Võ Ngọc Khang với sáng chế HoverRoom

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 09/04/2018 07:17:00 +07:00

Hệ thống giao tiếp giữa con người... của cậu học sinh Võ Ngọc Khang (lớp 11 chuyên toán - tin Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, An Giang) thật sự hữu ích nếu được áp dụng vào đời sống.

Lấy cảm hứng từ bộ phim Iron man với căn phòng thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, Khang đã thiết kế hệ thống giao tiếp giữa con người và thiết bị điện qua động tác chỉ tay. HoverRoom là sản phẩm thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) do Khang thực hiện. Sản phẩm đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi Young Makers Challenge 2017.

Để bật, tắt đèn, tivi, người dùng chỉ vào vật trong 3 giây; để chuyển kênh truyền hình, người dùng chỉ ngón tay lên hoặc xuống. Đó là những bài học cơ bản do hệ thống máy tính tiếp nhận và tìm hiểu về khung xương, cử động tay người...

Sử dụng nền tảng OpenCV3, Caffe Deep learning và MSCOCO Model, Khang tạo ra một máy chủ có khả năng nhận biết khung xương con người trên ảnh chụp, hiểu các hướng chỉ tay. Trong đó, OpenCV3 là một mã nguồn mở đọc hình ảnh từ camera, truyền ảnh sang Caffe cũng như hiển thị khung xương người lên màn hình.

1

 Võ Ngọc Khang trình diễn hệ thống máy tính đã được dạy về khung xương người

Còn Caffe Deep learning là một phần mềm xây dựng mạng neuron nhân tạo - cơ sở cho AI. MSCOCO là mã nguồn chứa dữ liệu dành cho AI có thể học được, ở đây Khang sử dụng phương pháp Keypoint model (đánh dấu) để máy tính học khung xương con người. Tận dụng server của Amazon và GPU có sẵn trên laptop, Khang tạo môi trường cho máy tính học dữ liệu (cử động khung xương người dùng).

Khang cho biết: "Em đang mày mò giúp hệ thống học và nhận diện cảm xúc để lựa chọn bài hát phù hợp tâm trạng người dùng. Toàn bộ kiến thức tạo ra HoverRoom là do em học từ thầy... Google!".

Ban Giám khảo cuộc thi nói vui rằng nếu sản phẩm đạt mức hoàn thiện, Khang có thể sẽ trở thành "Iron man" đầu tiên của Việt Nam.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn