Sợi dây Việt Nam - Côtes d’Armor (Pháp)
Hè 2019, ông bà Normand Marie và Philippe, là vợ chồng giáo viên Pháp về hưu, đồng thời là 2 trong số 12 người thành lập nên Hội hữu nghị Côtes d’Armor Việt Nam, trở về thăm lại thành phố Vinh (Nghệ An) và tiếp tục công việc thầm lặng suốt 25 năm cống hiến cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Pháp.
Như những lần trước, gần một tuần ở Vinh, ông bà Normand Marie và Philippe dành phần lớn thời gian trò chuyện, lắng nghe, giải đáp những thắc mắc về cuộc sống, cơ hội học tập ở Pháp cho các em học sinh theo học chương trình tiếng Pháp; trao đổi công việc với các tình nguyện viên người Pháp đang làm việc ở Nghệ An, Hà Tĩnh; gặp gỡ những người bạn cũ.
Nhớ lại cơ duyên đưa ông bà Normand cùng các thành viên khác trong hội Côtes d’Armor Việt Nam gắn bó với mảnh đất Nghệ Tĩnh, ông Philippe cười cho hay, ông bà nghe kể về Việt Nam, về Nghệ Tĩnh từ người bạn Loic Rene Vilbert đồng thời là Chủ tịch đầu tiên của Hội Côtes d’Armor Việt Nam vào năm 1991.
“Vào năm 1992, vợ chồng tôi quyết định đi du lịch Việt Nam và có dừng chân ở Nghệ Tĩnh (sau này tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Chúng tôi rất ngạc nhiên về phong trào học tiếng Pháp tại đây. Có rất nhiều thầy cô giáo, học sinh nói tiếng Pháp dù điều kiện học tập tiếng Pháp ở thành phố này lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn so với các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn”, ông Philippe nhớ lại.
Ấn tượng về tinh thần hiếu học, lòng nhiệt thành của con người xứ Nghệ, khi quay trở về Pháp, vợ chồng ông bà Normand, ông Loic Rene Vilbert cùng 8 người nữa quyết định thành lập Hội Côtes d’Armor Việt Nam với mục đích tập hợp những người yêu mến mảnh đất Việt Nam.
Từ đây họ tích cực xây dựng các hoạt động hợp tác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, văn hóa giữa Pháp và Việt Nam mà cụ thể hơn là giữa tỉnh Côtes d’Armor và Nghệ Tĩnh (sau này là Nghệ An và Hà Tĩnh).
Những ý tưởng hợp tác đầu tiên được 12 thành viên lên kế hoạch vào năm 1993, với địa điểm triển khai cụ thể ở Nghệ Tĩnh. Năm 1994, hội chính thức được thành lập và đi vào hoạt động nhằm giúp đỡ cho một trong những mảnh đất nghèo nhất song lại có rất nhiều con người chăm chỉ với ý chí, nghị lực học tập.
Giai đoạn đầu tiên, ông bà Normand cùng các thành viên trong hội đưa rất nhiều trang thiết bị, xây dựng thư viện sách truyện, băng hình tiếng Pháp sang phục vụ việc học tập cho giáo viên, học sinh ở Nghệ An. Hướng đến việc gia tăng tình cảm, giao lưu văn hóa, các thành viên của Hội Côtes d’Armor Việt Nam tổ chức 6 lần đưa các em học sinh tỉnh Côtes d’Armor sang giao lưu với các em học sinh Nghệ An.
Đồng thời, hội cũng nhiều lần đưa các đoàn học sinh của Nghệ An có thành tích học tập tốt sang giao lưu, trải nghiệm văn hóa tại các gia đình Pháp ở Côtes d’Armor; cung cấp nhiều suất học bổng theo quý cho các em học sinh học tiếng Pháp có hoàn cảnh khó khăn của Nghệ An.
Sau này, song song các hoạt động về giáo dục, hội còn giúp đỡ phát triển kinh tế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Nghệ An, các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện ở Hà Tĩnh.
Việt Nam mãi là quê hương thứ hai
25 năm gắn bó với công việc giúp đỡ Nghệ An với gần 20 chuyến bay qua lại giữa Pháp và Việt Nam, ông bà Normand có tình cảm sâu đậm, gắn bó với mảnh đất, con người xứ Nghệ.
“Trong trái tim chúng tôi, Việt Nam là quê hương thứ hai, là ngôi nhà thứ hai với những người bạn thân thiết, đáng mến. Lúc mới bắt đầu, chúng tôi gặp gỡ, kết bạn những giáo viên dạy tiếng Pháp rất trẻ, chưa có gia đình, rất nhiệt huyết với công việc.
Thời gian trôi đi, họ kết hôn, có con, những đứa trẻ lớn lên nhưng tình yêu với tiếng Pháp trong họ không hề thay đổi. Hàng ngày, họ dạy học, truyền tình yêu tiếng Pháp đến các thế hệ học sinh tiếp theo. Đây là động lực giúp chúng tôi tiếp tục công việc của mình ”, bà Marie tâm sự.
Dù nhiều năm trôi qua, bà Marie vẫn không thể quên được những tình cảm nồng hậu mà các học sinh, giáo viên tiếng Pháp dành cho bà. Từ những màn nhảy múa của hàng trăm em học sinh trong buổi đón tiếp các thành viên của hội cho đến chiếc vòng cổ đặc biệt do một em học sinh bất ngờ dành tặng bà cách đây 25 năm, luôn được bà mang theo bên người.
“Chúng tôi muốn lan tỏa phong trào học tiếng Pháp, tạo thêm cơ hội để các em học sinh tiếp cận gần hơn với nền giáo dục Pháp tại các trường đại học”, ông Philippe cho hay.
Nhìn lại 25 gắn bó với công việc tình nguyện, ông bà Normand cảm thấy rất hài lòng vì những gì hội xây dựng, đóng góp được cho cộng đồng người yêu thích tiếng Pháp, cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Côtes d’Armor - Nghệ An nói riêng và cho mối quan hệ Pháp - Việt nói chung.
Theo ông Philippe, khó khăn lớn nhất của hội là kinh phí. Để có tiền tổ chức, duy trì các hoạt động tình nguyện ở Việt Nam, cụ thể là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, ngoài 31% kinh phí đến từ chính quyền thành phố, thì phần còn lại là do các thành viên hội Côtes d’Armor Việt Nam cùng các em học sinh tự gây quỹ bằng cách làm các bưu thiếp, quà tặng...
Một trở ngại nữa mà các thành viên gặp phải chính là không biết Tiếng Việt. Do đó không tránh khỏi những lần bất đồng ngôn ngữ giữa các thành viên của hội với người dân địa phương. Ngoài ra, sức khỏe cũng là một rào cản với những hoạt động thiện nguyện của ông bà tại Nghệ An.
“Chúng tôi đã có tuổi, không còn trẻ khỏe để đi lại, gặp gỡ nói chuyện với nhiều người như trước đây. Thời tiết ở Nghệ An lại nắng nóng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn gắn bó với các hoạt động của hội cho đến khi không thể làm nữa”, ông Philippe tâm sự.
Bình luận