• Zalo

Virus cúm A/H1N1 tái xuất kèm nhiều virus gây bệnh khác

Sức khỏeThứ Tư, 19/01/2011 06:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 thường đồng nhiễm với các vi khuẩn gây bệnh khác như phế cầu, liên cầu, não mô cầu, làm bệnh nặng lên.

(VTC News) – Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 thường đồng nhiễm với các vi khuẩn gây bệnh khác như phế cầu, liên cầu, não mô cầu, làm bệnh nặng lên và tăng nguy cơ tử vong.

Cúm đại dịch bắt đầu hoành hành?

Ngày 18/1, ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác nhận, BV hiện đang điều trị 1 bệnh nhân nữ 24 tuổi, ở quận Đống Đa (Hà Nội) bị nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh nhân đang có thai 30 tuần tuổi. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang dần ổn định, chưa có biểu hiện viêm phổi cấp. Đây là bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm A/H1N1 ở Hà Nội trong năm 2011. Theo ThS Hà, ngay sau khi phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 này, BV đã thông báo đến Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội để tiến hành cách ly, đồng thời theo dõi sức khỏe đối với những người trong gia đình từng tiếp xúc với bệnh nhân.

Tính từ tháng 10/2010 đến nay, Việt Nam có 39 ca mắc cúm A/H1N1 

Tại Việt Nam, theo kết quả từ hệ thống giám sát cúm trọng điểm Quốc gia, từ tháng 10/2010 đến nay ghi nhận 39 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1 đại dịch rải rác tại các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, TPHCM, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Nam Định, Hà Nội. Trong 02 tuần đầu năm 2011, nước ta đã ghi nhận 03 trường hợp nhiễm cúm xét nghiệm  dương tính với A/H1N1đại dịch tại 03 tỉnh, thành phố là Long An, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đặc biệt, có một số ca nhiễm cúm A/H1N1 từ Malaysia về.

Báo cáo kết quả từ hệ thống giám sát cúm trọng điểm Quốc gia trong tuần 52 từ ngày 27/12/2010 đến ngày 02/01/2011 cũng cho thấy, trong 52 mẫu xét nghiệm hội chứng cúm; cúm A/H1N1đại dịch chiếm 30,8% các trường hợp mắc cúm.

TS.Trần Thanh Dương, Phó cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H1N1đại dịch tiếp tục ghi nhận rải rác ở một số nước thuộc khu vực Châu Âu và Châu Á như Anh, Ireland, Đan Mạch, Trung Quốc, Hàn Quốc và đang có chiều hướng gia tăng. Theo thông tin của Trung tâm phòng chống bệnh dịch Châu Âu (ECDC), từ tháng 10/2010 tới nay tại 07 Quốc gia Châu Âu đã ghi nhận 1.148 nhiễm cúm trong đó đã có 35 trường hợp tử vong (trong đó tại Anh là 05 trường hợp) và phần lớn các trường hợp nhiễm cúm là do phân týp virus cúm A/H1N1đại dịch. Đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay các ca bệnh cúm A/H1N1 đại dịch đã xuất hiện và gia tăng tại 28 nước châu Âu.

Chủng chưa biết đổi song thường đồng nhiễm nhiều bệnh lý nguy hiểm khác

Trả lời câu hỏi về diễn biến dịch cúm A/H1N1 ở nước ta và sự biến chủng của chúng, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ cuối tháng 11/2010 đến nay, sự lưu hành trở lại của chủng virus cúm A/H1N1 đại dịch có dấu hiệu gia tăng ở một số tỉnh, thành phố như TPHCMM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Hà Nội. Tuy nhiên, đa số các ca nhiễm cúm là ở thể nhẹ, không phải nhập viện. Kết quả phân tích cho thấy, các chủng virus cúm A/H1N1 đại dịch ở Việt Nam có độ tương đồng cao với các chủng cúm A/H1N1 đại dịch hiện đang lưu hành trên thế giới. Các virus lưu hành hiện nay chưa có sự biến đổi đáng kể.

Một số nước ở châu Âu và Trung Đông, đặc biệt là ở Anh, số ca bệnh nhân nặng và tử vong tăng lên và chủ yếu liên quan đến cúm A/H1N1đại dịch. Đa số bệnh nhân nặng và tử vong ở nhóm tuổi  15 đến 64 tuổi và 78% thuộc nhóm người đã mắc các bệnh mãn tính. Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, nhiễm cúm thường đồng nhiễm với các vi khuẩn gây bệnh khác như phế cầu, liên cầu, não mô cầu, làm bệnh nặng lên và tăng nguy cơ tử vong. Ở các nước ôn đới châu Á cũng báo cáo có sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

Chúng ta không thể có thường vì cúm A/H1N1 có thể tiếp tục gây bệnh nặng ở nhóm người trẻ tuổi, và nhóm người có nguy cơ cao (phụ nữ có thai, bệnh nhân mãn tính đường hô hấp, hen phế quản, tiểu đường....) Do đó, khi có các biểu hiện của hội chứng cúm, đặc biệt khi có khó thở, tím tái, ho có đờm đặc, ho ra máu, sốt cao trên 38,5 độ C và kéo dài 3 ngày, phản ứng chậm, li bì…  phải đến ngay cơ sở y tế để chăm sóc và điều trị kịp thời tránh diễn biến nặng và có thể tử vong. Hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm; hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh; hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng hoặc sát trùng bằng cồn; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao.

Nga Thúy

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.

Bình luận
vtcnews.vn