“Động lực quan trọng nhất có thể giúp VinFast tiến ra toàn cầu chính là khát vọng xây dựng một thương hiệu đẳng cấp thế giới của không chỉ riêng VinFast mà còn của tất cả người Việt Nam” - nhà báo Raymond Tribdino nhận định sau sự kiện VinFast xuất khẩu lô xe điện VF 8 thứ hai sang thị trường Bắc Mỹ ngày 16/4 vừa qua.
Thành công từ sự ủng hộ của người dân
- Nhà sản xuất VinFast vừa tiếp tục xuất khẩu lô xe điện VF 8 thứ hai sang thị trường Bắc Mỹ. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào với hãng ô tô điện của Việt Nam?
Khi VinFast bắt đầu bàn giao VF 8 cho khách hàng California hồi tháng trước, tôi có theo dõi các thông tin trên truyền thông và thấy những người nhận xe đều hài lòng. Mới đây, VinFast tiếp tục xuất khẩu lô xe tiếp theo đến thị trường Bắc Mỹ với số lượng gần gấp đôi lần trước. Đó là sự khởi đầu rất tích cực với hãng xe của Việt Nam và cho thấy tốc độ cũng như năng lực sản xuất của thương hiệu trẻ này.
Chúng ta đều biết Mỹ là thị trường khó tính và không hề dễ dàng để gia nhập, đặc biệt là bang California có nhiều yêu cầu và quy định nghiêm ngặt. Phải nói rằng VinFast rất dũng cảm khi lựa chọn thâm nhập vào thị trường Mỹ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung qua California.
- Proton từng là thương hiệu rất thành công của Đông Nam Á, với nhiều năm thống lĩnh thị trường nội địa tại Malaysia. Hãng này từng thử sức với thị trường Mỹ nhưng thất bại. Từ bài học của Proton, quan điểm của ông như thế nào về việc xây dựng thành công một thương hiệu ô tô mang tính đại diện cho quốc gia?
Điểm khác biệt giữa VinFast và Proton nằm ở chiến lược phát triển. Proton là kết quả của liên doanh giữa Chính phủ Malaysia và Mitsubishi. Thực tế chiếc xe đầu tiên của Proton là phiên bản rebadge (đổi tên gọi) của Mitsubishi, mãi đến cuối những năm 90 họ mới làm chủ được công nghệ sản xuất. Do đó, nếu lựa chọn giữa một bản sao rebadge và bản gốc, khách hàng sẽ ưu tiên chọn mua xe Mitsubishi hơn.
Ngược lại, VinFast làm chủ sản xuất ngay từ đầu với những công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới. Tháng 9 năm ngoái, tôi có dịp tham quan nhà máy VinFast tại Việt Nam. Tôi rất ấn tượng về quy mô sản xuất, mức độ tự động hóa, công nghệ dây chuyền và tốc độ sản xuất đáng kinh ngạc của hãng.
Đặc biệt, VinFast cũng rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội để chuyển sang thuần điện, với sản phẩm ô tô điện đầu tay là VF e34 cùng dải eSUV phủ kín các phân khúc. Chiến lược khác biệt giúp VinFast không đi vào vết xe đổ của các hãng đi trước như Proton.
- Proton được Chính phủ hỗ trợ nhiều mặt nhưng cuối cùng vẫn không thể cạnh tranh được với các đối thủ giàu tiềm lực. Có thể thấy, để phát triển thương hiệu quốc gia thành công, còn cần tới những yếu tố khác nữa, thưa ông?
Đúng vậy, hỗ trợ của Chính phủ rất quan trọng trong việc xây dựng các thương hiệu quốc gia đủ mạnh để cạnh tranh toàn cầu. Nhưng đó không phải là tất cả! Nếu bán một chiếc xe chủ yếu nhờ vào chính sách hỗ trợ thì khách hàng sẽ thường trông chờ vào ưu đãi chứ không phải dựa vào chính bản thân sản phẩm, dù sản phẩm tốt.
Tôi cho rằng, thành công của một thương hiệu quốc gia còn phải được xây dựng từ sự ủng hộ của người dân trong nước. Ủng hộ không đồng nghĩa với việc người dân chỉ mua sản phẩm do thương hiệu đó sản xuất. Mà sự ủng hộ còn thể hiện ở những ý kiến thảo luận, đóng góp mang tính xây dựng để sản phẩm đó ngày càng tốt hơn, thương hiệu đó ngày càng mạnh hơn.
VinFast sẽ trở thành biểu tượng quen thuộc ở Mỹ, châu Âu
- Một ví dụ khác về xây dựng thương hiệu quốc gia, rồi lớn mạnh thành một thương hiệu ô tô toàn cầu là Hyundai của Hàn Quốc. Thành công của Hyundai, theo ông, gợi mở điều gì cho các hãng xe khác?
Chìa khóa thành công của Hyundai nằm ở sự chung tay của người dân Hàn Quốc ngay từ những ngày đầu, dù chiếc xe đầu tiên của họ là Hyundai Pony khi bán ra thị trường vẫn còn không ít lỗi.
VinFast cũng khởi nghiệp ở thị trường nội địa rồi mới đi ra thế giới nhưng hãng xe của Việt Nam đang đi nhanh hơn và táo bạo hơn.
Chiến lược toàn cầu hóa của VinFast thực sự rất khôn ngoan bởi rõ ràng, nếu thành công ở thị trường khó tính nhất thế giới là Mỹ thì họ có thể chinh phục khách hàng ở bất cứ nơi nào. Điều này cũng cho thấy VinFast rất tự tin vào sản phẩm của mình.
Ngay tại châu Á, trong khi nhiều nước vẫn đang loay hoay thì VinFast đã đi trước một bước khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sạc điện rộng khắp, song song với phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Phải nói rằng, họ thực sự nghiêm túc và quyết tâm trong việc phát triển một thương hiệu ô tô có thể đại diện cho quốc gia trên trường quốc tế.
- Theo ông, các yếu tố nào sẽ giúp một thương hiệu trẻ như VinFast thành công trong cuộc đua xe điện toàn cầu?
Bên cạnh sản phẩm chất lượng, tôi nghĩ một lợi thế quan trọng của VinFast là chiến lược đúng đắn và sự linh hoạt. Ví dụ mới đây, họ vừa hợp nhất thị trường Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ và Canada) để đảm bảo các hoạt động quản lý và dịch vụ khách hàng tốt hơn.
Cách VinFast lấy khách hàng làm trung tâm, xuất phát từ chính nhu cầu và trải nghiệm người dùng để tạo ra những chiếc xe cũng là một ưu điểm có thể giúp họ cạnh tranh trên thị trường.
Thêm vào đó, VinFast có nguồn nhân lực đa dạng đến từ nhiều công ty, quốc gia khác nhau, cùng đóng góp kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm.
Cuối cùng, động lực quan trọng nhất có thể giúp VinFast tiến ra toàn cầu mà tôi cảm nhận được là niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng một thương hiệu đẳng cấp thế giới của không chỉ riêng VinFast mà còn của tất cả người Việt Nam. Cả thế giới đều biết, từ trước đến nay, người Việt không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào!
- Trong tương lai, VinFast sẽ ở đâu trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng chỉ trong 2-5 năm nữa, VinFast sẽ trở thành một thương hiệu vững mạnh và dẫn đầu trên thị trường. Họ đang làm rất tốt! Tôi tin là ở Mỹ hay châu Âu, VinFast sẽ sớm trở thành một biểu tượng quen thuộc như những đặc sản ẩm thực từ lâu đã làm nên tên tuổi của Việt Nam trên toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận