• Zalo

Viettel 'kể khổ' hộ di động thương hiệu Việt

Kinh tếThứ Tư, 28/08/2013 11:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trong công văn mới đuợc gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Viettel cho rằng mình đang quá thiệt thòi trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động.


(VTC News) - Trong công văn mới đuợc gửi lên Thủ tướng Chính phủ, tập đoàn Quân đội cho rằng mình đang quá thiệt thòi trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động nếu so sánh với Samsung Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính nhằm trình bày những khó khăn và vướng mắc trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Nhà mạng này cho rằng doanh nghiệp trong nước đang quá thiệt thòi nếu so sánh với những ưu đãi mà các doanh nghiệp vốn nước ngoài đang được hưởng.

Theo phía Viettel, trong những năm qua Tập đoàn này đã tập trung đầu tử nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tự chủ công nghệ cũng như sản xuất thiết bị viễn thông. Có thể kể đến nhiều sản phẩm được đánh giá cao như usb 3g, điện thoại di động thương hiệu Việt ... Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là mức thuế quá cao khi nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện mà Việt Nam chưa thể sản xuất.

Viettel
Viettel cho rằng doanh nghiệp di động Việt quá thiệt thòi nếu so sánh với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam 
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, hầu hết các linh kiện và bộ phận đều phải nhập khẩu và chịu mức thuế cao như pin là 20%, đầu nối là 15% hay micro là 15% ... Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính, thuế xuất nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc là 0%.

Viettel cho biết, chính những nguyên nhân trên khiến điện thoại của doanh nghiệp trong nước sản xuất đều có giá bán ra cao hơn so với sản phẩm tương tự được nhập khẩu nguyên chiếc. Mặc dù doanh nghiệp trong nước muốn hạ giá bán để phổ biến rộng khắp điện thoại thương hiệu Việt nhưng "lực bất tòng tâm".

Ngoài ra, công văn của Viettel còn cho rằng, doanh nghiệp trong nước đang quá thiệt thòi nếu mang ra so sánh với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, ở đây cụ thể là Samsung Electronics Việt Nam. Doanh nghiệp ngoại quốc này được miễn thuế nhập khẩu cho các loại linh kiện điện thoại di động trong vòng 5 năm, bất kể là đã được sản xuất trong nước hay chưa.

Bên cạnh đó, Samsung Electronics Việt Nam cũng đã được phép chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp chế xuất và tháng 9/2012, qua đó hưởng mức ưu đã cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam về thuế thu nhập cũng như thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Từ đó Viettel cho rằng, nếu so với các doanh nghiệp vốn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ, trong khi phải đối đầu với nhiều thách thức. Cùng với các doanh nghiệp khác, Viettel rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm phát triển lĩnh vực sản xuất điện thoại di động.

Cần thêm ưu đãi

Từ những thực trạng nói trên, trong công văn của Viettel đã kiến nghị Chính phủ đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp sản xuất điện thoại trong nước phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.

Cụ thể, Tập đoàn Quân đội mong muốn Bộ Tài chính miễn thuế nhập khẩu với toàn bộ linh kiện, vật liệu và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo và lắp ráp điện thoại di động, đồng thời không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa.

Bên cạnh đó, cho phép Công ty Mẹ - Viettel và các công ty con do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ. Đồng thời đề xuất, xin miễn thuế trong thời hạn 5 năm từ 2013 đến hết 2017.

Ngoài ra, Tập đoàn này cũng để nghị được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ việc kinh doanh điện thoại di động do mình sản xuất trong nước.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn