• Zalo

VNREDSAT-1 chính thức được bàn giao cho Việt Nam

Kinh tếThứ Năm, 05/09/2013 11:35:00 +07:00Google News

Công ty EADS Astrium chính thức bàn giao vệ tinh VNREDSAT-1 cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Công ty EADS Astrium chính thức bàn giao vệ tinh VNREDSAT-1 cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ngày 4/9 vừa qua, Công ty EADS Astrium đã tổ chức bàn giao vệ tinh VNREDSAT-1 cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tới dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ngài Jean - Noel PIRIER, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.

VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 65 tỉ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau 3 tháng phóng thành công lên quĩ đạo, vệ tinh đã hoạt động ổn định, các tính năng và thông số kĩ thuật đều đạt yêu cầu.

VNREDSAT
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chứng kiến lễ ký kết bàn giao hệ thống vệ tinh VNREDSAT-1. 
VNREDSAT-1 đã chụp, truyền về, thu nhận, xử lý được 7.799 ảnh, trong đó, số ảnh chụp trên lãnh thổ Việt Nam là 735, phục vụ chủ yếu mục đích căn chỉnh cũng như đánh giá hiệu năng của hệ thống. Tới nay, các kĩ sư của Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn việc vận hành hệ thống vệ tinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc phóng thành công vệ tinh VNREDSAT-1 là sự kiện khoa học công nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam, tiếp nối sau thành công của các dự án vệ tinh viễn thông Vinasat 1 và Vinasat 2.

Thành công của dự án có ý nghĩa chính trị về kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người nói riêng.

VNREDSAT-1 cũng là điểm mốc quan trọng trong lộ trình thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, khẳng định thành công bước đầu của Việt Nam trong việc tiếp thu, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ.

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn