1.000 điểm là mốc quan trọng mà chỉ số VN-Index hướng tới trong suốt thời gian dài. Tuần qua, vào phiên giao dịch 20/9, thị trường đã chinh phục thành công “thành trì” 1.000 điểm.
Blue-chips tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Thế nhưng, trong danh sách các cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua thiếu vắng cổ phiếu của các tập đoàn lớn, cổ phiếu công ty nhỏ hơn lại nổi sóng.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu ATG của Công ty Cổ phần An Trường An là mã có mức tăng mạnh nhất với mức tăng 34,7%. ATG có trọn vẹn một tuần tăng trần. Dù vậy, do thị giá quá thấp nên chốt tuần qua, ATG vẫn chỉ dừng ở mức 1.670 đồng/CP sau khi tăng 430 đồng/CP.
Sau 1 tuần, vốn hóa thị trường ATG chỉ có thêm 6,54 tỷ đồng. Là cổ đông lớn nhất tại ATG, ông Trương Đình Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty có thêm gần 530 triệu đồng. Bà Trần Thị Mai Xuân, cổ đông lớn thứ 2 và cũng là Thành viên Hội đồng quản trị ATG có thêm hơn 200 triệu đồng vào tài khoản.
Có 3 phiên tăng trần và 2 phiên tăng mạnh, trong tuần qua, cổ phiếu AGF của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang đứng thứ 2 trong danh sách các mã tăng nhiều nhất. Sau 5 phiên giao dịch, AGF có thêm 1.190 đồng/CP, tương ứng 30% lên 5.190 đồng/CP.
Với đà tăng này, AGF giúp vốn hóa thị trường thủy sản An Giang được “tặng” 33,5 tỷ đồng. Ông Trần Văn Đạt, cổ đông cá nhân lớn nhất tại AGF chứng kiến khối tài sản của mình tăng thêm 1,2 tỷ đồng.
Tuần qua, VMD của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex cũng có 3 phiên tăng trần. Tuy nhiên, do đứng giá 1 phiên và giảm sâu 1 phiên nên tính chung cả tuần, VMD chỉ tăng 4.300 đồng/CP, tương ứng 22,1% so với cuối tuần trước.
Vì vậy, VMD chỉ đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách các cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HOSE. Người được hưởng lợi lớn nhất từ đà tăng này của VMD là ông Lê Xuân Tùng, con trai bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VMD.
Chỉ sau 1 tuần giao dịch, tài khoản của ông Tùng “phình” thêm gần 5 tỷ đồng. Trong khi đó, các “Siêu đại gia” lại có tốc độ gia tăng tài sản kém hơn hẳn so với những “tiểu gia” kể trên.
Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có tốc độ tăng tài sản mạnh nhất khi cổ phiếu HPG tăng 1.800 đồng/CP, tương ứng 4,6% lên 41.300 đồng/CP.
Nhờ HPG, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Long tăng 962 tỷ đồng lên hơn 22.000 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Long vẫn vững vàng ở vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Công ty cổ phần Hàng không Vietjet khá may mắn khi tài sản suýt tăng trưởng âm. Chốt tuần, cổ phiếu VJC dừng ở mức 149.400 đồng/CP, tăng 400 đồng/CP so với cuối tuần trước. Nhờ vậy, giá trị cố phiếu VJC thuộc sở hữu của bà Thảo có thêm gần 56 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM cũng chỉ nhúc nhích rất nhẹ. Sau 5 phiên giao dịch, HDB chỉ tăng 250 đồng/CP, tương ứng 0,6%. Vì vậy, giá trị cổ phiếu HDB thuộc sở hữu của bà Thảo chỉ “rón rén” nhận thêm 9 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng tuần qua, các cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros lại gần như đứng im.
Sau 1 tuần giao dịch, cổ phiếu ROS không thay đổi ở mức giá 40.000 đồng/CP. Cổ phiếu FLC biến động rất chậm xuống chỉ còn 6.040 đồng/CP. Vì vậy, giá trị cổ phiếu FLC thuộc sở hữu của ông Quyết cũng ít thay đổi.
Có thể thấy, tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận dấu mốc mới. Đó là chỉ số VN-Index tìm lại mốc quan trọng 1.000 điểm. Thế nhưng, các con số trên cho thấy cổ phiếu của các công ty, tập đoàn nhỏ lại nóng hơn nhiều so với cổ phiếu các tập đoàn lớn.
Video: Ba tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt 2017 là ai?
Bình luận