• Zalo

VinaPhone sắp không còn là 'đại gia di động'?

Kinh tếThứ Ba, 13/01/2015 04:27:00 +07:00 Google News

Nhiều khả năng trong thời gian tới, VinaPhone sẽ không còn nằm trong nhóm các doanh nghiệp viễn thông đang thống lĩnh thị trường.

(VTC News) - Nhiều khả năng trong thời gian tới, VinaPhone sẽ không còn nằm trong nhóm các doanh nghiệp viễn thông đang thống lĩnh thị trường.

Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi khi nhắc tới cụm từ "đại gia di động", người đọc sẽ dễ dàng liệt kê ra 3 cái tên đứng đầu thị trường này là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Tuy nhiên, nhiều khả năng trong thời gian tới, VinaPhone sẽ bị loại khỏi nhóm này khi không được xem là doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường.

Được biết, hiện Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông tiến hành kiểm tra xem thị phần của VinaPhone có thấp hơn 30% toàn bộ thị trường hay không. Nếu là thấp hơn, nhà mạng này sẽ không còn được liệt vào doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nữa. Khi đó viễn thông Việt Nam sẽ chỉ còn Viettel và MobiFone được xếp vào hàng chi phối thị trường này.

VinaPhone sắp "không cùng chiếu" với MobiFone và Viettel ? 
Để xét về thị phần, có thể dựa trên hai số liệu là số lượng thuê bao và doanh thu. Về thuê bao, đến hết năm 2014, VinaPhone chỉ có 26 triệu thuê bao, MobiFone có 40 triệu thuê bao và Viettel sở hữu hơn 55 triệu thuê bao. Nếu chỉ tính riêng ở những số liệu này, VinaPhone chỉ chiếm hơn 20% số lượng thuê bao.


Còn về doanh thu, trong năm 2014 vừa qua, VinaPhone chỉ đạt tổng thu 25,6 nghìn tỷ đồng, kém hơn nhiều so với 36 nghìn tỷ đồng chứ chưa nói tới con số "khủng" hơn 196 nghìn tỷ đồng của Viettel, mà trong đó chiếm đa phần là từ lĩnh vực viễn thông.

Nếu xảy ra khả năng VinaPhone bị loại khỏi dạng doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, thì nhà mạng này dường như được nhiều hơn là mất. Khi đó, đơn vị này sẽ không bị quá trói buộc bởi các quy định quản lý nhà nước trong các khâu khuyến mại và giá cước, nhờ đó cơ hội tăng mạnh về số thuê bao sẽ khả quan hơn nhiều so với Viettel và MobiFone.

Cụ thể, theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên và các doanh nghiệp này sẽ phải chịu nhiều chế tài nhằm tránh tình trạng ép giá, phá giá trên thị trường. Với các doanh nghiệp viễn thông thuộc dạng này, mỗi khi đưa ra chương trình giảm giá cước đều phải ở mức không được dưới mức giá thành.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp không thống lĩnh thị trường, họ có quyền ban hành gói cước dưới mức giá thành nhưng không được phép quá thấp so với mức trung bình của toàn thị trường. Đây cũng là lợi thế lớn để những doanh nghiệp dạng này thu hút thuê bao mới thông qua những chương trình khuyến mại với nội dung giảm giá cước.

Đối với VinaPhone, khi đã sở hữu trong tay nền tảng hạ tầng vững chắc cùng nguồn kinh phí lớn, nhà mạng này hoàn toàn có thể khơi mào các đợt khuyến mại có giá trị "khủng" nhằm lôi kéo chính khách hàng của Viettel hay MobiFone sang sử dụng dịch vụ của mình.

Mặc dù có mất đi ngôi vị thống lĩnh thị trường nhưng nhiều khả năng, đến hết 2015, con số tăng trưởng trong thuê bao của VinaPhone sẽ lạc quan hơn nhiều so với con số 2% (thuê bao trả sau) và 7,8% (thuê bao trả trước) của năm 2014.


Mặt khác, năm 2014 vừa qua là quãng thời gian xảy ra nhiều biến động với VinaPhone nói riêng và VNPT nói chung khi MobiFone được tách ra "ở riêng", chính điều này đã gây ra nhiều xáo trộn lớn trong hoạt động kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức của đơn vị này.

Chính vì vậy, có lẽ điều mà VinaPhone cần nhất lúc này là thoát khỏi cái mác "đại gia di động" để có được mức tăng trưởng cao hơn so với Viettel và MobiFone trong 2015 nhằm đảm bảo vị trí thứ 3 của mình trong lĩnh vực viễn thông.

Lê Vy
Bình luận
vtcnews.vn