Tác giả Võ Thị Thúy Hiền vừa cho ra mắt sách Phép màu của lòng biết ơn - một tác phẩm đầy cảm hứng kể về hành trình từ một cô bé nghèo sống dưới chân núi Tà Cú ở tỉnh Bình Thuận tới một doanh nhân thành đạt, một nhà từ thiện với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Với tâm huyết và kinh nghiệm làm việc của một doanh nhân, tác giả Võ Thị Thúy Hiền - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tân Phước - đã chia sẻ những câu chuyện và bài học cuộc sống quý giá mà cô đã trải qua trong quá trình đi lên. Cuốn sách Phép màu của lòng biết ơn không chỉ cho thấy tấm gương về sự kiên trì và tinh thần phấn đấu của tác giả mà còn là một nguồn cảm hứng cho những ai đang tìm kiếm lối đi cho chính mình.
Trong sách, cô đã viết rất xúc động về quá khứ cơ cực: “Mảnh đất ông ngoại cho ba mẹ bị người ta xiết nợ, cả nhà chúng tôi phải dọn đi. Sau chị Hai và chị Ba, đến lượt ba tôi đi ở đợ cho người ta, phiêu bạt sang xứ khác.”
Khốn khó là vậy, nhưng Võ Thị Thúy Hiền không ngừng học, không ngừng nuôi dưỡng ý chí vươn lên và những ước mơ cháy bỏng. Cô nhìn về quá khứ cơ cực không phải bằng nỗi cay đắng, xót xa, mà bằng lòng biết ơn và tinh thần vượt lên nghịch cảnh.
Bằng nỗ lực vượt bậc, cô đã vào học đại học tại TP.HCM. Rồi cũng bằng ý chí ấy, cô đã dần bước chân vào thương trường. Thành công không tự tìm đến cô, mà cô đã phải đi tìm nó trong một hành trình đầy cam go, trắc trở, với quyết tâm mãnh liệt, như lúc cô, giữa thời nghèo khó, vẫn quyết tâm rằng “sau này con sẽ xây nhà cho mẹ, to và rộng”.
Cô bắt đầu hành trình trên thương trường bằng cách đi tìm các mối hàng trong lĩnh vực thời trang cho một doanh nhân châu Âu.
“Tôi tự dò tìm địa chỉ các công ty may mặc ở Sài Gòn, lập cả một danh sách dài và nhờ xe ôm chở đến từng nơi một để kết nối cho anh bạn. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản: mình kết nối để giúp đỡ người bạn phương xa khi anh cần, không mảy may có suy tính nào khác”, cô hồi tưởng.
Với tâm niệm sáng trong đó, với sự chịu khó và kiên trì vốn hình thành từ quá khứ cực nhọc, cô đã dần vươn tới thành công. Và khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt, cô vẫn không quên quá khứ nghèo khó và những bài học từ cha mẹ, để thực hành một lối sống vị tha, luôn giúp đỡ người khác. Cô giúp đỡ các bệnh nhân ung bướu, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, tham gia bảo trợ trẻ em mồ côi trong đại dịch COVID-19 theo chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời do Báo Thanh Niên phát động.
Phép màu của lòng biết ơn có câu chuyện của riêng tác giả Võ Thị Thúy Hiền, có kể về những thăng trầm trong cuộc sống, nhưng đây không phải là một cuốn hồi ký. Cô chia sẻ: “Cuốn sách này không viết về tôi mà viết về phép màu của lòng biết ơn mà tôi đã may mắn được chứng nghiệm. Khi kể lại những câu chuyện mình đã trải qua trong cuốn sách này, tôi biết ơn vô cùng những điều đã đến. Có thể là nước mắt, chũng có thể là nụ cười. Nhưng tất thảy đều vô cùng quan trọng, ý nghĩa, tất thảy đều là phép màu.”
Trong sách Phép màu của lòng biết ơn, Võ Thị Thúy Hiền chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, tình người, lòng trắc ẩn, sự trung thực trong kinh doanh và lòng biết ơn. Lòng trắc ẩn, vị tha ấy, như cô chia sẻ, được cô thừa hưởng từ cha mẹ của mình.
“Ba là người dạy tôi phải sống lương thiện và tử tế... Những hạt giống tử tế từ ba mẹ cứ thế thấm vào tôi và đâm chồi, nảy lộc”, tác giả gửi gắm thông điệp về giá trị gia đình và tình yêu thương không định hình bằng vật chất. “Mẹ tôi là một tấm gương về sự tử tế mà tôi học được ngày còn nhỏ. Những lần vỡ nợ, trong những khoản nợ phải trả, có đến quá nửa không phải nợ của bà. Nhà chúng tôi không có tiền, lắm lúc cùng đường mẹ phải đi vay nợ về lo cho gia đình. Nhưng món tiền mang về chưa kịp trang trải chi tiêu, nhìn thấy cô Tư nhà kế bên khó khăn, không có gạo ăn, bà lại mang chính món tiền vừa vay được sang cho cô mượn”.
Cuốn sách Phép màu của lòng biết ơn của tác giả Võ Thị Thúy Hiền hứa hẹn sẽ là một nguồn cảm hứng và động lực cho độc giả, giúp họ nhìn nhận và đánh giá cao giá trị cuộc sống và lòng biết ơn đối với những người xung quanh.
Bình luận