Sau nhiều ngày bị triệu tập với tư cách bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, hôm qua (14/4), ông Hoàng Chí Cường (cựu Tổng giám đốc Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam - VINAINCON) mới có mặt tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong vụ án gây thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Trước tòa, cựu Tổng giám đốc VINAINCON khẳng định, VINAINCON là nhà thầu phụ nên không có lỗi trong việc dự án chậm tiến độ và ông cho rằng, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu chính.
Cùng với đó, việc VINAINCON bị VKSND Tối cao xác định không đủ năng lực nên dừng thầu "là không đúng", mà do "không được tạo đủ điều kiện".
Đồng thời, một người phụ nữ đại diện VINAINCON có mặt tại phiên tòa cũng khẳng định, doanh nghiệp này nằm trong "Top 7" nhà thầu lớn nhất Việt Nam, thực hiện thành công nhiều dự án lớn. "Năng lực thực tế của chúng tôi còn lớn hơn rất nhiều so với hồ sơ chúng tôi gửi TISCO", vị nữ đại diện nhấn mạnh.
Lúc này, chủ tọa phiên tòa hỏi cựu Chủ tịch VINAINCON: "Vậy tại sao VINAINCON rút nhân lực, trả lại các hạng mục cho chủ đầu tư?"
Trả lời câu hỏi này, ông Cường nói rằng, chủ đầu tư dự án thông báo không có tiền thanh toán và rất nhiều bên có trách nhiệm trong việc chậm dự án.
Ngoài ra, ông Cường cho hay, nhà thầu chính và chủ đầu tư có nhiều lỗi khiến VINAINCON không thể hoàn thành dự án.
"Cụ thể, Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) không cung cấp bản vẽ đúng tiến độ; nhiều phần việc trong bản vẽ có thay đổi; giải phóng mặt bằng chậm; MCC không cung cấp vật tư chỉ có ở bên Trung Quốc như đã cam kết; xây dựng biện pháp thi công và nghiệm thu, thanh toán rất chậm", cựu Chủ tịch VINAINCON trình bày.
Ông Cường cũng phủ nhận thông tin "trả lại gói thầu do thiếu năng lực". Ông cho rằng, bản thân không đồng ý trả lại gói thầu nhưng TISCO và MCC lại tự động đưa các nhà thầu khác vào và đề nghị VINAINCON trả lại mặt bằng cho đơn vị khác thi công.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 13/4, bị cáo Đồng Quang Dương (cựu Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO) cho rằng, dưới góc độ thư ký của dự án, bị cáo nhận thấy năng lực của VINAINCON thời điểm được giới thiệu cho MCC là đảm bảo yêu cầu để thực hiện phần C của dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công thực tế, VINAINCON bộc lộ một số yếu kém như lực lượng thi công không đủ.
"Tổng thầu yêu cầu có những hạng mục phải cần khoảng 1.500 đến 1.700 người, nhưng thực tế nhà thầu VINAINCON chỉ có 300 người. Tôi cho đó là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ tiến độ với nhà thầu VINAINCON", bị cáo Dương dẫn chứng.
Theo cáo buộc của VKS, dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
TISCO ký với MCC hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD, trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3,1 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu USD và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD.
Nội dung hợp đồng EPC thể hiện, MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi nếu có trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá.
Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này đồng thời giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C.
Ngoài ra, phần C bị chuyển từ hợp đồng trọn gói (không đổi giá trị) sang hợp đồng theo đơn giá (giá hợp đồng thay đổi theo thời gian). Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay.
Cơ quan truy tố cho rằng, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay gây thiệt hại 830 tỷ đồng.
Bình luận