuyện tiền nong với gia đình chồng. Trước đó, mặc dù đã có nguyên tắc chi tiêu nhưng cũng vài lần mình bắt được bằng chứng chồng mang tiền cho bố vay mà không hề bàn trước với mình. Lần 1, lần 2 thì mình chỉ nhắc nhở chồng là nên nói để mình biết. Nếu bố mẹ khó khăn thật thì cứ gọi điện cho cả 2 vợ chồng đề nghị giúp đỡ chứ đừng giấm diếm sau lưng con dâu không hay. Nhưng nhiều lần sau vẫn thế nên mình đâm ra khó chịu.
Chuyện 500 nghìn lần này chỉ như giọt nước tràn ly dẫn đến việc cãi cọ với chồng. Chồng thì cho rằng mình ích kỷ, không biết điều, keo kiệt với nhà chồng và không có ý thức đóng góp.
Còn mình thì cho rằng chồng hay sĩ diện vớ vẩn. Khoản nào đã chi 1 lần rồi thì không nên chi lần 2 nữa. Có thể để những dịp sau đưa nhiều hơn một chút cũng không sao. Vợ chồng mình tuy thu nhập dư dả nhưng nhà cửa, xe cộ, con cái phải tự lo hết nên chẳng để được bao nhiêu.
Vợ chồng chiến tranh lạnh với nhau đã cả tuần nay rồi. Chồng chẳng có ý định làm lành mà ngày nào cũng bỏ đi đến đêm mới về. Mình định để hai ba hôm nữa mới chủ động nói chuyện lại cho đỡ mệt đầu.
Nhưng mình vẫn băn khoăn, việc không đồng ý đưa chồng thêm 500 nghìn đóng góp nữa là đúng hay sai? Có phải mình đang có suy nghĩ quá khắt khe với nhà chồng hay không?
(Chia sẻ của chị Thu Lê, 28 tuổi, Hà Nội).
Bình luận