• Zalo

Vợ cũ DV Hồng Sơn: Chuyện bây giờ mới kể (phần 2)

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 01/09/2011 04:57:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ngôi nhà anh ở, quán bar và những cửa hàng anh là ông chủ lần lượt đội nón ra đi theo những canh bạc và khói thuốc hàng đêm...

(VTC News) - "Cuộc sống của cả một thời khốn khó đã khiến anh Sơn không chịu đựng nổi mà bỏ nghề, quyết tâm theo nghiệp kinh doanh. Anh đã khá thành công khi rẽ ngang sang con đường ấy với một quán bar và bốn cửa hàng trong thành phố. Nhưng khi có nhiều tiền, cũng là lúc anh tìm đến cờ bạc và cái chết trắng. Ngôi nhà anh ở, quán bar và những cửa hàng anh là ông chủ lần lượt đội nón ra đi theo những canh bạc và khói thuốc hàng đêm".
 
Chị Thu Hương nối tiếp dòng tâm sự về những tháng ngày mà chồng cũ của chị, diễn viên Hồng Sơn, triền miên trong cờ bạc và ma túy.

>> Bài 1: Anh Sơn vô tâm và bản năng lắm

Anh trượt dài trong cờ bạc và ma túy 

Biết anh Sơn nghiện, tôi đã thuyết phục anh ấy đi cai, cũng phải đến hơn một chục lần bước chân vào trại cai nghiện, nhưng cứ cai xong về lại tái nghiện, thậm chí có lúc đang cai anh còn trốn trại. Sau khi không còn tiền để hút, anh bệ rạc quay về, lại nhờ người nọ người kia đến báo cho tôi.

Tôi còn nhớ mỗi lần đến thăm anh Sơn trong căn phòng mấy chục mét vuông ở trại cai nghiện tư nhân trên đường Giải Phóng. Có ông thì bị trói vì lên cơn, còn lại nằm la liệt khắp phòng, anh Sơn cũng lủi thủi nằm một góc. Anh hứa với tôi quyết tâm cai để về còn quay lại với nghề, tôi cũng thấy mừng vì anh đã biết suy nghĩ hơn.

Mấy người ở trại cai nghiện thấy tôi vội vàng đến bắt đóng tiền, tôi nhớ hồi đó đã phải bỏ ra 2,4 triệu cho một đợt điều trị của anh, cả tiền ăn ở, thuốc thang mang về. Tôi đóng xong anh quay ra chỉ vào người bên cạnh rồi nói “Hương ơi, em đóng cho cả thằng này nữa giúp anh!”. Tôi nghe mà giật mình, rồi hỏi “Thằng này là thằng nào?”.  “À, nó là thằng em thằng gì gì, nhà nó ở bao nhiêu Đồng Xuân đấy, nó là hàng xóm nhà mình...”. “Mình mình cái gì, giờ cưu mang anh đã chết rồi tiền đâu mà đóng cho người không quen”. “Nhưng mà trước kia anh cũng đã lấy tiền của nó”. Cuối cùng tôi phải lột hết ví còn đâu 500, 600 nghìn đấy thì đóng cho "cái thằng hàng xóm" của anh ấy

Anh Sơn là như thế đấy, nhiều khi tốt đến mức khiến mình phát cáu.

Tưởng đóng hết các khoản đóng góp thì anh sẽ yên tâm ở lại cai cho dứt điểm, vậy mà ba hôm sau tôi vào thăm thì ôi, anh ấy đi đâu mất rồi. Mọi người ở trong trại bảo đấy hôm chị đến thì hôm sau anh ấy bỏ đi luôn, thế là mất toi tiền thuốc, tiền trại, anh ấy cứ tưng tửng tưng tửng chẳng để ý gì cả. Một lần nữa anh Sơn lại trốn trại đi ra ngoài tìm thuốc để hút.

Mà không biết bao nhiêu lần anh bỏ đi như thế rồi, cả một đống tiền của bỏ vào. Mười mấy lần vào trại ra trại cuối cùng vẫn công cốc.

Nhưng mà anh ấy cũng tự trọng lắm, không nói là xin tiền để hút mà toàn nói xin 5 triệu, 3 triệu để "mua xe máy Trung Quốc lấy cái đi". Lần cuối cùng nói với tôi là anh có 3 triệu rồi, em cho anh thêm 5 triệu để anh mua xe. Tôi đưa cho anh 5 triệu vậy mà anh đi mua cái xe cũ đâu có 2, 3 triệu, còn thừa bao nhiêu tiền lại đi hút hết.

Thật ra anh Sơn cai được là vì hai năm bị cách ly ở trong trại, anh đi cai là theo chính sách ngày đó họ đưa đi cai tập trung bắt buộc theo địa bàn sinh sống.

Nhưng càng nghĩ càng thương, anh Sơn đi cai được 2, 3 hôm gì đó thì bố anh ở nhà mất.

Quãng thời gian anh Sơn ở trại, tháng nào tôi cũng bảo một người anh họ đưa Chi đi lên thăm bố. Toàn bộ tiền nong thời gian anh Sơn ở trại là một mình tôi lo liệu hết. Lúc đó tôi cũng có gia đình riêng rồi, nên tôi chỉ đứng đằng sau Chi được thôi.

Sau khi anh Sơn ở trại một năm, kết thúc thời gian cai bắt buộc, tôi đã tìm mọi cách để anh ấy ở lại trại thêm một năm, vì đó là trại mẫu, trại tiêu chuẩn nên để ở lại cũng không dễ dàng, cuối cùng tôi phải vất vả đi khắp các cầu, làm đủ mọi loại đơn từ của chính quyền địa phương, đơn của gia đình để anh Sơn được ở lại thêm một năm nữa cai cho dứt nghiện hẳn để về hòa nhập với cộng đồng. Đến lúc anh Sơn nhận quyết định ở lại trại thêm một năm anh đã gần như phát cáu, chửi mắng cả quản lý trại.

Sau hai năm cai dứt điểm ở trại ra, tôi đã đứng đằng sau đạo diễn tất cả để anh ấy về với cuộc sống trước kia.

Bây giờ sống một mình tôi mới dám nói. Khi có một gia đình khác tôi phải giấu, không phải bởi xấu xa gì, mà tôi nghĩ cái tâm lý chung thì chẳng có người đàn ông nào cao thượng đến mức thích mình đi giúp đỡ người đàn ông mình đã chia tay rồi. Mặc dù tình cảm nam nữ vợ chồng không còn, nhưng vì anh ấy không có gia đình mới, không có ai bên cạnh nên tôi phải đứng ra lo liệu tất cả.

Tôi lên kế hoạch để đưa anh ấy về cái nhà thuê ở ven sông Hồng, hàng tháng đưa tiền cho Chi trả tiền nhà, rồi nhờ nhà bán nước ở đầu ngõ mỗi ngày cho anh Sơn 2 phích nước sôi, ăn uống, hút thuốc gì ở đó mỗi tháng tôi sẽ thanh toán một lần. Mỗi buổi sáng Chi chỉ đưa cho bố một số tiền nhất định để ăn sáng, rồi mua cho bố một thùng mì để đó lúc nào bố đói thì bố ăn, mua cho bố thêm cả nửa cân trà, vì Sơn vốn rất nghiện trà.

Một ngày Chi về nói với tôi là ở gần chỗ bố trọ có một bác là giám đốc hay phó giám đốc nhà hát chèo Thái Bình gì đó, nói chuyện có vẻ rất hợp với bố. Bác ấy có sống cùng một người phụ nữ, nhưng hình như họ không phải vợ chồng.

Vậy là tôi bàn với Chi sang nói chuyện hoàn cảnh gia đình mình với hai bác ấy, rồi thuyết phục đưa tiền cho hai bác để hàng ngày bác giúp cho bố cháu ngày hai bữa, các bác ăn như thế nào thì cho bố cháu ăn cùng với, còn khi nào các bác không nấu thì cháu không dám làm phiền, bố cháu sẽ ăn ở nhà. Cuối cùng hai bác đó đồng ý, nhưng cũng chỉ được một thời gian, vì với cái tính phóng túng của anh Sơn thì bạn bè rủ rê lại đi ăn, đi bia bọt. Nhưng cũng phải đến 6 tháng sau thì đạo diễn Cường Việt mới mời ông ấy đóng phim đầu tiên.

Khi ấy anh Cường Việt gọi điện cho tôi hỏi tình hình anh Sơn và hỏi chỗ ở của anh để đến thăm, tôi đã bảo Chi đưa anh Cường Việt đến tận nơi để nói chuyện với anh Sơn. Và sau bộ phim đầu tiên của anh Cường Việt từ khi đi trại về ấy, anh Sơn chính thức quay trở lại với nghề, với nghiệp diễn.

Quay lại với những vai diễn 

Thật sự đôi khi không biết nói thế nào, nói anh Sơn có tốt không, ừ anh Sơn có tốt, không bao giờ biết dùng thủ đoạn, mưu mô, không bao giờ biết hại ai, ai làm bạn với anh Sơn chẳng bao giờ phải đề phòng, anh Sơn cũng chưa bao giờ nghĩ xấu về ai. Nhưng trong cuộc sống đời thường, tốt không có lẽ không đủ. Anh triền miên trong những cơn say bạc, phê thuốc tưởng chừng như không có lối thoát. Nhưng rồi anh đã chấp nhận làm lại tất cả, tìm lại chỗ đứng trong lòng công chúng. Những tưởng anh sẽ có thời gian bù đắp những tháng ngày bệ rạc bằng những vai diễn, những dự định làm phim thì tai nạn lại bất ngờ ập đến. Thôi thì chẳng trách được ai, coi như xong một kiếp người tài hoa mà nhiều giông bão... Mong rằng, ở thế giới bên kia anh cảm thấy bình yên...

>> Bài 1: Anh Sơn vô tâm và bản năng lắm

Thùy Linh
(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn