Theo thống kê mới nhất từ Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital), tháng 5/2022, dòng tiền đầu tư trong nước đang chịu ảnh hưởng ngắn hạn của việc siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp và kiểm soát dòng tiền đầu cơ bất động sản và chứng khoán. Tâm lý nhà đầu tư đồng thời chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu suy giảm do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thắt chặt tiền tệ, VN-Index đã giảm 23% chỉ sau 6 tuần.
TTCK Việt Nam lọt vào top 3 các thị trường có mức giảm điểm mạnh nhất trên toàn cầu trong năm 2022 chỉ sau Nga và Hungary. Nhóm chuyên gia của SGI Capital phân tích: Lần giảm mạnh này có sự khác biệt là kinh tế Việt Nam đang có nền tảng cân đối vĩ mô vững vàng nhất trong 15 năm qua với áp lực lạm phát, tỷ giá, và lãi suất không quá lớn và trong tầm kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ phục hồi hậu COVID với đà tăng trưởng lợi nhuận 1-3 năm tới rất mạnh mẽ. Do vậy, những lý do để bán tháo cổ phiếu về mức rất rẻ lần này không tới từ những yếu tố nội tại của doanh nghiệp.
Theo SGI Capital, trong một nền kinh tế đang đi lên mạnh mẽ như Việt Nam, TTCK đang là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp ưu tú nhất các ngành với hiệu quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng vượt trội. Chỉ số VN-Index và những cổ phiếu xuất sắc sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên trong dài hạn với tốc độ trung bình 10 - 20%/năm.
“Tuy vậy, luôn có những sự kiện, tin tức chi phối tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền vào ra tạo ra sự biến động ngắn hạn đôi khi rất cực đoan và quá đà của thị trường. Chúng ta đang ở trong một thời điểm như vậy, đặc biệt là khi 2 năm COVID đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư cá nhân mới vào thị trường với ít kinh nghiệm và kiến thức đầu tư. Đợt bán tháo của thị trường lần này có thể coi là dấu chấm hết của kỷ nguyên tiền rẻ và dễ dãi; đồng thời mở ra sự khởi đầu cho một chu kỳ mới, đi lên bền vững hơn dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế thực và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp”, báo cáo SGI Capital nêu.
Theo ý kiến của một số chuyên gia chứng khoán, đợt chứng khoán giảm liên tục thời gian qua khiến rất nhiều tài khoản nhà đầu tư đã giảm rất mạnh và mất đi toàn bộ lãi và cả một phần tiền gốc trong 2 năm tăng 2020 - 2021. Nhiều nhà đầu tư đang rơi vào tâm lý hoảng loạn và bán tháo tài khoản bằng mọi giá, trong đó có cả những cổ phiếu rất tốt và rẻ. “Sự hoảng loạn và bán tháo của thị trường đang một lần nữa mang lại cơ hội đầu tư tốt nhất kể từ đáy COVID 3/2020. Nếu có tiền nhàn rỗi, đây là thời điểm phù hợp để chúng ta gia tăng tỷ trọng đầu tư. Nếu đang cầm một danh mục đã giảm giá mạnh, việc nên làm là cơ cấu lại tập trung vào những cổ phiếu hấp dẫn nhất và kiên nhẫn chờ đợi thành quả”, đại diện SGI Capital cho biết.
Để thành công lâu dài và hạn chế các tổn thất lớn trên TTCK đầy biến động này, theo SGI Capital, cần tránh làm hai việc là FOMO (tâm lý sợ mất cơ hội) mua vào khi thị trường và cổ phiếu đã tăng nóng và bán ra cắt lỗ khi danh mục cổ phiếu tốt đã giảm giá rất mạnh về định giá rất rẻ như hiện tại. Còn lại, một danh mục cổ phiếu tốt và rẻ sẽ tự gia tăng giá trị theo thời gian và mang lại lợi nhuận xứng đáng.
Trong 10 năm qua, TTCK Việt Nam đã có 3 lần sụt giảm mạnh đưa định giá P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) về mức rất rẻ. Lần 1 vào cuối năm 2012 với tâm điểm là cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng, nợ xấu lên tới 17%, lãi suất tiền gửi tăng lên 14%/năm, thị trường bất động sản giảm mạnh và mất thanh khoản. Doanh nghiệp của hầu hết mọi ngành nghề chịu ảnh hưởng nghiêm trọng; lần 2 vào đầu năm 2016, dưới áp lực FED tăng lãi suất và ngừng QE (các gói kích thích kinh tế), tiền rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, trong khi đồng Nhân dân tệ giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh gây áp lực lớn lên tỷ giá VND và nền kinh tế Việt Nam. VN-Index giảm 18%.
Lần 3 vào 3/2020 do đại dịch COVID lan rộng gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. VN-Index giảm 34%. Các chuyên gia của SGI Capital cho rằng: Những lần suy giảm lớn này đều đưa định giá P/E của VN-Index về dưới 12.x và mở ra cơ hội đầu tư rất tốt sau đó với mức tăng 35 - 80% sau 1 năm.
Trước những biến động giảm rất mạnh trên TTCK trong những phiên giao dịch gần đây, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng với Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam (VNX) đã chủ trì tổ chức buổi họp với Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán (CTCK) thành viên Top đầu thị trường về vốn, thị phần môi giới chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình TTCK và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại TTCK.
Theo đó, UBCKNN sẽ giao VNX chỉ đạo HNX và HOSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 - 10 phiên. “Trước mắt, Ủy ban yêu cầu VNX chỉ đạo HoSE và HNX công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Thời gian tới, UBCKNN sẽ trình Bộ để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK”, đại diện lãnh đạo UBCKNN thông tin.
Để hạn chế khả năng tác động giá từ TTCK phái sinh lên TTCK cơ sở, UBCKNN đã chấp thuận cho VSD ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây. “Việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp nêu trên sẽ được VSD áp dụng sau khi Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc theo quy định hiện hành”, lãnh đạo UBCKNN cho biết.
Bình luận