Trong giai đoạn giám sát địa hình, địa chất, đáng ra chủ đầu tư phải thuê đơn vị có đủ năng lực để giám sát, nhưng chủ đầu tư mặc dù không đủ năng lực và trình độ chuyên môn vẫn tự đứng ra giám sát, nghiệm thu kết quả khảo sát. Còn hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chủ đầu tư cũng không thuê đơn vị có đủ năng lực tư vấn thẩm tra lại, mà đã tự mình thẩm tra.
Không chỉ vậy, khi lựa chọn nhà thầu thi công, công ty Bảo Long đã chọn đơn vị chưa đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc thi công.
Hiện trường vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 ngày 12/6/2013
Tại hiện trường, Đoàn đã phát hiện công ty đã thi công một số hạng mục sai so với thiết kế ban đầu. Cống dẫn dòng đáng ra phải có 4 khớp nối được làm bằng đồng, nhưng ở đây không hề có; phía mặt đập thượng lưu thay vì phải dùng đá xây vữa xi măng để làm lớp chống thấm thì công ty chỉ lát bằng đá xô bồ. Nên khi ống dẫn dòng không chịu được tải bị vỡ, kéo theo lõi đập bị sụt lún dẫn đến nước thấm nhanh vào thân đập làm đập bị vỡ ngay tại vị trí ống dẫn dòng.
Ngoài việc thi công một số hạng mục sai thiết kế, chủ đầu tư cũng đã vi phạm một số quy định khác như: công trình thủy điện Ia Krêl 2 chưa được nghiệm thu, chưa thật sự hoàn thành, chưa có được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền trước khi tích nước trong hồ chứa. Nhưng công ty Bảo Long- Gia Lai đã tự làm hết mọi việc nên đã xảy ra sự cố vỡ đập.
Đoàn đã đề ra hướng giải quyết và trình lên UBND tỉnh tiếp tục cho phép chủ đầu tư khắc phục đập theo hướng: Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực để khảo sát thiết kế mới hạng mục đập dâng, bỏ đập cũ và tiến hành thi công mới hạng mục đập dâng…Việc xử lý vi phạm của chủ đầu tư và một số đơn vị có liên quan trong công trình, Đoàn cũng đề nghị UBND tỉnh xử lý với hình thức: kiểm điểm trách nhiệm và xử phạt vi phạm hành chính.
Bình luận