“Bảo tàng” đồ cổ giữa lòng Hà Nội
Hà Nội chớm hè. Những con đường, góc phố… và cả con người đất Tràng An đều có nét gì đó xưa cũ phảng phất trong cái nắng nhàn nhạt. Tìm gặp Vinh Tân Đảo tại quán café Xe cổ nổi tiếng trên phố Hàng Bún do chính gã làm chủ vào một ngày như thế này thật chẳng có gì hợp bằng.
Cách bài trí của Xe cổ quán khiến người ta liên tưởng tới căn phong khách của một gia đình quý tộc thời xưa đã phủ mờ bụi thời gian. Những chiếc quạt trần, quạt bàn hiệu Marelli của Ý với vành thép bảo hiểm đồ sộ màu đồng đã đen quánh lại. Rồi bộ sưu tập đồng hồ cổ, từ những chiếc đồng hồ quả quýt nhỏ xíu của các bậc vua chúa xưa cho đến những chiếc đồng hồ quả lắc cao quá đầu người được xuất hiện ở giữa thập niên hai mươi.
Nét độc đáo trong “Café xe cổ” là những bàn uống trà, café được làm bởi chân máy khâu hiệu Singer mà khách đến nếu không tinh mắt, không để ý hay không được chủ nhà giới thiệu thì ít người có thể nhận ra... Chiếc Solex thanh mảnh được gắn trên tường. Phía xa là chiếc điện thoại “không dây” nhưng vẫn ngày ngày thực hiện việc kết nối. Chiếc Vespa cổ Mod 150 cm3 từ những năm 1957 đứng lặng lẽ trong góc phòng. Nằm kế bên là chiếc máy hát hình hoa loa kèn chỉ thường xuất hiện trong những bộ phim cổ trang…
Còn vô số những món đồ cổ quý giá ở nhiều thập niên khác nhau như: chiếc I.J56 – “nữ hoàng” trong thế giới xe cổ, những bức tượng phật, chiếc bình gốm mốc meo sứt mẻ có niên đại hàng nghìn năm, mấy chiếc bàn là dùng than, bộ máy đánh chữ, những bức tranh cổ… cũng được trưng bày khéo léo và nghệ thuật khắp từ tầng 1 đến tầng 3 làm cho không gian càng trở nên hoài cổ.
Người ta vẫn ví quán “Café xe cổ” của gã chẳng khác nào một bảo tàng đồ cổ mini giữa lòng Hà Nội. Nó tựa một nốt trầm nhẹ nhàng, lắng đọng trong những bon chen, vội vã, xô bồ của đời sống thành thị, khiến tất cả những ai lần đầu tiên “lạc” vào đây đều phải… sững sờ.
Đó là chưa kể 1000 m2 đất ở làng Phủ Diễn được gã thiết kế chẳng khác nào một bảo tàng tư nhân để trưng bày bộ sưu tập hơn 30 những chiếc xe cổ hiếm khó tìm thấy ở thời buổi này như xe Trường Giang đời 1938-1941; chiếc motobecan sản xuất năm 1951 phanh bên trái, số bên phải; chiếc Volkswagen 1303 đời chót; hay chiếc BMW đời 1938 – 1941, 750 phân khối của Đức… Dân chơi xe cổ vẫn đồn thổi: rất có thể những chiếc xe đầu tiên có mặt ở Việt Nam đang nằm trong tay gã!
Thợ “săn” đồ cổ…
Dân tình ít khi gọi gã là Trần Quang Vinh, họ chỉ quen gọi Vinh Tân Đảo – cái tên gắn liền với xuất thân cũng như gốc gác đam mê đồ cổ của gã.
Sinh ra và lớn lên tại Tân Đảo (nước Pháp – thuộc địa New Caledonia), cha là thợ sửa cơ khí có tài do Pháp đào tạo và cũng là người có thú chơi đồ cổ, Vinh Tân Đảo sớm tiếp xúc để rồi đến với nghề cơ khí và đam mê đồ cổ như một mối duyên nợ từ thưở tóc còn để chỏm trái đào. Lên 5 tuổi, gã cùng bố mẹ hồi hương không quên mang theo những món đồ cổ mà hai cha con đã vất vả sưu tầm, gồm cả mấy chiếc xe máy “cá vàng”, xe Solex, ô tô Peugot 304, 404… chưa từng xuất hiện ở Việt Nam.
Năm 1981, sau khi giải ngũ, gã xin vào làm ở một xưởng may. Vốn thích mày mò sửa chữa cơ khí nên được một thời gian, gã xin ra ngoài tự mở cửa hàng sửa chữa máy khâu. “Thời ấy, ở Campuchia máy khâu nhiều lắm. Mình sang tận nơi mua về, phục hồi lại, rồi bán…”, gã nhớ lại. Thấy những chân máy khâu hiệu Singer có thiết kế đẹp, lạ, gã quyết định giữ lại chứ không bán nữa. Cứ có tiền trong túi là gã lại đi lùng mua. Đến bây giờ gã có đến hàng trăm chân máy khâu Singer. Dần dần gã sưu tập thêm cả đồng hồ, quạt… những vật dụng cũ không sử dụng được người ta vứt đi thì với gã lại trở thành những cổ vật vô giá.
Sở dĩ Vinh Tân Đảo có trong tay bộ sưu tập đồ cổ và xe cổ đồ sộ như vậy không chỉ vì gã chịu chơi mà còn vì gã có cách “săn” rất bài bản. Cuộc đời gã được lập trình bởi những chuyến đi “săn” đầy gian truân. Gã ra Bắc vào Nam, tới tận vùng nông thôn của nước Đức, nước Pháp… cùng ăn cùng ngủ với dân để truy lùng tung tích của món đồ nào đó quanh năm suốt tháng. Hễ nghe tin ở đâu có đồ cổ là gã lại lên đường đi săn. Đến mức bây giờ ở đâu có đồ cổ người ta cũng biết có thể liên lạc với gã theo cách nào đó để báo tin.
Thích nhiều đồ cổ nhưng Vinh Tân Đảo thú nhận, đam mê lớn nhất của gã vẫn là những chiếc xe cổ. Gã bỏ công sức đi tìm lại từng Việt Kiều về nước những năm 50 trong danh sách của bố để mua lại những chiếc xe họ mang về. Rồi sang tận Trung Quốc, Lào, Campuchia… để tìm xe. Có những lần đi thành công, nhưng cũng có chuyến về tay trắng, thậm chí bị lừa. Nhưng bù lại, đến bây giờ trong tay gã có những chiếc xe cổ mà trên thế giới cũng được xếp vào hàng hiếm.
Có thể nói Vinh Tân Đảo là một trong những người đầu tiên khởi xướng và phát triển thú chơi đồ cổ, xe cổ ở Việt Nam. Gã kể những ngày đầu nó là thú chơi chẳng hề tốn kém gì, mua một chiếc quạt cũ, đồng hồ cũ hay xe cũ ở cửa hàng đồng nát chỉ bằng đúng giá người ta cân sắt vụn. Về sau nhiều người đam mê giống gã, tìm “xe cũ” giống gã, rồi báo chí nói nhiều, phong trào chơi đồ cổ lên cao, thế là xe cổ, đồ cổ cứ thế tăng giá vùn vụt, khan hiếm và đắt đỏ.
Mặc dù sở hữu nhiều vật dụng cổ rất “được” giá, nhưng chưa bao giờ gã có ý định sang tên, nhượng lại, hay bán lại các vật dụng để kiếm lời. Chỉ duy nhất một lần vì điều kiện khó khăn, Vinh Tân Đảo phải “gả” đứa “con cưng” AV89 sản xuất năm 1956 cho người khác. Để rồi sau đó, dù bận trăm công nghìn việc nhưng gã không thể nào nguôi ngoai nhớ đến chiếc xe. Phải mất 14 năm dò hỏi liên tục, Vinh Tân Đảo mới tìm thấy và chuộc lại đứa con cưng của mình về với gia đình.
Ðồ cổ - thú chơi cầu kì…
Ông chủ “Café xe cổ” khẳng định: chơi đồ cổ, sưu tập đồ cổ là một thú chơi cầu kì, một hành trình gian khó. Không phải đồ cũ nào cũng đáng trở thành đồ cổ để lưu giữ. Ngoài việc những vật dụng đó phải được sản xuất trước năm 1960 mới được coi là cổ, dân chơi đồ cổ còn rất chú trọng tới đường nét thiết kế, thẩm mĩ của vật dụng… “Ví dụ những vật dụng của Nhật, Trung Quốc… cùng sản xuất vào thập niên 50 nhưng không có đường nét mỹ thuật, thẩm mĩ không lọt vào mắt mình thì mình không giữ. Hay chiếc xe máy sản xuất những năm 60 của Honda thì mình không thích, nhưng mình lại rất thích đường nét của chiếc Vespa cổ. Nói chung, thẩm mĩ thiết kế của Pháp, Đức, Ý… thường tinh tế, đẹp và dễ gây ấn tượng hơn”, Vinh Tân Đảo giải thích.
Ngoài ra, đồ cổ cũng là những vật dụng thể hiện một dấu mốc văn hóa hay đánh dấu một bước đột phá trong công nghệ, máy móc của giai đoạn lịch sử nào đó. Phải là người rất am hiểu mới có thể phân biệt được những chi tiết này. Ví dụ như với xe máy thì những dòng xe sản xuất trước năm 1940 không có giảm xóc sau. Xe sản xuất từ 1940 – 1960 giảm xóc lại ngắn. Xe sản xuất trước năm 1960 thì xi lanh tròn, sau này lại vuông….. Rồi thiết kế xe sản xuất trước những năm 60 thường rất mộc mạc, đơn giản, nhưng tinh tế…
Đa số dân chơi đồ cổ đều phải biết về cơ khí và biết phục chế lại vật dụng, hay nói cách khác là phải biết “mua rổ, dọn lại”. Tức là mua vật dụng đã mất hết hình dạng, tất cả trút vào rổ và về dọn lại.
Vinh Tân Đảo cho biết Hà Nội không có một cửa hàng nào chuyên sửa chữa đồ cổ hoặc xe cổ. Hơn nữa, thợ sửa cơ khí bây giờ nặng về thay thế. Đồ cổ lại không như vậy. Phải phục hồi, không có thay thế thì phải “chế” ra đồ y chang. Gã cho rằng, một vật dụng “cổ” và có giá trị phải là “cổ toàn tập”, nghĩa là nguyên bản. Khi đã thay thế một chi tiết nhỏ dù là chiếc ốc thôi cũng coi như mất giá trị. “Hơn nữa, cổ nhưng phải sử dụng được chứ cổ chỉ để trưng bày cho vui mắt thì cũng mất hết ý nghĩa”, gã hóm hỉnh.
Vinh Tân Đảo không chỉ mê đồ cổ mà còn là tay sửa và phục chế có hạng. Nhìn những chiếc quạt trần vẫn chạy đều đều, những chiếc bàn là vẫn hoạt động hay những chiếc xe cổ của Vinh Tân Đảo vẫn chạy băng băng trên đường, ít ai biết nó đã được gã “phục dựng” công phu như thế nào. Gã có hẳn một xưởng cơ khí lớn để sửa chữa, chế lại những vật dụng cổ. Lúc nào gã cũng luôn chân luôn tay, lúc thì chỉnh cái này, khi thi sửa cái khác. Mỗi tác phẩm được hoàn thành gã lại cảm thấy sung sướng như có một chất kích thích chạy dọc khắp các mạch máu trong cơ thể, khiến gã cảm thấy phấn chấn hơn, đam mê hơn.
