Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, hai vợ chồng đều không biết uống rượu bia hay hút thuốc lá, nhưng sau khi làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh, bác sĩ phát hiện họ mắc ung thư gan.
Hai vợ chồng không có tiền sử viêm gan, từ nhỏ tới lớn đều rất khỏe mạnh, thậm chí không mấy khi ốm vặt. Ngay cả khi mắc COVID-19, cả hai cũng không có triệu chứng rõ ràng, không ghi nhận di chứng hậu COVID-19.
Hai tháng trước, người chồng thấy cơ thể nhanh mệt, còn người vợ sút cân dù ăn uống không thay đổi. Hai ngày trước khi vào viện, anh đau tức nhiều vùng bụng phải nên quyết định đi khám, siêu âm thấy có khối u 6cm ở trong gan, nghi ngờ u ác.
Nhìn biểu hiện của người vợ cũng có một số bất thường như môi thâm, củng mạc mắt ánh vàng, da khô, bác sĩ khuyên chị nên kiểm tra. Kết quả người vợ cũng có khối u trong gan, thậm chí còn to hơn cả chồng, khối u đã chèn ép vào đường mật gây giãn đường mật.
Qua trao đổi, bác sĩ thấy hai vợ chồng có thói quen ăn uống tiết kiệm nhưng lại vô cùng độc hại cho sức khỏe. Họ làm nghề bán trái cây, vào ngày ít khách, trái cây để lâu dễ giập nát, nấm mốc, hỏng, vứt đi thì tiếc nên họ thường lọc bỏ đi phần này. Phần còn lại hai vợ chồng mang để trong tủ lạnh ăn dần ,vừa tiết kiệm lại không lãng phí hoa quả.
Bên cạnh đó, khi ngồi bán hàng, cả hai thường cắn hạt hướng dương, hạt bí, nhiều khi còn để trong hộp không đóng nắp, ăn từ ngày này qua ngày khác.
Theo bác sĩ Nam, những việc làm trên có thể là căn nguyên gây bệnh của cặp vợ chồng trẻ. Chất aflatoxin được sản sinh chính từ hoa quả hư hỏng, hạt mốc kia đã xâm nhập vào từng tế bào gan, gây tổn thương nghiêm trọng tế bào gan.
“Chất này có độc tính cao, chỉ cần hấp thụ 1mg thì sẽ gây nên ung thư. Nếu hấp thụ 20mg trong một lần thậm chí còn khiến người bệnh tử vong lập tức. Chất aflatoxin này là nguyên nhân của 5-15% các trường hợp ung thư, nhất là aflatoxin B1”, bác sĩ Nam nói.
Chất aflatoxin sau khi ngấm vào cơ thể, kết hợp với enzym trong gan gây biến đổi tế bào gan và hình thành khối u. Các thực phẩm bị mốc rất hay có loại chất độc này như gạo mốc, lạc mốc, hạt hướng dương mốc, bánh mì mốc, hạt đắng lên men, nấm ngâm nước quá lâu...
Thậm chí ngay cả nắp chai đựng gia vị lâu ngày bị mốc, thớt gỗ không được rửa sạch, để khô, các dụng cụ ăn uống bằng gỗ (đũa, thìa, bát, cốc…) cũng bị nấm mốc.
Theo bác sĩ Hà Hải Nam, những nhóm người nguy cơ cao cần tầm soát K gan gồm người mắc bệnh về gan, người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan, những người béo phì, tiểu đường, người uống nhiều đồ uống có cồn, người có thói quen ăn thực phẩm nấm mốc, hay ăn thịt tươi sống nhiễm sán, người lạm dụng thuốc, hoá chất gây tổn thương gan và người sử dụng chất kích thích.
Bình luận