• Zalo

Vinaphone lên Tổng công ty

Kinh tếThứ Sáu, 09/01/2015 10:50:00 +07:00 Google News

Ngoài Vinaphone, trong thời gian tới VNPT cũng sẽ có thêm 2 tổng công ty nữa gồm Tổng công ty Hạ tầng mạng và Tổng công ty Truyền thông.

(VTC News) - Ngoài Vinaphone, trong thời gian tới VNPT cũng sẽ có thêm 2 tổng công ty nữa gồm Tổng công ty Hạ tầng mạng và Tổng công ty Truyền thông.

Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), sau quá trình tái cơ cấu VNPT sẽ bao gồm 3 công ty: Công ty hạ tầng mạng (VNPT Net) hạch toán phụ thuộc và 2 công ty con hạch toán độc lập là Công ty TNHH MTV Dịch vụ viễn thông (VNPT Vinaphone) và Công ty TNHH MTV Truyền thông (VNPT Media).
 
Trong quá trình thực hiện Quyết định trên, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án cho phép tổ chức 3 Công ty trên theo mô hình tổng công ty nhằm chuyên chuyên biệt hóa kinh doanh và tránh tình trạng chồng chéo.
 
Tương tự như MobiFone, Vinaphone cũng được nâng cấp thành Tổng công ty 
Bộ TT&TT đề xuất nâng cấp Vinaphone thành Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) với vốn điều lệ là 5.200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-CNTT, truyền thông, truyền hình; dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng; kinh doanh dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, CNTT, truyền thông; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn, bán lẻ các vật tư, trang thiết bị thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, CNTT; đại lý bán vé máy bay và các phương tiện vận tải khác.


Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT-Vinaphone đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; chiếm thị phần dịch vụ di động trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80%.

Còn đối với Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net) ngành nghề kinh doanh sẽ là hoạt động viễn thông có dây, không dây, vệ tinh và hoạt động viễn thông khác; sản xuất, bán buôn các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-công nghệ thông tin trong nước và quốc tế cho VNPT-Vinaphone, VNPT-Media và các nhà khai thác khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông; kinh doanh các ngành nghề khác theo sự phân công của Tập đoàn VNPT và phù hợp với quy định của pháp luật.
 
Còn trường hợp của Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) sẽ có vốn điều lệ 2.300 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh là tổ chức nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bán buôn các sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng, truyền thông, truyền hình; quản lý và thực hiện hoạt động truyền hình, cung cấp chương trình thuê bao; thực hiện các hoạt động xuất bản sách, ấn phẩm định kỳ; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chưong trình truyền hình...
 
Xét đề nghị của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập các Tổng công ty Hạ tầng mạng, Dịch vụ viễn thông và Truyền thông. Đồng thời giao Tập đoàn VNPT quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tổng công ty trên theo các quy định hiện hành.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT hướng dẫn VNPT trong việc các đơn vị trực thuộc của các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn có con dấu, tài khoản.

Như vậy, sau khi MobiFone tách ra khỏi VNPT và được phép lên Tổng công ty, giờ tới lượt nhà mạng di động lớn thứ 2 Việt Nam, Vinaphone cũng được nâng cấp tương tự.

Lê Vy
Bình luận
vtcnews.vn