Người xưa bảo phải tu nhân tích đức chín đời mới có thể trở thành thánh nhân, bảy đời mới trở thành hiền nhân, năm đời mới trở thành tài nhân. Một quốc gia cũng vậy, để có được một thiên tài “kinh bang tế thế” cũng phải chịu dồn nén ngần ấy thời gian. Bởi lẽ, không phải khi nào đời cũng cho ta thánh nhân. Phải có thiên thời, địa lợi, những cội gốc, nguồn mạch vật chất, tinh thần, phải có nhân hòa…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thánh nhân. Nhân gian đồn thổi rằng lúc ông nằm xuống bên bờ biển Quảng Bình, cơn bão hung bạo nhất thế kỷ Haiyan sau khi phá tang tóc nước Phi-Luật-Tân và đang hăm hở tiến vào miền Trung nước ta, bỗng sợ hãi quay ngược lên biển bắc. Mới nằm xuống đó, ông đã thành huyền thoại.Không là thánh nhân sao được khi bất cứ ai gặp ông đều nhìn thấy ở ánh mắt ông cái vẻ huyền bí mà không phải người thường nào cũng có. Một nữ ký giả nước ngoài, bà Orian Fallaci đã thốt lên: “Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một ánh mắt thông minh đến như vậy”.
Một lần, khi nước nhà còn non yếu, quân Pháp hùng mạnh trở lại gây hấn, ngay trong phiên đàm phán đầu tiên với ông, một viên tướng Pháp đã lên mặt: “Tôi là người yêu nước Pháp, tôi muốn ở bất kỳ nơi đâu, đặc quyền của nước Pháp cũng phải được tuân thủ…”. Ông nhìn vào đôi mắt ngạo mạn của viên tướng Pháp và mỉm cười: “Tôi nghĩ rằng, những người yêu nước chân chính bao giờ cũng biết tôn trọng lòng yêu nước của những người khác”. Viên tướng Pháp giật mình và lùi lại phía sau. Anh ta đã gặp ánh mắt của thánh nhân. Thánh nhân đó đã dạy cho anh ta một bài luân lý vỡ lòng về lòng yêu nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ
Trận đánh đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng hàng năm, hàng tháng với bao hy sinh gian khổ, nhưng đúng đến giờ phút cuối cùng lại được ông quyết định dừng lại, rút quân ra để suy tính kỹ hơn, đánh chắc thắng hơn, đỡ hy sinh xương máu của chiến sĩ hơn.
Không có trí tuệ và bản lĩnh thánh nhân sao làm được điều đó.
Từ một chỉ huy quân sự thiên tài, ông bỗng được phân công và trở thành một một thủ lĩnh chỉ huy các hoạt động nghiên cứu và triển khai khoa học. Thật không thể tưởng tượng được rằng vị tướng năm nào, với mái tóc gọn gàng, dáng đi nhanh nhẹn, lại xuất hiện thường xuyên trong các cơ quan nghiên cứu, mặc áo trắng xuống các phòng thí nghiệm, cầm ô che mưa, xắn quần lội vào ruộng lúa, vườn cà, luống rau. Với những quyết định sáng suốt của mình, ông đã là người định hướng khoa học và đặt nền móng cho hầu hết các cơ quan đơn vị nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay.
Cũng từ những thành công trong điều hành hoạt động khoa học, ông được phân công trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình. Một lĩnh vực thật hóc búa, nhưng với mọi người thì có vẻ như tầm thường so với cương vị ông lúc đó. Người được phân công làm Phó chủ tịch cho ông lúc đó không phải là ai xa lạ mà chính là giáo sư Vũ Khiêu, một danh tài văn hóa sau được phong là anh hùng lao động.
Hai ông già, một võ, một văn, gặp nhau, mỉm cười và hăm hở lao vào công việc dân số, đọc sách, đi cơ sở, trực tiếp chỉ đạo xây dựng các quy trình nghiên cứu, thiết kế các chương trình truyền thông, vận động… Và thật ngạc nhiên là họ đã làm được biết bao nhiêu công việc to lớn. Với họ, dân số không phải là vấn đề tầm thường, không chỉ là vận động tuyên truyền, là hạn chế sinh đẻ…
Xót xa ôm chặt di ảnh Đại tướng vào lòng
Những thành công trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình hiện nay có vai trò thật căn bản từ chính các ông. Tài năng về khoa học và văn hóa của ông, đức độ của ông, đã tạo ra sự cảm phục sâu sắc từ giáo sư Vũ Khiêu. Giáo sư tặng ông câu đối:
Võ công truyền Quốc sử
Văn đức quán nhân tâm
Cũng từ những hoạt động khoa học, với một thiên tài văn hóa bẩm sinh, Võ Nguyên Giáp đã dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu sâu sắc về văn hóa và con người Việt Nam.
Là tổng chỉ huy việc tổ chức kỷ niệm 500 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Trãi, ông đã có dịp nghiền ngẫm kỹ lưỡng hơn tư tưởng nhân văn vĩ đại của Nguyễn Trãi. Ông cũng thấm nhuần được câu nói như một định mệnh của cụ Nguyễn “cổ lai thức tự đa ưu hoạn” (Xưa nay người nhiều kiến thức thì cũng nhiều ưu hoạn). Tuy vậy, dù có “Đa ưu hoạn”, thậm chí đổi cả tính mạng của mình và của những người thân như trường hợp cụ Nguyễn, thì các bậc thánh nhân cũng vẫn hết lòng vì dân, bởi “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Cụ Nguyễn Trãi vì vậy đã là một thánh nhân, một “Ngôi sao Khuê” trong lòng dân tộc. Ông cũng như vậy.
Dòng người vào viếng Đại tướng nối dài, cong cong như dải đất hình chữ S thân thuộc.
Võ Nguyên Giáp là thánh nhân ư? Tất cả những người yêu quý ông, trong đó có chúng tôi đều tin như vậy. Nhưng rồi không phải, ông cũng chỉ là một con người, như chúng ta, sinh ra rồi mất đi, cũng chất chứa bao nhiêu buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, trăn trở. Ông cũng thức trắng đêm vì những nghĩ suy cho những cái thật bình dị của nhân tình thế thái.
Võ Nguyên Giáp không ngồi trên đỉnh cao với vòng nguyệt quế vinh quang cuốn quanh đầu. Ông gần gũi với chúng ta. Chiếc áo chiến binh cũ không màu mè, với quân hàm đại tướng được phong từ hồi lập quốc. Những bữa cơm đạm bạc, có buổi chỉ có đĩa rau và quả trứng luộc được chia ra cùng với bà. Mọi người đều thấy ông thật vĩ đại nhưng sao cũng lại thật giống mình.
Con người ông là sự kết tinh từ tất cả chúng ta, những trái tim khối óc của muôn người. Tất cả chúng ta, liên kết với nhau, truyền cho ông sức mạnh. Từ sức mạnh ấy ông lại chia sẻ nó cho mỗi người, mỗi nhà…
Đưa tiễn ông đi, muôn người như một, đều mong muốn được nhìn thấy ông, nói với ông, thầm chia sẻ với ông một tâm nguyện gì đó. Ông là thánh nhân cũng bởi như vậy, bởi ông chính là tất cả những người Việt Nam.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận