• Zalo

Võ sư đánh đập vợ dã man: Trẻ chứng kiến bạo lực gia đình sẽ thế nào?

Giáo dụcThứ Tư, 28/08/2019 14:06:00 +07:00Google News

Chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, trẻ sẽ có hai xu hướng khép mình, dễ bị tự kỷ hoặc vội vàng lập gia đình với mục tiêu "trả thù đời".

Những ngày này, mạng xã hội lan truyền clip người đàn ông đánh, đấm vợ dã man khiến dư luận phẫn nộ. Điều đáng nói, hành vi này diễn ra trước mặt những đứa trẻ vô tội, biến chúng thành nạn nhân chịu hậu quả vì tổn thương trong tâm hồn suốt quãng đời còn lại.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, trẻ sẽ hoảng loạn và niềm tin của trẻ với bố mẹ bị tổn thương. Điều này sẽ tác động tới tâm lý trẻ. Những đứa nhút nhát sợ sệt sẽ càng ngày càng sợ sệt, những đứa hung hăng từ gene của bố hoặc mẹ sẽ càng hung hăng hơn.

Theo tiến sĩ Võ Văn Nam - Giảng viên khoa Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), hình ảnh bạo lực dù xuất phát từ đâu cũng để lại những ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí con người, nhất là trẻ nhỏ.

Tuổi trẻ sớm thấy bạo lực, dần già sẽ thâm nhiễm vào tâm trí của các em rồi từ ý thức lọt xuống tiềm thức, từ tiềm thức rơi vào vô thức. Những lớp chồng chất trong vô thức đó cứ dày dần lên, để một lúc nào đó cái vô thức trỗi dạy và chỉ đạo hành động của đứa trẻ. Đó là bạo lực nói chung trong xã hội.

vo_su_danh_vo_lqrq

Những hình ảnh khiến dư luận bức xúc thời gian này. (Ảnh chụp màn hình)

Còn bạo lực với người thân, đặc biệt đối với bố mẹ của trẻ lại càng có ảnh hưởng trầm trọng hơn. Bố và mẹ là hai người trẻ đều kính trọng và yêu thương. Hai người mình yêu thương nhất trong gia đình lại dùng bạo lực để cư xử với nhau, trẻ không biết mình đứng về phía nào. Nếu bênh cha thì bỏ mẹ, bênh mẹ thì bỏ cha. Cả hai điều này không trẻ mong muốn cả.

Trẻ lập gia đình sớm "trả thù đời"

Tiến sĩ Võ Văn Nam cho rằng, xu hướng phát triển của trẻ sau khi phải chứng kiến bạo lực gia đình là sợ bạo lực nên trẻ không lập gia đình do bị ám ảnh bởi nỗi bất hạnh của bố mẹ. Trẻ sợ mình lâm vào cảnh đó nên tránh xa những người yêu thương.

Lo ngại hơn, có trẻ xu hướng lập gia đình rất sớm "trả thù đời", để muốn xây dựng một gia đình không có bạo lực như bố mẹ đã từng. Thế nhưng, vội vàng lập gia đình mà không cân nhắc, chưa có ý thức đầy đủ, chưa có trải nghiệm và không có sự hướng dẫn của bố mẹ, trẻ sẽ nhầm lẫn. Điều này để lại hậu quả lâu về dài cho chính bản thân cuộc sống của đứa trẻ đó.

Theo tiến sĩ Nam, lứa tuổi nào cũng bị ấn tượng bởi hành động của bố mẹ, đặc biệt là lứa tuổi chưa có ý thức, mới nhận thức theo cảm tính, lấy cảm xúc đối với gia đình, với bố mẹ là hành động của bản thân. Vì vậy nếu thấy bố mẹ cư xử với nhau bằng bạo lực trẻ sẽ khủng hoảng.

bao-luc-gia-dinh

 (Ảnh minh họa: Công an Nghệ An)

Trẻ dễ bị tự kỷ

Khi phải chứng kiến bạo lực giữa cha với mẹ, cho dù trẻ không bị bạo hành, không đau đớn về thể chất nhưng về sức khỏe tâm lý, sức khỏe tinh thần và nhất là sức khỏe xã hội liên quan đến cộng đồng về lâu về dài bị ảnh hưởng trầm trọng.