Mặc dù có tay nghề, nhưng chính gã cũng phải thừa nhận không ít lần phải bó tay trước những “ca” khó, phải chuyển vào Sài Gòn không ít xe để “dọn” lại vì nó quá tỉ mẩn, đòi hỏi mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Chơi đồ cổ - không bao giờ là phù phiếm!
Khi được hỏi có thấy mình phù phiếm không vì cứ phải lùng sục đi mua “đồng nát” giá cao? Gã chỉ mỉm cười: “Nếu không có những người chơi đồ cổ thì những vật dụng này đều trở thành đồng nát giá rẻ hết. Tôi chỉ muốn mình giống như một “bảo tàng” mini lưu trữ những di vật cổ, những nét văn hóa cổ. Đó là những thứ mà nhiều khi có tiền cũng không thể có được hay mua được”.
Hơn nữa với gã, những vật dụng cổ này không chỉ trưng bày cho vui mắt mà còn có giá trị sử dụng. Hàng ngày gã vẫn dùng bàn là là quần áo, vẫn bật quạt trần thổi gió mát, vẫn chạy xe đều đều trên phố… Chiếc máy ảnh hiệu Kodak gã đang dùng được sản xuất từ năm 1920, dù đã trải qua hơn 8 thập kỉ nhưng khi lắp phim chuyên dụng gã vẫn bấm máy ngon lành. Cổ như bộ dàn JEAC mà giới thượng lưu dăm thập kỉ trước thường dùng, tìm mua về từng chiếc nút vặn, đến cần gạt tăng âm, monitor… gã “chế” lại thành dàn nghe nhạc “xịn”. Khách quý đến dù yêu cầu hoặc không, gã vẫn cứ bật lên để cùng thưởng thức… Hay như bộ máy quay đĩa Victor- Talking với chiếc loa bằng đồng như bông hoa loa kèn chĩa lên trời, bạn bè đến là gã lại hì hụi lấy ra cho chạy thử…
“Sử dụng một vật dụng cổ cảm giác đặc biệt lắm, giống như đang gặp một người bạn tri giao đồng điệu về mặt tâm hồn vậy vậy”, gã trầm ngâm. Một chiếc xe máy SH hiện đại, sử dụng điện bán dẫn, vòng của máy rất nhanh, nhưng một chiếc xe vespa cổ vòng tua má vít chạy rất chậm, chỉ 1300 đến 1800/ phút. Những tiếng nổ “bạch… bạch… bạch” khiến gã cảm thấy thư thái, cảm giác như chính nhịp đập trái tim của gã vậy, vừa đi vừa cảm nhận từng vòng quay của động cơ, từng hơi thở của mình. Rồi những nhịp lắc của đồng hồ quả lắc cổ cũng không ồn ào, những chiếc máy nghe nhạc cổ cũng chỉ chạy những điệu nhạc Jazz, nhạc chậm… Nó khiến người ta cảm thấy cuộc sống như đang chậm lại, nhấn nhá từng chút để cảm nhận.
Nhiều phim cổ như Miền đất hứa, người Mỹ trầm lặng cũng sử dụng quán café và những vật dụng cổ của hắn để làm bối cảnh….
Đến bây giờ, bộ sưu tập đồ cổ tiền tỉ của Vinh Tân Đảo là niềm mơ ước của tất cả những ai chơi đồ cổ. Nhưng có tiền tỉ cũng không thể mua được những vật báu mà gã đã dày công sưu tầm. Khách tới “Xe cổ quán” phần lớn là dân chơi đồ cổ. Họ bỏ ra cả ngày để tranh luận về niên đại, nguồn gốc của một vật vừa “săn” được. Có thể, sự trầm lắng và hoài cổ mà “Xe cổ quán” mang lại đã hình thành nên một nét văn hóa cổ giữa Hà Nội ngày càng xô bồ, vội vã và ồn ào…
H.H
Bình luận