• Zalo

Vỡ nợ 120 tỷ đồng ở Bắc Ninh: Nhiều gia đình bỗng chốc trắng tay

Pháp luậtThứ Sáu, 24/08/2018 07:21:00 +07:00Google News

Nhiều người dân ở xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh như “ngồi trên đống lửa” bởi toàn bộ tiền dành dụm, chắt bóp cả đời mang cho bà Hoàng Thị Khanh, 57 tuổi, ở cùng xã vay có nguy cơ mất trắng.

Không chỉ thế, nhiều gia đình còn cầm cố nhà cửa để lấy tiền cho bà Khanh vay lãi, giờ bà này tuyên bố phá sản, chồng tự tử chết nên không biết bao giờ mới có tiền để trả. Chính vì thế, nguy cơ mất nhà cửa là sự thật hiện hữu đối với nhiều hộ dân ở xã này.

Tiếp chúng tôi, bà Trần Thị M., 53 tuổi sụt sùi vì gia đình bà cho bà Khanh vay số tiền 650 triệu đồng. Đây là toàn bộ vốn liếng vợ chồng bà tích cóp, vay mượn để tháng 8 này xây nhà nhưng giờ có nguy cơ mất vì bà Khanh tuyên bố vỡ nợ. 

Bà M. cho biết từng nhiều lần cho bà Khanh vay tiền. Trước kia thì chỉ mấy chục triệu, vì cũng sợ “lỡ xảy ra vấn đề gì”, nhưng bà Khanh vay có giấy tờ, lãi suất sòng phẳng nên bà M. tin tưởng, dần dần, dốc hết tiền cho bà Khanh vay.

4

Vợ chồng bà M. – người cho bà Bích vay 650 triệu đồng.

“Lãi suất 20%, cứ đến tháng chị ấy trả đầy đủ. Do chị Khanh giữ đúng lời hứa nên dần dần tôi rất tin tưởng. Cách đây 1 năm tôi cho chị ấy vay 650 triệu đồng trong đó có cả tiền vốn của vợ chồng và con gái. Hàng tháng chị ấy vẫn trả lãi suất. Thế nhưng đợt vừa rồi, chị ấy tuyên bố vỡ nợ khiến tôi vô cùng bất ngờ”, bà M. chia sẻ.

Theo bà M., bà Khanh nói vay tiền để hùn vốn kinh doanh gỗ với một người phụ nữ khác. “Khi tôi hỏi thì chị ấy bảo gỗ buôn mất hết rồi, giờ không còn hy vọng gì nữa. Nghe xong tôi chỉ biết khóc chứ chả biết làm thế nào. Tôi nghe nhiều người trong xã cho chị Khanh vay tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng tôi rất sốc. Nếu biết chị ấy nợ nhiều thế này tôi đã không cho vay”, bà M. cho biết.

 Anh Nguyễn Mạnh T., người cho bà Khanh vay số tiền gần 2 tỷ đồng bằng số tiền thế chấp sổ đỏ ngôi nhà đang ở. Vốn là hàng xóm với nhau, nên anh T. biết rõ gia đình bà Khanh đến “chân tơ, kẽ tóc” bởi vợ chồng bà Khanh trước kia buôn bán thịt lợn, 3-4  năm nay nói là chuyển sang buôn gỗ, ván dăm nên cần vốn nên gia đình bà Khanh đã sang hỏi vay để buôn bán gỗ.

5

Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh T.

Theo thỏa thuận, bà Khanh đưa sổ đỏ và giấy thế chấp nhà cho gia đình anh T. để được vay tiền 1,7 tỷ đồng thời hạn một năm.

Anh T. tin tưởng đem cầm cố sổ đỏ nhà mình để lấy tiền cho bà Khanh vay. "Trước hôm tuyên bố vỡ nợ, chồng chị Khanh sang nói chuyện với tôi và bảo sang nhà cầm chìa khóa, rồi giữ nhà giúp. Anh ấy nói sẽ sang ở nhờ nhà anh trai, thỉnh thoảng phiền tôi mở cửa để anh thắp hương. Anh ấy còn nói số tiền quá lớn, thế này không thể sống được. Tôi cũng động viên nhưng không ngờ, ngày hôm sau, anh nghĩ quẩn, uống thuốc cỏ tự tử", anh T cho biết.

Chị Nguyễn Thị H. (một người cho bà Khanh vay tiền) cũng cho biết, vợ chồng chị tích góp bao năm qua được 500 triệu đồng cho bà Khanh vay. Từ trước tới nay, ở địa phương vợ chồng bà Khanh là người hiền lành, tử tế nên ai trong xã cũng yêu quý.

6 3

Giấy bà Khanh xác nhận vay nợ 3 tỷ đồng.

“Tôi cho bà Khanh vay số tiền trên nhưng cũng không đòi hỏi lãi lời gì. Bà ấy bảo khi nào tôi cần sẽ trả. Hôm nghe tin bà ấy tuyên bố vỡ nợ, tôi có sang hỏi chứ cũng không đòi thì bà Khanh hứa sau có sẽ trả”, chị H. nói.

Theo những người hàng xóm thì vợ chồng bà Khanh sống hiền lành, chất phác nên khi vay tiền huy động vốn mọi người khá yên tâm. Đặc biệt, bà này thường trả lãi đúng hạn, ai cần gốc cũng trả ngay nên nhiều người tin tưởng, không ngần ngại mang toàn bộ tài sản trong nhà cho vay.

Là người cho bà Khanh vay hơn 3,1 tỷ đồng, chị Hoàng Thị Th. (40 tuổi) cũng sống trong tâm trạng mất ăn mất ngủ. 

Theo lời kể của chị Th., số tiền trên là của anh chị em của bà góp lại để mua đất, thậm chí vay cả của người ngoài. Chị Th cho biết “Do chưa sử dụng tiền ngay nên ngày 5-7, chị Khanh có sang hỏi mượn với giao ước 5 ngày sau sẽ trả nên tôi cho vay mà không kèm theo điều kiện gì vì chị em lâu nay vẫn hỗ trợ vay mượn nhau khi khó khăn. Nhưng hết thời hạn, tôi có hỏi tiền thì chị khất hết lần này tới lần khác và tới bây giờ là vỡ nợ. Vì vụ này mà gia đình tôi thường cãi vã, chả muốn làm ăn gì nữa. Giờ tôi có bán nhà cũng chẳng ai mua vì cả làng không có tiền”, chị Th. nghẹn ngào.

Được biết, trước khi xảy ra chuyện vỡ nợ, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Phong đã phát hiện ra việc vay lãi, chơi hụi họ có dấu hiệu phức tạp về ANTT nên đã xác minh, làm rõ. Trong khi cơ quan công an đang xác minh thì ngày 5-8, bà Hoàng Thị Khanh tuyên bố vỡ nợ.

Do tình hình phức tạp, Công an huyện đã cùng với chính quyền địa phương tăng cường bảo vệ ANTT, ngăn chặn không cho các đối tượng xấu đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Gia đình bà Khanh cũng làm đơn nhờ chính quyền bảo vệ an toàn tính mạng. Ngày 21/8, bà Khanh làm đơn tố cáo bà Trần Thị Bích, 40 tuổi, trú cùng thôn vay tiền của bà Khanh nhưng không trả. Cùng ngày, chồng bà Khanh uống thuốc diệt cỏ tự tử. Mặc dù gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đến 22/8, chồng bà Khanh đã không qua khỏi.

Ông Nguyễn Văn Tôn, chủ tịch UBND xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho biết, ngày 14/8, nhận được thông tin vợ chồng bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, lãnh đạo địa phương đã họp, giao nhiệm vụ cho Công an xã chú trọng đến vấn đề này, có biện pháp ngăn chặn tình trạng các đối tượng đến đòi nợ, đề phòng các tình huống manh động.

Bà Khanh cũng đã gọi các “chủ nợ” đến để viết giấy vay và hứa hoàn trả. 

Theo ông Tôn, sáng 21/8, ông Trường (chồng bà Khanh) gọi cho người nhà và công an báo có mấy người đang đến đòi nợ gia đình. Sau đó, người thân và lực lượng chức năng đến nhà ông Trường thì phát hiện ông này đã uống thuốc diệt cỏ tự tử nên đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Công an huyện Yên Phong đã làm việc với bà Hoàng Thị Khanh, bà này cho biết, là người đứng tên vay số tiền, sau đó cho bà Trần Thị Bích vay lại để lấy lãi. Tổng số tiền bà Khanh vay của mọi người là 120 tỷ đồng, bà Khanh cho bà Bích vay hết.

Video: Hậu vỡ nợ, cuộc sống của Chánh Tín ra sao?

Tuy nhiên, qua đối chiếu sổ sách và lấy lời khai của bà Bích thì bà Bích cho biết chỉ vay của bà Khanh 17 tỷ đồng, có xác nhận. Qua xác minh, bước đầu, Công an huyện Yên Phong xác định có có hơn 300 hộ đã cho bà Khanh vay tiền, ít nhất khoảng vài chục triệu, cao nhất khoảng 5 tỷ đồng.

Được biết, hiện bà Bích vẫn sinh sống ở địa phương và không có biểu hiện hoang mang, lo sợ.

Ông Nguyễn Văn Tôn cho biết, 10 năm trước, trên địa bàn cũng xảy ra sự việc huy động tiền rồi bị vỡ nợ tại địa phương nhưng số tiền ít hơn khoảng 30-40 tỷ đồng, sau đó họ khắc phục bằng cách thu hồi của những người nợ họ để trả, phần khác họ xin khất nợ hoặc xin trả tiền gốc.

UBND xã đang sàng lọc các đối tượng cho vay trên địa bàn để phối hợp với Công an huyện điều tra, làm rõ và có hỗ trợ đối với những gia đình khó khăn đã cắm sổ đỏ ở ngân hàng.

(Nguồn: Công an nhân dân)
Bình luận