Trẻ tự bảo vệ mình bằng cách ẩn mình vì sợ bị hành hung như chính mẹ hay bố trong gia đình. Trẻ không muốn giao tiếp với ai, lâu dần sẽ giống như trẻ tự kỷ. Nói cách khác, đây là một trong những nguyên nhân ban đầu, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến tự kỷ của trẻ.

Nếu trẻ tránh được xu hướng tự kỷ, trẻ sẽ trả thù. Thay vì trả thù gia đình của mình, với vợ hoặc chồng tương lai của mình, trẻ sẽ trả thù chính bạn bè, những người thân yêu của mình. Trẻ sẽ dùng bạo lực để trừng trị tất cả.

Trẻ khép lòng với chính cha mẹ

Tiến sĩ Nam chia sẻ, có những ca tâm lý chuyên gia gặp phải, bố mẹ không hiểu tại sao con mình không thích nói chuyện với ai, ngay cả với mẹ. Mặc dù trước đó con rất cởi mở, hồn nhiên nhưng sau này lại khép kín, ngay cả với người mẹ luôn thương yêu, gần gũi, âu yếm cháu vẫn khép lòng mình lại.

Sau đó mới biết trẻ từng chứng kiến bạo hành giữa cha và mẹ. "Điều đó cho thấy bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự ngây thơ, trong sáng của đứa trẻ, làm trẻ đánh mất tuổi thơ", TS Nam chia sẻ.

Hệ quả lâu dài là niềm tin và tình yêu với bố mẹ trong trẻ cũng tổn thương. Trẻ không biết nên tin ai, thậm chí lo lắng không biết lúc nào bố sẽ đánh cả mình.

tre-tu-ky 3

 Trẻ thu mình khi chứng kiến bạo lực gia đình. (Ảnh: Xã Luận)

Tiến sĩ Võ Văn Nam cho rằng, hành động bạo lực này sẽ cướp mất tuổi thơ, cướp mất không khí êm ấm trong gia đình - cái nôi mà trẻ có quyền tận hưởng để lớn lên, về mặt tâm lý, tinh thần và tình cảm. Để giải quyết hậu quả về mặt tâm lý này của trẻ phải sử dụng biện pháp tâm lý trị liệu.

Tuy nhiên, khi tâm lý trẻ đã bị tổn thương thì rất khó hàn gắn được, giống như một tờ giấy trắng bị một vết mực rồi thì khó có thể trở lại như xưa.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục độc lập nhận định, em bé trong video chứng kiến bố đánh mẹ chắc chắn bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng. Thông thường người bị đánh thường không cảm thấy sợ bằng người chứng kiến.

"Cháu bé 2 tháng thì mức độ ảnh hưởng tâm lý ít hơn do còn nhỏ, nhưng có lẽ sẽ sỡ hại trong thời gian ngắn. Bé có thể bỏ bú, khóc đêm, ăn ngủ kém. Sau này lớn lên, bé sẽ yếu ớt về tâm lý, dễ trầm cảm hơn bạn bè", tiến sĩ Vũ Thu Hương nói.

Mới đây mạng xã hội lan truyền video clip người chồng võ sư đánh, đấm vợ dã man. Vụ việc xảy ra tối 26/8 tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, xuất phát từ việc chị L. muốn di chuyển chiếc tivi sang phòng khác để con trai lớn xem nhưng chồng không đồng ý.

Trong đoạn clip được ghi lại từ camera của gia đình, người đàn ông liên tục có những hành động chỉ tay, to tiếng rồi sau đó "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ dù cô đang ôm đứa con nhỏ trên tay, trước sự chứng kiến của con trai lớn và người giúp việc.

Theo chia sẻ của gia đình nạn nhân, chị L. và Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987, một võ sư ở Mê Linh) kết hôn được 9 năm, hiện có 2 con nhỏ và đang sống tại căn chung cư trên phường Thạch Bàn.

Sau khi mắng chửi chị L., Vinh xông tới tát, đấm đá liên tiếp và mặt và người chị L. mặc cho chị L. đang ôm đứa con nhỏ.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn