Tối qua (1/9), sau những buổi công diễn thành công tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức buổi diễn đầu tiên trong đợt biểu diễn hai ngày 1 và 2/9 giới thiệu vở cải lương 'Hừng Đông' đến khán giả TP Hồ Chí Minh tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, Quận 1).
Rất đông khán giả đã có mặt, ngóng chờ suất chiếu đặc biệt nhân dịp chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 này. Và thực sự, 'Hừng đông' đã gây được tiếng vang lớn trong lòng công chúng yêu thích bộ môn nghệ thuật này.
Vở diễn khắc họa hình tượng người chiến sỹ Cộng sản Phan Đăng Lưu (1902 -1941) – một nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực, xả thân vì độc lập tự do của dân tộc, một nhà báo, nhà lý luận tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Nhưng khác với những tác phẩm cùng chủ đề, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã chọn một cách truyền tải câu chuyện mới lạ khiến nhiều người xem bất ngờ.
Về bài trí sân khấu, 'Hừng Đông' là vở diễn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả thị giác. Một màn hình LED cỡ lớn được dựng trên sân khấu với những mảng đồ hoạ thay đổi liên tục, tạo hiệu ứng chuyển động đầy sinh động với những gam màu mà có lẽ trước đây không nhiều sân khấu có được.
Bên cạnh đó, việc tận dụng một màn hình LED để thay đổi bối cảnh cũng giúp giảm thiểu thời gian chuyển cảnh. Nhờ vậy, cảm xúc của khán giả được liền mạch, xây dựng và đong đầy một cách dễ dàng.
Việc kết hợp công nghệ đã thực sự tạo nên hiệu quả, giúp các lần chuyển cảnh rất tự nhiên, mượt mà, không khiên cưỡng. Khán giả hoàn toàn không cảm giác bị 'sượng' khi không gian bỗng chuyển từ thời hiện đại sang không gian xưa, giữa những cảnh nên thơ và kịch tính.
Bên cạnh đó, âm nhạc cũng góp phần làm nên thành công của vở cải lương. Nếu không kể đến sự kết hợp biểu diễn của ban nhạc đường phố với âm thanh điện tử hiện đại, phù hợp với giới trẻ nhưng lại rất phù hợp với các cảnh tượng trong quá khứ, thì điểm nhấn của 'Hừng đông' chính là những ca khúc tiếng Pháp trữ tình.
Trên nền của những điệu nhạc du dương ấy là những chi tiết đối lập. Đời sống khổ cực đến tột cùng người dân dưới thời thực dân hiện lên đầy tính chân thực, khiến người xem nhói lòng. Khó ai tưởng tượng ra rằng ở thời ấy, chỉ một cuốc xe kéo là số phận của một con người có thể được định đoạt, sống hay chết.
Và rồi chính những ca khúc trữ tình ấy lại được 'chêm' vào giữa, giúp những cảnh bi thương ấy trở nên không quá nặng nề.
Nhưng điểm mới lạ nhất của vở 'Hừng Đông' là cách dẫn dắt câu chuyện. Việc kết hợp màn trình diễn một ca khúc rock của Ban nhạc đường phố thuộc Câu lạc bộ nghệ thuật HUB để mở đầu chương trình khiến nhiều khán giả bất ngờ.
Nhiều người ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, không biết mình có đến nhầm địa điểm, hoặc giả đoàn cải lương đang trình diễn nhầm vở. Thế nhưng, đây lại là cách vào chuyện mới lạ, đầy 'toan tính' của tác giả. Bởi ngay sau đó, những thành viên của ban nhạc lại chính là thế hệ con cháu, được chứng kiến một vở diễn với chủ đề lịch sử.
Việc đem một vở diễn vào trong một vở diễn không những tạo nên lớp lang mà còn làm nên chất keo, giúp người xem có cảm giác đang được sống cùng vở cải lương, cũng như dễ dàng đặt bản thân, tìm thấy mình trong sự kiện lịch sử ấy.
Những người trẻ trong ban nhạc HUB như đang có cuộc du hành vượt thời gian, tham gia vào vở cải lương, là một trong những nhân tố chứng kiến và góp một phần sức lực nhỏ bé của mình, dũng cảm liều mình giúp đỡ những chiến sỹ Cộng sản trong cuộc chiến giành độc lập cho đất nước.
Khi những thành viên ban nhạc dũng cảm, liều mình lao vào vở diễn để đỡ đạn hay cải trang để giúp những nhà yêu nước thoát khỏi hiểm nguy, nhân vật đạo diễn đã thốt lên: 'Hành động bột phát này đã làm gián đoạn vở kịch của chú, nhưng nếu trong hoàn cảnh đó các cháu cũng sẵn sàng xả thân.' Chi tiết này đã khiến khán giả vỗ tay không ngớt.
Với chủ đề lịch sử, nhiều vở kịch hay bộ phim trước đây sa đà vào việc kể chuyện, lột tả tính chân thực đến trần trụi, đẩy cảm giác của khán giả đến tận cùng. Nhưng tác giả Nguyễn Thế Kỷ lại tỏ ra là người hiểu tâm lý khán giả, phải đẩy kịch tính, cao trào đến đâu, và khi nào phải để khán giả 'xả cảm xúc' bằng những chi tiết hài hước dí dỏm, bất ngờ khiến khán giả bật cười, vỡ tay không ngớt.
Cách kể chuyện thông minh này dường như đã xoá nhoà ranh giới giữa các diễn viên và người xem, cũng như khoảng cách về tuổi tác giữa các thế hệ. Bên cạnh đó, nó còn khơi gợi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong lòng mỗi người xem.
'Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh', cải lương vốn dĩ là 'sửa đổi cho trở nên tốt hơn' (Giáo sư Trần Văn Khê). Vì vậy, những nỗ lực cải biên và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống giúp 'Hừng Đông' không chỉ dừng lại ở một vở cải lương đơn thuần mang tính tuyên truyền.
Sau vở diễn, nhiều người yêu thích bộ môn cải lương cho rằng đây là một vở 'cải lương của cải lương' nhờ sự sáng tạo, đem hơi thở tươi mới của thời hiện đại vào những câu chuyện lịch sử bi tráng của dân tộc.
Bình luận