Đây là trạm phát sóng cơ động, gồm cả 2G và 3G, được hoàn thành xây lắp, tích hợp và phát sóng chỉ trong hơn 3 ngày, kịp thời phục vụ nhu cầu liên lạc và truy cập Internet của gần 1.000 công nhân tại khu vực này.
Do địa hình phức tạp, đèo Cả nằm giữa rừng núi nên để phát sóng được trạm này, Viettel đã triển khai hơn 3km cáp quang, kéo mới 100m cáp và lắp đặt thiết bị trạm phát sóng BTS. Sau khi hoàn thành, trạm được UBND tỉnh Phú Yên, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên đánh giá rất cao về khả năng đáp ứng dịch vụ nhanh của Viettel.
Việc lắp đặt trạm cơ động dành riêng cho các công nhân đang xây dựng công trình mang niềm tự hào của đất nước là cách Viettel thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Theo đồng chí Trịnh Ái Dương – Phó GĐ Viettel Phú Yên, vào ngày thường, ở Đèo Cả có khoảng 700 công nhân làm việc, lúc cao điểm lên tới hơn 1.000 người nên nhu cầu liên lạc và truy cập Internet rất lớn, trong khi đó sóng của cả Viettel và các nhà mạng khác ở khu vực này đều yếu do địa hình khó khăn, đèo nằm giữa rừng núi. “Nhu cầu sử dụng viễn thông của Ban quản lý dự án công trình, các kỹ sư, công nhân là rất lớn. Chính họ đã giúp Viettel đổ bê tông để tạo mặt bằng dựng trạm. Nhờ đó, trạm phát sóng tại đây mới nhanh chóng được hoàn thành”, ông cho biết.
Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả được khởi công từ 18/11/2012, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có chiều dài 13,4 km, trong đó gồm hai hầm song song, mỗi hầm dài 4.125m, được thiết kế cho hai làn xe chạy với tốc độ 80 km/giờ. Đây là hầm dài thứ 2 cả nước, đứng sau hầm Hải Vân.
Là công trình trọng điểm quốc gia, dự án hầm đường bộ qua đèo Cả là dự án hầm đường bộ đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, thi công. Hạng mục hầm đèo Cả đã thông hầm kỹ thuật vào cuối tháng 7/2016, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện công trình.
Bình luận