Sau khi vợ sinh con, anh Đại ít ‘gần’ vợ. Không phải anh tắt ‘nhu cầu’ mà vì vợ anh không còn thơm tho như trước. Quần áo, đầu tóc vợ luôn hôi mùi mồ hôi, cả mùi hôi nách khiến anh Đại... hãi.
Cưới vợ được hơn năm và có cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh, anh Đại rất mừng. Thương vợ quằn quại đau đẻ, rồi lại vật vã sốt khi sinh xong nên dù có cả bà nội, bà ngoại thay phiên trông cháu, anh Đại cũng tự động bớt việc để có thời gian chăm vợ, con. 5-6 tháng sau sinh, vợ chồng anh mới “khởi động” lại chuyện ấy. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, những lần “yêu” lại khiến anh Đạt mất hứng vì cảm giác vợ mình không còn được sạch sẽ như trước. Mùi khó chịu trên đầu tóc, khắp người vợ khiến anh Đạt chán nản nhưng lại ngại chẳng dám nói ra. Anh không còn muốn gần vợ nữa khiến vợ anh khóc, dỗi, nghĩ là bị chồng chê xấu xí sau khi sinh con.
Cùng cảnh, anh Dũng (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang lâm vào cảnh chán vợ từ khi vợ anh có con. Không phải anh Dũng chê vợ “ục ịch” (tăng 20kg), càng không phải anh có bồ mà vì anh có cảm giác vợ luôn nhớp nháp và không sạch.
Có lần, vợ đang cho con bú, anh Dũng lân la tới hít hít áo vợ, đùa: “Eo, hôi thế, mấy ngày không thay áo rồi hả mẹ Bông?”. Vợ anh hồn nhiên đáp: “Em cũng không nhớ, hình như là 3 ngày” khiến anh... oải. Nhẹ nhàng nhắc vợ nên thay áo, tắm rửa mỗi ngày, mẹ có sạch thì con mới khỏe được nhưng anh thấy vợ anh không hào hứng nên anh đành thôi.
Anh Dũng còn phát hiện ra vợ mình bỏ hẳn thói quen đánh răng trước khi ngủ từ khi có con. Hỏi vui thì vợ anh đáp là: “Đêm kiểu gì chẳng cho con ‘mút mát’, em đói nên cũng phải uống sữa hay ăn thêm, cần gì đánh răng cho mất công”.
Sau khi sinh con, người phụ nữ phải trải qua những mệt mỏi, đau đớn đáng kể. Một số người mẹ kiêng khem thái quá nên nhiều ngày sau mới dám tắm gội. Nhiều người mẹ không chọn mua áo ngực dành cho phụ nữ sau sinh mà thích “thả tự do” nên dễ dẫn tới tình trạng sữa chảy làm ướt áo. Nếu không chịu khó thay áo, tắm rửa hay vệ sinh ngực thì cơ thể người mẹ sẽ hôi hám và bốc mùi.
Thời xưa, một vài nơi người ta vẫn quan niệm “bà đẻ là bẩn” nên người chồng thường không ngủ cùng. Ngay cả khi có việc, người chồng cũng không bước chân vào phòng của vợ mà sẽ đứng ở ngoài, dùng sào tre “câu” vào bên trong cho vợ những thứ cần thiết. Tất nhiên ngày nay, chuyện chồng đưa vợ đi đẻ, ngủ chung giường với vợ sau sinh không còn là hiếm.
Thông thường, sau khi vợ sinh con, “chuyện ấy” sẽ có thời gian kiêng cữ nhất định. Khi vợ chồng “yêu” trở lại cũng là lúc cơ thể người vợ dần được phục hồi, sản dịch đã hết, các vết đau cũng lành, người vợ có thể tự đi lại, vệ sinh, chăm sóc con và làm những việc nhẹ trong nhà. Nhưng lúc này sự vất vả, mệt mỏi vì phải chăm con, thức đêm cho con bú, chưa kể lúc con ốm sốt của người vợ vẫn còn rất nhiều. Vì thế, ngay cả khi đã “gần gũi” chồng trở lại, không ít người vợ vẫn còn lơ là, xao nhãng bản thân khiến “chuyện ấy” bớt nồng nhiệt, thậm chí khiến người chồng bị “ác cảm” mà không còn thích thú với vợ nữa.
Do đó, người vợ nên thu xếp để làm sao vừa có thời gian chăm con vừa có thời gian chăm mình (mà chăm mình cũng có nghĩa là chăm chồng). Nên chịu khó tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo thường xuyên để cơ thể luôn sạch sẽ, gọn gàng và trở nên gợi cảm trong mắt của chồng.
Bên cạnh đó, người chồng cũng nên dành thời gian yêu thương, chăm sóc vợ con. Nếu được chồng săn sóc, người vợ sẽ có thời gian để chăm chút cho bản thân luôn được mạnh khỏe, vui vẻ. Điều này không chỉ có lợi cho vợ mà còn có lợi cho cả chồng và giúp hôn nhân hạnh phúc.
Ngọc Bình/ Theo Mẹ và Bé
Bình luận