Sáng 12/12, Hội đồng xét duyệt hồ sơ tổ chức họp, bình xét để chọn ra hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể có thành tích xuất sắc để vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cuối tháng 9/2023, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phát động chương trình truyền thông "Vai trò, giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi". Trong đó có chương trình "Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Sau gần 3 tháng phát động, ban tổ chức nhận được hơn 100 hồ sơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể. Các hồ sơ gửi đến tham dự lễ vinh danh đều được trình bày trang trọng, chi tiết và đáp ứng các tiêu chí đã đưa ra.
Với số lượng hồ sơ như trên cho thấy chương trình đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đối với lĩnh vực trồng, chăm sóc và phát triển cây dược liệu.
Tại buổi xét duyệt hồ sơ, 5 thành viên Hội đồng thẩm định đều là người uy tín, am hiểu và nhiều năm kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực y dược cổ truyền đã làm việc hết sức công tâm, trách nhiệm cao, đưa ra quyết định vinh danh hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể.
PGS.TS.BS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế - Chủ tịch hội đồng cho biết, với thời gian chuẩn bị nghiêm túc, thông tin khá đầy đủ đến các địa phương và ban tổ chức tiếp nhận được hơn 100 hồ sơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân gửi về.
Tuy nhiên theo tiêu chí và mục đích khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp và hợp tác xã tiêu biểu, đảm bảo về chất lượng, hội đồng đã lựa chọn được hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể để vinh danh.
PGS.TS Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, hội đồng rất ấn tượng với các hợp tác xã, hộ cá thể gửi hồ sơ để được vinh danh, bởi đây là đối tượng huy động về nguồn lực, kinh nghiệm và nguồn vốn để phát triển dược liệu.
Các hợp tác xã, hộ gia đình đều phải tự bỏ vốn để đầu tư, phát triển cây dược liệu. Điều này cho thấy, ngày càng khẳng định chủ trương của chúng ta rất đúng đắn, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Duy Thuần - nguyên Phó Giám đốc Học viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Y Dược Tuệ Tĩnh, lễ vinh danh là "cú hích" điển hình để kích thích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể phát triển các cây dược liệu quý. Đây cũng là dịp để cho cả nước biết đến tiềm năng của dược liệu Việt, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức vẫn còn đang lưỡng lự hoặc chưa tích cực sẽ đạt được những mục tiêu mới, nâng tầm dược liệu Việt.
Theo chương trình, ngày 21/12/2023 Lễ Vinh danh sẽ được diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lễ vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt" là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tại các vùng trồng dược liệu, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nhìn lại hành trình bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người Việt.
Chương trình nhằm vinh danh các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hộ gia đình, các doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, vận dụng và phát triển các bài thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền góp phần chăm sóc, điều trị và nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Bình luận