Thời buổi kinh tế thị trường, con người ta lao vào vòng xoáy bạc tiền. Khi ma lực của đồng tiền cuốn hút, ngày đêm họ chỉ nghĩ cách làm sao để “tiền đẻ ra tiền”. Và hậu quả của những ước mong làm giàu là nhiều đại gia phải nhập viện tâm thần vì lúc nào cũng thấy... “đói” tiền.
Điên vì mở mắt... mất trăm tỷ!
Cuối tuần qua, chúng tôi trở lại viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) để tìm hiểu về đề tài những đại gia nhập viện vì tầm thần. Khi tiếp xúc trực tiếp với các đại gia và nghe các bác sĩ, người nhà bệnh nhân kể về những hoàn cảnh, lý do mà họ phải nhập viện điều trị, chúng tôi cũng cảm thấy não nề thay. Vì cuộc sống, vì giấc mộng làm giàu, nhiều người đã đầu tư hết gia sản vào chứng khoán, địa ốc, cho vay nặng lãi… Nhưng chưa kịp nhìn thấy tiền đầu tư nảy nở thì các đại gia đã “ngã ngựa”…
Theo lời kể của các bác sĩ, thời điểm mà các đại gia phải vào viện điều trị nhiều nhất chính là thời điểm thị trường chứng khoán rơi xuống đáy (đầu năm 2011). Chứng khoán liên tiếp mất điểm, nhiều người thua lỗ đi vay nặng lãi để gỡ gạc tiền vốn đã đầu tư. Kết cục, càng gỡ càng thua đau. Phá sản, nhiều đại gia đã trắng tay trong chớp mắt và họ phải “gõ cửa” bệnh viện tâm thần vì rơi vào trạng thái mất kiểm soát bản thân.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng T4, viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, nhiều đại gia phải vào bệnh viện tâm thần do khủng khoảng tâm lý, chủ yếu là do kinh doanh thua lỗ, vay nợ chồng chất.
Trước đó, trong một lần ghé vào Bệnh viện Tâm thần quốc gia tìm hiểu đề tài về những người điên, tôi đã được nghe các bác sĩ kể về trường hợp Nguyễn Văn Lanh, 35 tuổi (nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội) mới nhập viện vì thua lỗ chứng khoán. Khi ấy, tôi đã biết tiếng Lanh là một đại gia trẻ, kiếm tiền từ chứng khoán dễ như trở bàn tay. Vận đỏ, năm 2010, Lanh kiếm tiền từ chứng khoán “vào như nước”. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày ngang. Lần này quay trở lại bệnh viện, tôi lại gặp Lanh sau đợt điều trị cuối cùng kết thúc chuỗi ngày bị khủng hoảng tâm lý vì “đốt” hết gia sản vào chứng khoán.
Được biết, vì cú sốc thua lỗ chứng khoán, Lanh đã hai lần phải nhập viện điều trị, mỗi đợt 4 tháng ròng. Đợt đầu tiên Lanh nhập viện là tháng 6/2011 và đợt 2 là từ tháng 2/2012.
Lanh là con trai út của một gia đình có tiềm lực kinh tế. Bố mẹ Lanh kinh doanh chuỗi khách sạn ở Hà Nội. Hai chị gái của Lanh đều là doanh nhân đang làm việc tại Nga. Hàng năm, hai chị gái đều gửi tiền về cho Lanh lấy vốn làm ăn. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, vốn có máu đại gia - tiền tiêu không phải nghĩ, vốn làm ăn của Lanh đều do mẹ và các chị gái “tiền hô, hậu ủng”. Là con trai duy nhất trong nhà nên Lanh được mọi người tạo mọi điều kiện có thể để làm ăn, kinh doanh. Chỉ cần Lanh nói cần tiền làm ăn là trong nháy mắt Lanh đã được mẹ đưa cho cả chục tỷ.
Năm 2007, Lanh mạnh dạn đầu tư vào thị trường chứng khoán và thu lời lớn. Thấy vậy, các chị ở bên Nga liên tiếp gửi tiền về hùn vốn. Họ hàng cũng cầm cố nhà để nhờ Lanh biến hóa “tiền đẻ ra tiền”. Năm 2008, Lanh lời ra hơn 20 tỉ đồng. Năm tiếp theo, số tiền Lanh kiếm được từ chứng khoán tăng theo cấp số nhân. Điền sản mà anh ta mua từ tiền lãi chứng khoán vô số. Lanh thay ô tô như thay áo. Khi ma lực đồng tiền làm mờ mắt, Lanh dồn hết vốn liếng vào chứng khoán mong đánh “mẻ cá lớn”. Nhưng khi giá cổ phiếu đồng loạt sụt giảm, Lanh đã không kịp bán hết, tiền cứ thế bay hơi từng ngày.
Đầu năm 2011, thị trường chứng khoán rơi xuống đáy, Lanh đã mất trắng hơn 120 tỷ đồng. 3 mảnh đất mà mẹ Lanh tích cóp mua được cũng phải bán đi để Lanh hoàn tiền lại cho những người tin cậy đã hùn vốn.
Trước áp lực nợ nần chồng chất, Lanh luôn sống trong trạng thái hoảng loạn cao độ và gia đình phải đưa anh Lanh vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai). Sau 2 đợt điều trị tích cực, Lanh đã trở lại trạng thái cân bằng tâm lý.
Theo bác sĩ Dũng, không ít đại gia phải nhập viện vì chứng khoán. Họ đã sử dụng toàn bộ tiền mặt, giấy tờ, sổ đỏ đang sở hữu để đánh cược vào chứng khoán. Khi thị trường vỡ, họ mất ít nhất vài chục tỷ đồng và đẩy gia đình vào cảnh thê thảm. Điều đáng nói, có nhiều trường hợp vì chạy theo chứng khoán mang cầm cố hết tài sản để lấy tiền cho vay nặng lãi. Khi chứng khoán xanh đèn, họ tăng lãi theo ngày, nhưng lúc chứng khoán tụt dốc, tiền lãi cũng hụt hơi theo phút, giây. Thế mới có chuyện, nhiều đại gia phải trả lãi hàng tỷ đồng mỗi ngày và từ từ “chết”.
Cả vợ lẫn chồng đều tâm thần
Theo lời kể của BS. Dũng, không chỉ trường hợp của Lanh phải nhập viện tâm thần. Nhiều người vì “đốt” tiền vào chứng khoán, nợ nần chồng chất, không lối thoát đã tìm đến cái chết để “trốn thoát”. Khi tự tử bất thành, họ rơi vào trạng thái mất kiểm soát tâm lý, luôn sống với nỗi sợ hãi mang tên phá sản, nợ nần và phải nhập viện điều trị.
Cũng theo bác sĩ Dũng, trong quá trình điều trị cho các đại gia, đáng tiếc nhất là một cặp vợ chồng thành đạt ở Hà Nội cũng vì chứng khoán mà cả hai đều phát bệnh tâm thần. Hai vợ chồng kinh doanh địa ốc cả hai có trong tay khá nhiều đất đai. Thời điểm thị trường chứng khoán liên tiếp ăn điểm, cặp vợ chồng này bàn nhau bán đất, vay thêm tiền để buôn cổ phiếu. Lãi đâu chưa thấy, chứng khoán tụt dốc, cặp vợ chồng trẻ nợ ngân hàng gần 200 tỷ đồng, chưa kể tiền nợ họ hàng. Gia sản mà họ có cũng chỉ đủ trả 1/3 số nợ. Quá áp lực, đầu lúc nào cũng quay cuồng lo tiền. Kết cục người vợ phải nhập viện Sức khoẻ Tâm thân quốc gia điều trị. Người chồng cũng phải điều trị ở một bệnh viện tâm thần khác ở Thường Tín.
Bác sĩ Dũng, cho biết: “Sau hàng loạt những vụ vỡ nợ chứng khoán, có không ít người bị rối loạn tâm thần. Tuy vậy, chỉ khi bị quá nặng gia đình mới nghĩ đến việc đưa họ vào viện, như thế là quá muộn để chữa trị”.
Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, sang chấn tâm thần có thể xảy ra khi bị mất tiền của đột ngột, căng thẳng trước mùa thi, lạm dụng thuốc, mất việc. Cuộc sống căng thẳng cũng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn tâm lí. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội quay trở lại cuộc sống bình thường dễ dàng hơn cũng như người nhà có cách để chăm sóc. BS. Dũng cho biết: “Các dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần: Rối loạn giấc ngủ, đau tức ngực, khó thở, đau mỏi người. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân. Nếu thấy người thân có những biểu hiện rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ, người nhà nên đưa người thân đến các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để được điều trị bằng nhiều phương pháp như dùng thuốc, tâm lý và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí...”.
BS. Dũng khuyến cáo, với người càng trẻ thì bệnh càng có nguy cơ nặng hơn vì họ chưa có kinh nghiệm sống, chưa đáp ứng với thời cuộc, dễ tổn thương thần kinh dẫn tới mất ngủ, tâm thần. Họ bị rối loạn tâm thần cấp - sang chấn tâm lý cấp diễn ra trong khoảng thời gian từ 24h đến 72h với những triệu chứng kéo dài trong 2 tuần.
Tự tử để... trốn nợ
Theo bác sĩ Dũng cho biết, đã có một phụ nữ tự tử vì chứng khoán. Trước đó, chị này đã được gia đình đưa đến viện để xin tư vấn và điều trị. Quá trình điều trị tại viện, các bác sĩ đã kiểm soát được tình trạng bệnh, nhưng sau khi bệnh nhân về nhà, nhiều người đến đòi nợ, chị này lại tái phát bệnh. Người phụ nữ này chuyên buôn bán bất động sản, có rất nhiều nhà đất, chung cư, quán café. Chị “nhảy” vào chứng khoán khoảng 3 năm. Sau khi phá sản, chị luôn sống trong sự hoảng loạn. Để trốn chạy thực tế, chị lao xuống sông Đuống tự vẫn. Khi kiểm tra vật dụng, người ta thấy trong cốp xe của chị vẫn còn 90 triệu đồng tiền mặt và một lá thư tuyệt mệnh.
(Theo Nguoiduatin)
Bình luận