Dư luận Hàn Quốc và Việt Nam đang rất phẫn nộ sau khi đoạn video quay lại cảnh một người đàn ông Hàn Quốc đánh đập dã man người vợ Việt Nam của mình được lan truyền trên mạng. Cùng với nhiều trường hợp đau lòng tương tự khác vẫn đang diễn ra trên xứ sở kim chi, giới hoạt động nhân quyền nhận ra rằng chính cơ chế nhập cư tại đây đã biến những người phụ nữ này trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình.
Ban đầu, luật pháp yêu cầu các ông chồng Hàn Quốc phải là người chịu trách nhiệm xin cấp thị thực và tình trạng nhập cư, cũng như xin gia hạn visa hoặc thường trú cho vợ mình. Đạo luật này đã được bãi bỏ vào tháng 12/2011 với mục đích bảo vệ quyền con người tốt hơn cho người nhập cư. Tuy nhiên, những nhà hoạt động nhân quyền cho biết các thủ tục pháp lý còn lại vẫn gây nhiều khó khăn cho những người vợ nước ngoài muốn lấy được giấy phép thường trú hoặc quốc tịch Hàn Quốc mà không có sự giúp đỡ của người chồng.
“Người nước ngoài cần trải qua một cuộc phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc. Nhưng cho đến nay, cơ quan di trú vẫn sẽ không có cơ hội phỏng vấn các bà vợ nước ngoài nếu các ông chồng Hàn Quốc không đi cùng họ” - ông Kang Hye-sook, đại diện của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc, cho biết.
Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều quy trình pháp lý phức tạp và mơ hồ khác khiến hầu hết các bà vợ nhập cư không thể làm được một mình, nhất là khi bị hạn chế về ngôn ngữ mà không có ai giúp đỡ. Do đó, họ đã trao cho đàn ông Hàn quyền kiểm soát số phận của họ. Và đây là lý do tại sao nhiều phụ nữ nhập cư phải chịu đựng bạo hành và lạm dụng mà không dám báo cáo với cơ quan thực thi pháp luật.
Những người vợ ngoại quốc chỉ được quyền sinh sống hợp pháp tại Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của chồng trong trường hợp người chồng đó chết hoặc bỏ rơi họ. Ngoài ra, khi người vợ nước ngoài muốn ly dị chồng Hàn Quốc, họ phải đấu tranh trước tòa để chứng minh đó là lỗi của chồng.
Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 12/2018, có đến 132.291 phụ nữ nước ngoài là người nhập cư theo dạng kết hôn, chiếm 10% số người ngoại quốc sống ở Hàn Quốc.
Một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho thấy 42,1% trong số 920 người được hỏi khẳng định từng bị bạo hành gia đình, 38% bị lạm dụng, trong khi gần 20% cho biết từng bị đe dọa bằng hung khí.
Tuy nhiên, có đến 31,7% nói họ chưa từng tìm kiếm sự giúp đỡ nào, 25% không muốn người khác biết mình bị bạo hành, trong khi 20,7% không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu và 20,7% còn lại nghĩ người khác sẽ chẳng thể giúp họ giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn quốc (MOGEF) cho thấy 6,4% phụ nữ nhập cư ly hôn với lý do bị đối xử tệ bạc và bị bạo hành. Ông Kang cho rằng chính quyền nên đưa ra các quy định pháp luật tạo sự bình đẳng cho mối quan hệ của các cặp vợ chồng khác chủng tộc.
“Một nền văn hóa gia đình phân biệt giới tính và một hệ thống luật nhập cư yếu kém là lý do khiến những người vợ ngoại quốc phải chịu bạo hành ở Hàn Quốc” - ông Kang nói.
Video: Chồng Hàn đánh đập dã man vợ Việt gây phẫn nộ dư luận.
Quay trở lại với vụ việc người vợ Việt bị người chồng Hàn Quốc đánh đập dã man trước mặt đứa con trai 2 tuổi tại nhà ở Yeongam, tỉnh Nam Jeolla. Người đàn ông trong video này đã bị bắt vào hôm thứ Hai với tội danh bạo hành vợ mình. Anh ta được cho là đã đấm đá liên tục và lấy vỏ chai rượu đánh vợ chỉ vì cô ta không nói thạo tiếng Hàn.
Ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc Jin Sun-mee đến thăm hỏi, động viên người phụ nữ Việt Nam tại bệnh viện ở Mokpo, tỉnh Nam Jeolla. Bà Jin cam kết sẽ thành lập một “đội hỗ trợ khẩn cấp” để hỗ trợ cho nạn nhân và các thành viên gia đình cô.
Trước đó, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Min Gap-ryong trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm, người đang có chuyến thăm tới Hàn Quốc, khẳng định ông rất lấy làm tiếc về vụ việc và hứa sẽ điều tra, xử lý đến cùng.
Trên mạng internet còn xuất hiện cả một trang web kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc đối với người đàn ông đánh đập vợ này. Hiện trang web đã thu thập được khoảng 10 nghìn chữ ký ủng hộ.
Bình luận