• Zalo

Vỡ mộng 'sướng' với những việc làm lương thưởng ở mức ai cũng nể

Kinh tếThứ Năm, 10/03/2016 05:04:00 +07:00Google News

Lãnh đạo Tổng công ty Hàng không ACV được nhận lương gần 100 triệu đồng/tháng, việc làm ngành ngân hàng vốn tưởng sẽ sung sướng nhưng thực tế lại quá đau khổ

(VTC News) - Lãnh đạo Tổng công ty Hàng không ACV được nhận lương gần 100 triệu đồng/tháng khiến không ít người ngỡ ngàng, hay như việc làm ngành ngân hàng vốn tưởng sẽ sung sướng nhưng thực tế lại quá đau khổ.

Lương lãnh đạo hàng không gần 100 triệu mỗi tháng


Mới đây, 5 thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) công bố mức lương dự kiến được nhận hàng tháng trung bình gần 100 triệu đồng trong năm 2016.

Đây là mức lương khiến cho nhiều người nghe xong không khỏi bị "sốc", vì đây là con số thu nhập quá lớn mà mỗi tháng các vị lãnh đạo của ACV được nhận. Trong khi đó khoảng 8.000 nhân viên của Tổng công ty cũng có mức lương không hề thấp, trung bình mỗi tháng được khoảng 20 triệu mỗi người.
5 thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) công bố mức lương dự kiến được nhận hàng tháng trung bình gần 100 triệu đồng trong năm 2016 
Trong tài liệu họp Đại hội cổ đông lần đầu của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) kể từ khi cổ phần hóa, tờ trình tiền lương, thù lao trong các tháng 4/12/2016 của 5 thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát là hơn 4,4 tỷ đồng (bình quân 98,4 triệu đồng một tháng).

Trong đó, 2 thành viên chuyên trách tại Hội đồng Quản trị sẽ được nhận lương bình quân 119,5 triệu đồng mỗi tháng, 3 người thuộc Ban Kiểm soát là 84,3 triệu đồng.

Doanh nghiệp cho biết mức đề xuất này đã được tham khảo theo Dự thảo Nghị định của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội. Theo đó, ACV là công ty cổ phần, Nhà nước nắm phần lớn vốn nên cơ chế thù lao sẽ chấp hành theo đúng quy định. Ngoài ra, tiền lương của các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp cao khác sẽ được trả theo chế độ phân phối lương thưởng của công ty.

Đại diện ACV cũng cho biết đây chỉ là mức lương đề xuất trong dự thảo để trình tại Đại hội đồng cổ đông. Trong Đại hội nếu được các cổ đông thông qua thì mức lương và thù lao này mới được duyệt chi theo kế hoạch tài chính năm 2016.

Trước đó, trong báo cáo trong giai đoạn cổ phần hóa của ACV cho biết, mức thu nhập bình quân của hơn 8.000 nhân viên tại đây đạt trung bình khoảng 20,72 triệu đồng/tháng trong năm 2014 - mức thu nhập được đánh giá là tốt nhất trong ngành Giao thông vận tải.

Sớm vỡ mộng "sướng" khi làm ngân hàng

Ngân hàng thường được nghĩ là một công việc nhàn hạ, sang trọng vì được làm trong môi trường chuyên nghiệp, nhẹ nhàng, hàng ngày được ngồi trong văn phòng có điều hòa máy lạnh, lương mỗi tháng bèo nhất cũng phải trên 5 triệu mà ra đường lại được nhiều người nể...
Chính vì những suy nghĩ đó mà rất nhiều người vẫn luôn thèm thuồng, ảo tưởng về một chỗ làm việc trong ngân hàng cho ổn định và có thu nhập tốt. Trong khi những ai đã hiểu, đã được "nếm mùi" thế nào là nhân viên ngân hàng thì lúc đó mới thấy... nản.

“Thực tế, trước đây có thể là vậy, nhưng bây giờ làm ngân hàng rất cực khổ, không phải chỉ ở cấp nhân viên mà còn ở cả quản lý cấp cao, không chỉ ở bộ phận này hay bộ phận khác mà tất cả các bộ phận đều cực khổ, khó khăn như nhau. Cái chuyện đổ mồ hôi, sôi nước mắt hay rơi cả máu là chuyện bình thường”, quản lý của một ngân hàng thẳng thắn chia sẻ.

Nhân viên tín dụng của một ngân hàng lớn cũng cho biết, làm ngân hàng bây giờ quá vất vả, vì định mức, chỉ tiêu, đó là chưa kể mời người ta vay bằng được xong đến hạn lại đến đòi cho bằng được.

“Nhiều lúc ngân hàng áp xuống định mức trên trời, nhân viên cứ thế mà chạy. Đến hạn lại lo đi đòi nợ. Nhiều hôm, đến đòi nợ còn bị doanh nghiệp đó cho nhân viên cầm gậy gộc đánh đuổi đi ý chứ. Những lúc như vậy, em hay gọi bạn đi nhậu hoặc cafe, rồi lại check in lên facebook khiến nhiều bạn bè lầm tưởng làm nhân viên tín dụng sướng lắm. Họ đâu có biết là mình vừa chạy thục mạng vì bị khách hàng đánh đuổi đâu”, cậu nhân viên này cười ngượng.

Ông Trịnh Xuân Giang, Quản lý vùng khách hàng doanh nghiệp, Pvcombank, cho biết mặc dù các ngân hàng vẫn tuyển nhận sự nhưng không mở rộng thêm số lượng nhân viên tương ứng mà sẽ là chọn lọc.

“Nếu ngân hàng tuyển được 1 người làm được việc thì sẽ cho 3 người cũ không làm được việc nghỉ việc. Có nghĩa là ngân hàng chỉ muốn tuyển nhân sự cứng và tinh giản bộ máy nhân sự”, ông Giang phân tích.

Điều này thể hiện sự chọn lọc và đào thải rất lớn về nhân lực trong ngành ngân hàng hiện nay. Trong khi đó người làm được việc thì hiếm mà người không hoàn thành công việc thì nhiều. Nhiều người xin vào làm ngân hàng chỉ vì ảo tưởng về công việc ngân hàng nhưng thực tế lại không có kỹ năng để làm việc.

Do đó các ngân hàng cũng đang đứng trước tình cảnh rất khó khăn trong việc tìm được những nhân sự chất lượng tốt, nhất là các vị trí lãnh đạo như giám đốc khối, giám đốc chi nhánh.

Một nhân viên được tuyển dụng không chỉ tốt nghiệp bằng giỏi với các chứng chỉ khác là đủ. Điều quan trọng là phải hiểu nghiệp vụ, có mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp và xử lý công việc. Ngoài ra, một nhân viên ngân hàng được tuyển dụng cần phải trang bị cho mình những kỹ năng mềm.

Với những nhân viên làm được việc, thu nhập của họ cũng được hưởng ở mức xứng đáng, và tất nhiên họ cũng phải là những người có khả năng chịu được áp lực rất lớn để hoàn thành được các loại định mức, chỉ tiêu, chăm sóc khách hàng... trong công việc mà người ta vẫn nghĩ là "sướng" và "nhàn".

Làm việc những nơi như Phố Wall liệu có sướng?

Câu trả lời sẽ là không, và thêm vào đó sẽ là những từ ngữ phổ biến như cạnh tranh khốc liệt, bị chủ chèn ép, áp lực, ít tăng lương để có thể miêu tả về công việc này.

Rất rất nhiều người được khảo sát đã bày tỏ sự thất vọng về công việc, công ty, thu nhập và khả năng thăng tiến trong môi trường làm việc ở Phố Wall.
Ngày nay, các công ty ở phố Wall đang phải thắt chặt kỷ cương và áp dụng những tiêu chuẩn, quy định mới. Do đó, Mike Karp, CEO của Options Group cho rằng: “Môi trường ở đây ngày càng khắc nghiệt. Bạn không thể chỉ tập trung vào chuyên môn mà còn phải thích ứng với những quy định và luật lệ”.

Có người làm việc ở đây nói: "Trong nhiều trường hợp, lý do giữ bạn ở lại với công việc ở đây là khoản tiền thưởng thêm mà thôi”.

Thế nhưng các khoản tiền thưởng vẫn chưa đạt được trở lại như mức trước khủng hoảng.

Năm trước, mức thưởng trung bình ở đây là 173.000 USD, thấp hơn mức trung bình của năm 2006 khoảng 20.000 USD. So với mặt bằng thu nhập trung bình của các nhân viên tài chính thì những khoản tiền thưởng trên vẫn là rất đáng kể, nhưng sự sụt giảm đã dẫn đến sự ảm đạm và thiếu hấp dẫn cho những công việc ở nơi này.

Tình trạng chèn ép của các ông chủ đối với nhân viên cũng có vẻ đang gia tăng. Sau hàng loạt vụ bê bối xảy ra với ông chủ của các “ông lớn” như Bank of America (BAC), JP Morgan (JPM) và Deutsche Bank (DB), đời sống tài chính Phố Wall phải đối mặt với vô số vụ điều tra, các vụ kiện tụng và các luật lệ mới.

Do đó, áp lực đối với nhân viên cũng tăng lên và cũng gây áp lực cho cả chính các ông chủ, song cùng với sức ép phải đạt được lợi nhuận cao, khiến tình trạng chèn ép nhân viên tại phố Wall đang càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn