• Zalo

Vinalines: ‘Mẹ’ lên sàn, ‘con’ bết bát

Kinh tếThứ Năm, 04/10/2018 10:32:00 +07:00Google News

Hơn 5,4 triệu cổ phiếu của Vinalines sẽ chính thức giao dịch trên Upcom vào ngày 8/10, giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu, trong bối cảnh nhiều công ty con kinh doanh bết bát, lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Lên sàn sau khi IPO ế nặng

Từ 8/10, 5,4 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, mã chứng khoán MVN, sẽ được giao dịch lần đầu trên sàn Upcom.

Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 5/9, Vinalines đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Dự kiến của Vinalines ban đầu là chào bán 20% vốn điều lệ tương đương 280,9 triệu cổ phần, nhưng do không tìm được nhà đầu tư chiến lược, nên tổng công ty quyết định IPO luôn cả phần bán cho đối tác chiến lược, tổng cộng 488,8 triệu cổ phần.

IPO diễn ra không thành công, số lượng cổ phiếu bán được của Vinalines chỉ chiếm 0,38% vốn điều lệ, phần vốn còn lại tiếp tục được nhà nước nắm giữ với tỷ lệ hơn 99%.

vinalinessky

 Kinh doanh khó khăn, Vinalines phải bán thanh lý một số tàu với giá rẻ nhiều lần so mua ban đầu. (Ảnh: Marine Traffic)

Hoạt động kinh doanh của Vinalines bắt đầu gặp khó khăn kể từ 2009 và đến 2011 rơi vào tình trạng thua lỗ.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines 2017 cho thấy doanh nghiệp này đạt doanh thu 13.572 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm trước.

Hiện nợ phải trả của Vinalines là 20.169 tỷ đồng trong đó, nợ ngắn hạn là 11.309 tỷ đồng, nợ dài hạn 8.859 tỷ đồng.

Nhiều vấn đề tại công ty con

Trong khi đó, hàng loạt công ty con của Vinalines đang trong tình trạng khó khăn, bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ hoặc vấn đề nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, Công ty cổ phần (CTCP) Vận tải biển Việt Nam, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Biển Đông, CTCP Vận tải Vinaship, CTCP Vinalines Nha Trang đều trong tình trạng âm vốn, nợ nần.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, kiểm toán viên đã từ chối đưa ý kiến do việc ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị khoản nợ gốc và lãi vay phải trả các tổ chức tín dụng và giá trị công ty nhận nợ với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam không thống nhất.

Tương tự, báo cáo tài chính của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam cũng bị kiểm toán ý kiến ngoại trừ do hạch toán các khoản chi lương đã chuyển ra ngân hàng trong 2017 với số tiền gần 28 tỷ đồng.

Hay tại báo cáo tài chính 2017 của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang, kiểm toán cũng có ý kiến kiểm toán ngoại trừ do chưa ghi nhận chi phí khấu hao quyền sử dụng đất có thời hạn với số khấu hao ước tính lũy kế đến ngày 31/12/2017 là hơn 13,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán lưu ý, công ty chưa ghi nhận đầy đủ khoản lãi vay 2017 phải trả Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu Thủy với số tiền là 244.105 USD, tương đương hơn 5,5 tỷ đồng.

Ngay tại chính Vinalines, kiểm toán cũng đưa ra các ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất 2017. Nguyên nhân do đơn vị kiểm toán không đánh giá được lợi ích kinh tế trong tương lai cũng như khả năng thu hồi giá trị của một số dự án.

Vinalines trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Năm 2006, công ty chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Năm 2010, công ty mẹ của Vinalines chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

Video: Tàu Mỹ bị 'hạm đội' xuồng Iran truy đuổi

Thời điểm 31/12/2017, Vinalines sở hữu 19 công ty con với tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có tổng mức vốn đầu tư 7.444 tỷ đồng, gồm 10 công ty kinh doanh khai thác cảng biển, 5 công ty kinh doanh vận tải biển và 4 công ty kinh doanh dịch vụ hàng hải.

Ngoài ra, Vinalines còn sở hữu 11 công ty liên kết với mức vốn góp từ 20%-50% và 4 công ty đầu tư góp vốn với mức vốn góp dưới 20% vốn điều lệ.

Giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa của Vinalines tại ngày 31/12/2016 đạt hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 11.900 tỷ đồng.

Vinalines đang quản lý và sử dụng hơn 1 triệu m2 đất gồm đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 871 nghìn m2 và đất được nhà nước cho thuê là 177 nghìn m2.

Hiện, Vinalines vẫn lỗ luỹ kế 3.253 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2016 với 2.307 tỷ đồng.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn