• Zalo

Vợ ông Trần Xuân Giá: Tuổi 80 vẫn nhẫn cưới trên tay

Kinh tếThứ Ba, 13/05/2014 07:50:00 +07:00Google News

Ông Giá hướng ánh mắt trìu mến về phía cuối giường, nơi vợ ông đang đứng với đôi bàn tay gầy guộc níu chặt vào thành giường inox, đôi bàn tay vẫn đeo nhẫn cưới

Ông Giá hướng ánh mắt trìu mến về phía cuối giường, nơi vợ ông đang đứng với đôi bàn tay gầy guộc níu chặt vào thành giường inox. Tôi chợt để ý, ở tuổi 78, tay bà cũng vẫn đeo nhẫn cưới.

Chiều tối ngày 5/5, PV đã có mặt tại bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) ngay khi ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, 1 trong 9 bị cáo trong "đại án bầu Kiên") vừa được chuyển khỏi khoa hồi sức cấp cứu sau hơn một tuần nỗ lực chống chọi với triệu chứng sốc nhiễm trùng máu mới phát sinh.

Tại phòng riêng, trong ít phút tiếp xúc với PV, mặc dù thể trạng yếu nhưng ông Giá vẫn giữ nguyên cốt cách của một người đã từng giữ chức vụ cao. Được biết, luật sư riêng vừa thay mặt ông gửi đơn đến TAND TP.Hà Nội và VKSND TP.Hà Nội để trình bày một số nguyện vọng cá nhân.

Chiếc nhẫn cưới trên tay người vợ 78 tuổi

Chúng tôi đến bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) tìm thăm vị nguyên Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư vào chiều muộn ngày 5/5. Thấy chúng tôi xuất hiện ở cửa phòng, ông Giá tỏ ra khá ngạc nhiên.

Trên chiếc giường bệnh kê sát tường, ông Giá dường như rất mệt mỏi, ông không ngồi dậy được mà khoát tay ra hiệu cho người ra thân đón chúng tôi.

Ngoài ông Giá, trong phòng lúc ấy còn có vợ và con gái ông. Cả hai người đều tỏ ra khá nhã nhặn và thân thiện.

Trần xuân giá
Hình ảnh khỏe mạnh hiếm hoi của ông Giá trong suốt quá trình điều trị, tính đến thời điểm hiện tại. 
Khi biết chúng tôi là nhà báo, những người cũng đã từng đến thăm ông ngay khi TAND TP.Hà Nội tuyên bố hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "bầu Kiên", ánh mắt ông Giá vốn đã rất hiền hòa lại càng dịu đi.

Ông khẽ nhấc tay trái - bàn tay gân guốc và xanh xao nhưng vẫn đeo nhẫn cưới, hơi hướng về phía tôi để chạm lấy tay tôi rồi khó nhọc nói: "Các bạn thứ lỗi, mình đang mệt quá. Các bác sỹ bảo bệnh của mình tỉ lệ chết nhiều hơn tỉ lệ sống. Mình vẫn còn sống được là may lắm. Cũng phần nhiều nhờ công chăm sóc của bà ấy". Đoạn, ông Giá hướng ánh mắt trìu mến về phía cuối giường, nơi vợ ông đang đứng với đôi bàn tay gầy guộc níu chặt vào thành giường inox. Tôi chợt để ý, ở tuổi 78, tay bà cũng vẫn đeo nhẫn cưới.

Theo lời người nhà của ông Giá, ông buộc phải nhập viện để điều trị căn bệnh u xơ tiền liệt tuyến đồng thời khắc phục những vấn đề chưa triệt để của ca mổ ung thư đại tràng 3 năm về trước. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của ông đã trở nên tồi tệ hơn từ ngày 26/4.

Theo đó, trong khi làm các xét nghiệm để chuẩn bị mổ u xơ tiền liệt tuyến, kể cả làm sinh thiết vì có nghi vấn cao về ung thư, ông Giá đã bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu gây sốt cực cao đến 42 độ, gây co giật mạnh, mê man hoàn toàn, huyết áp tụt xuống chỉ còn 70/50..., nguy cơ gây tử vong rất cao.

Trước tình trạng nguy kịch trên, "cha đẻ" Luật Doanh nghiệp được chuyển xuống điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu. Sau hơn một tuần chữa trị tích cực, ông Giá đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đến nay tuy khá hơn nhưng vẫn còn rất yếu.

bệnh viện hữu nghị
Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) - nơi ông Trần Xuân Giá đang điều trị.  
Luật sư không thay ông Giá xuất trình “bảo bối” tại tòa?

Mặc dù được các bác sỹ yêu cầu là không được nói nhiều tránh mệt mỏi, nhưng ông Giá vẫn không chối từ những câu hỏi chúng tôi đưa ra. Ông trả lời chúng tôi một cách chừng mực, chậm rãi, bằng chất giọng miền Trung khá dễ nghe. Cuộc hội thoại khiến tôi nhớ lại những gì ông đã trả lời PV ngay khi phiên tòa "bầu Kiên" hoãn xử.

Khi đó, trước câu hỏi: "Nếu không bị ốm, ông có sẵn sàng tham dự phiên tòa hay không?", vị nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB nói: "Mình đã chuẩn bị rất kỹ trước khi dự phiên tòa. Ngày Chủ nhật, 13/4, mình đã ngồi 7 giờ đồng hồ với luật sư để chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra tại tòa, những câu hỏi có thể từ HĐXX đặt ra và thậm chí chuẩn bị cả lời phát biểu sau cùng trước tòa. Mình đau quá nên buộc phải nhập viện...".

Qua ít phút trao đổi, chúng tôi cảm nhận thấy ông Trần Xuân Giá coi việc bị khởi tố và truy tố ra trước pháp luật là một nỗi đau khủng khiếp về cả tinh thần lẫn thể xác. Ông khẳng định: "Xin hoãn phiên tòa không phải là mình muốn đẩy lùi phiên xét xử đâu, có ai lại muốn nỗi đau kéo dài?".

Cũng trong khoảng thời gian tiếp xúc ngắn ngủi với ông Giá tại bệnh viện, chúng tôi được biết ông đã ủy quyền cho luật sư gửi kiến nghị đến TAND TP.Hà Nội và VKSND TP.Hà Nội xin kéo dài thời gian hoãn tòa.

Về vấn đề này, sáng 6/5, trao đổi với PV qua điện thoại, luật sư Lưu Tiến Dũng - người bào chữa cho ông Giá, cho biết đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo lời luật sư Dũng, trong đơn, với mong muốn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Giá đề nghị tòa cân nhắc thời gian mở lại phiên tòa cho đến khi ông hồi phục sức khỏe đủ để tham dự phiên tòa.

Luật sư Dũng cho biết: "ông Giá đang tích cực chữa trị nên khó có thể xác định khi nào ông Giá có sức khỏe để hầu tòa. Sức khỏe của ông Giá lần này còn yếu hơn nhiều so với hôm mở phiên tòa ngày 16/4". Do đó, theo luật sư Dũng, tòa nên xem xét đề nghị của ông Giá để đảm bảo quyền lợi của ông này.

Nói về tuyên bố của ông Trần Xuân Giá trên báo chí trước khi bị khởi tố, rằng ông có "bảo bối" để tự bảo vệ mình, luật sư Dũng từ chối bình luận và cho biết: "Tôi không thể phát ngôn thay ông Giá được, nhất là về một chuyện quan trọng thế này!".

bầu kiên
Phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phải tạm dừng vì ông Giá có đơn xin hoãn. ảnh: TTXVN. 
Có thể tách vụ án để xét xử riêng

Ở một diễn biến khác, mới đây, Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Bình cho biết, theo luật định, thời gian mở lại phiên tòa để xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm sẽ không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn tòa (ngày 16/4 - PV).

Trường hợp ông Trần Xuân Giá có lý do chính đáng thì tòa án có thể sẽ gia hạn thời gian hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, sau đó nếu ông Giá vẫn không thể đến phiên tòa vì lý do sức khỏe thì tòa án sẽ cân nhắc, xem xét đến khả năng xét xử vắng mặt bị cáo này hoặc sẽ giải quyết theo hướng trả lại hồ sơ cho cơ quan truy tố để tách bị cáo ra khỏi vụ án để tiến hành xét xử sau.

Ông Nguyễn Đức Bình cũng cho biết, TAND TP.Hà Nội vừa quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cho tại ngoại chuyển sang áp dụng biện pháp giam giữ đối với các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn, đều từng là lãnh đạo ngân hàng ACB. Lý do thay đổi biện pháp ngăn chặn được đưa ra là để đảm bảo cho công tác xét xử diễn ra đúng pháp luật và thuận lợi.

Trong 4 bị cáo trên, có lẽ bị cáo Phạm Trung Cang là người khiến báo giới tốn nhiều giấy mực hơn cả. Trước đó, ông Cang suýt "thoát tội", lý do được đưa ra là bởi cuối 2010, ông Cang đã có đơn từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB và khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành. Đây cũng là lý do khiến doanh nhân sinh năm 1954 này được cho rằng không phải trách nhiệm hình sự về việc thất thoát gần 720 tỉ đồng mặc dù ông Cang có tham gia cuộc họp hồi đầu năm 2010 đề ra chủ trương ủy thác cho vay.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cho dù từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhưng ông Cang vẫn giữ chức vụ thành viên Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB và ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB ủy thác đầu tư.

Hiện, quyết định tạm giam các bị cáo này đã được cuyển tới C46 (Bộ Công an) để thực thi. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, 8/9 bị cáo trong "đại án" Nguyễn Đức Kiên đã bị tạm giam.

Theo ĐSPL

Bình luận
vtcnews.vn