• Zalo

Vingroup kiếm 6.000 tỷ trong chớp mắt, Vinamilk lại thành ‘ông trùm’

Kinh tếThứ Hai, 11/04/2016 05:01:00 +07:00Google News

Thời của blue-chips đã đến khii Vingroup kiếm hơn 6.000 tỷ đồng trong chớp mắt và Vinamilk lại thành “ông trùm chứng khoán”.

(VTC News) – Thời của blue-chips đã đến khi Vingroup kiếm hơn 6.000 tỷ đồng trong chớp mắt và Vinamilk lại thành “ông trùm chứng khoán”.

Trong thời gian gần đây, các blue-chips tăng khá khiêm tốn. Đa số các mã tăng trần đều là cổ phiếu nhỏ. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng tư, các cổ phiếu đại gia bắt đầu “nổi sóng”. Trong đó nổi bật nhất là VIC của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup và VNM của Tổng công ty sữa Việt Nam – Vinamilk.

Vingroup kiếm hơn 6.000 tỷ

Trong đó, 11/4 là ngày đáng nhớ của VIC. Ngay từ đầu phiên, VIC tăng trần, tăng 3.200 đồng/CP và dừng ở mức 50.500 đồng/CP. Đây là phiên tăng trần đầu tiên của VIC kể từ phiên 7/7/2014.  Điều đó cho thấy VIC đang “nóng” như thế nào.

VIC tăng nhờ nhiều thông tin tích cực. Ngày 11/4, Vingroup thông báo đã hoàn tất phát hành cổ phiếu chuyển đổi cho 300 triệu USD trái phiếu quốc tế và hủy niêm yết số trái phiếu này trên Sở giao dịch chứng khoàn Singapore. Thông tin này giúp VIC tăng trần.
Vingroup kiếm 6.000 tỷ trong chớp mắt
Vingroup kiếm 6.000 tỷ trong chớp mắt
Với đà tăng mạnh như vậy, chỉ trong ngày 11/4, vốn hóa thị trường của Vingroup tăng 6.208 tỷ đồng lên 97.963 tỷ đồng (tương đương 4,4 tỷ USD). Đây là mức vốn hóa cao nhất của Vingroup trong nhiều năm trở lại đây.

Nhờ VIC, chỉ riêng ngày 11/4, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup có thêm 1.704 tỷ đồng. Tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Vượt vọt lên 26.888 tỷ đồng  (tương ứng 1,2 tỷ USD). Hiện ông Vượng vẫn là tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với mức độ giàu có vượt trội.

Tài sản của ông Vượt nhiều vượt trội so với tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát – người đang đứng thứ 2 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất  sàn chứng khoán Việt Nam.

Chốt phiên giao dịch 11/4, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng 700 đồng/CP lên 31.500 đồng/CP. HPG giúp ông Long có thêm 129 tỷ đồng. Tổng tài sản của ông Long đạt 5.806 tỷ đồng, ít hơn tài sản của ông Vượng 21.082 tỷ đồng.

Trước khi có phiên ấn tượng 11/4, VIC đã “khởi động” từ cuối tháng 2. Tính từ 29/2 tới 11/4, VIC đã tăng 6.400 đông/CP, tương ứng 14,5%. VIC giúp vốn hóa thị trường của Vingroup tăng 12.415 tỷ đồng (hơn nửa tỷ USD).

Vinamilk lại thành “trùm chứng khoán"

Không có phiên tăng ấn tượng như VIC nhưng cổ phiếu VNM của Vinamilk “nóng” từ từ. Kể từ 29/2 tới 11/4, VNM đã tăng 15.000 đồng/CP,  tương ứng 11,7% lên 143.000 đồng/CP. Trong gần tháng rưỡi, vốn hóa thị trường Vinamilk có thêm 18.010 tỷ đồng (tương ứng 808 triệu USD) và đạt kỷ lục 171.695 tỷ đồng (tương ứng  7,7 tỷ USD).

Như vậy, VNM đã vượt qua VCB và trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Danh hiệu “ông trùm chứng khoán” đã trở về với VNM.

Nguyên nhân lớn nhất khiến cổ phiếu VNM tăng mạnh trong suốt thời gian qua chính là Vinamilk công bố danh sách cụ thể 7 ngành nghề kinh doanh sẽ rút khỏi. Vinamilk nói rõ, động thái này nhằm “dọn đường” cho việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá, với vị thế là doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hiệu quả, việc nới room sở hữu nước ngoài cũng như Nhà nước thoái vốn ở Vinamilk sẽ có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thoái vốn Doanh nghiệp Nhà nước và hứa hẹn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá xu hướng thị trường thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào các động thái tiếp theo tại VNM. Nếu các thông tin tích cực được công bố sẽ giúp tâm lý thị trường hưng phấn trở lại.


Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn