• Zalo

Vietnam’s Got Talent: Nhiều thí sinh 'sính' ngoại?

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 09/05/2012 06:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều thí sinh trở thành hiện tượng của Vietnam’s Got Talent lại chuyên thể hiện nhạc ngoại, họ "sính" ngoại hay nhạc Việt chưa đủ tầm?

(VTC News) – Nhiều thí sinh trở thành hiện tượng của Vietnam’s Got Talent lại chuyên thể hiện nhạc ngoại, phải chăng họ "sính" ngoại hay nhạc Việt chưa đủ tầm?

Nhiều bài nhạc ngoại làm chao đảo cộng đồng mạng


 Nhìn lại cuộc thi Vietnam’s Got Talent mùa đầu tiên, khán giả dễ dàng nhận thấy các hiện tượng làm chao đảo cộng đồng mạng đa số là những thí sinh hát nhạc ngoại. Có những show, hầu như tất cả các tiết mục hát đều dùng tiếng Anh, chỉ có một hai bài tiếng Việt.

Trong 14 thí sinh tài năng của vòng chung kết, những gương mặt ca hát từng trở thành hiện tượng của cộng đồng mạng như: Võ Trọng Phúc, Nguyễn Phương Anh, Vũ Đình Tri Giao… đều hát nhạc ngoại bằng tiếng Anh chứ không phải nhạc Việt. Vì sao họ chọn hát nhạc ngoại?

Nhỏ tuổi nhất nhưng có năng khiếu hát nhạc ngoại là Vũ Đình Tri Giao. Cô bé 9 tuổi sinh ra tại Singapore mới về Việt Nam được 2 năm và đang theo học tại một trường quốc tế ở TP.HCM có vốn tiếng Anh đáng nể.

Từ vòng loại đến chung kết cuộc thi, Tri Giao luôn thể hiện các ca khúc nhạc ngoại bằng tiếng Anh như: You raise me up, When you believe… với chất giọng và hình ảnh trong sáng đã chinh phục BGK và khán giả.

Tri Giao 

Không được sinh ra và lớn lên trong môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh như Tri Giao nhưng cô bé 16 tuổi Nguyễn Phương Anh cũng là một học sinh giỏi tiếng Anh và tiếng Đức của lớp 10 trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Tham gia Vietnam’s Got Talent, Phương Anh đã làm hàng triệu trái tim thổn thức ngay từ vòng loại với ca khúc Let’s dance.

Ngoài giọng hát, Phương Anh chinh phục khán giả bằng nghị lực của một cô bé xương thủy tinh. Không thể đứng vững bằng đôi chân của mình nhưng cô bé có niềm tin yêu cuộc sống mãnh liệt đã truyền cảm hứng đó cho tất cả khán giả. Không có mặt trong Top 4 tranh ngôi nhưng có lẽ, Phương Anh là một trong những thí sinh đã để lại cho khán giả nhiều ấn tượng nhất khi đã viết nên một câu chuyện cổ tích.

Phương Anh 

Cũng nổi tiếng ngay từ vòng loại với ca khúc nổi tiếng Home của nam danh ca Michael Bublé, thầy giáo dạy tiếng Anh Võ Trọng Phúc trở thành hiện tượng làm chao đảo cộng đồng mạng. Với vẻ điển trai, giọng hát quyến rũ, Võ Trọng Phúc tiếp tục với những ca khúc âm hưởng nhạc đồng quê như You’re beautiful của James Blunt và tiến thẳng vào Top 4 chung kết tranh ngôi.

Cậu bé 13 tuổi Vũ Song Vũ cũng là một hiện tượng của cộng đồng mạng với ca khúc nổi tiếng trong phim Titanic - My heart will go on trước khi tham gia cuộc thi và ca khúc này được trình bày lại tại vòng loại cũng khiến khán giả phát sốt và giám khảo Thúy Hạnh bật khóc.

Tuy nhiên, khác với các hiện tượng kể trên, trong vòng bán kết và chung kết, Vũ Song Vũ cũng thể hiện khả năng hát nhạc Việt khá tốt với các ca khúc Bà tôi, Mái đình làng biển.

Nhạc Việt chưa đủ tầm?


Có thể nói những giọng hát nổi bật được chú ý trong Vietnam’s Got Talent như đã nói trên đã gây ấn tượng với khán giả bằng những bài hát ngoại quốc. Phải chăng vì họ đa số là những người giỏi ngoại ngữ nên họ chọn bài hát ngoại quốc? Hay với vốn ngoại ngữ khá thành thạo đã giúp họ khám phá và thể hiện những ca khúc ngoại quốc có giá trị nghệ thuật?

Những ca khúc mà các thí sinh này đã thể hiện như Home, My heart will go on, You’re beautiful , Let’s dance, You raise me up, When you believe ... đa số là những ca khúc nổi tiếng và được nhiều danh ca thế giới từng trình diễn. Đây là những ca khúc với giai điệu đẹp, cảm xúc sâu lắng. Và có lẽ, chính những ca khúc này cùng với giọng hát khá truyền cảm đã tạo nên hiệu quả lớn của một tác phẩm được trình diễn đã giúp các thí sinh này ghi điểm trong lòng khán giả.

Có thể nói, ca khúc được chọn biểu diễn là một yếu tố khá quan trọng trong việc chinh phục công chúng. Và vấn đề đặt ra là: có phải sự thiếu vắng những ca khúc của thị trường âm nhạc Việt trong cuộc thi là bởi nó không có giai điệu đẹp, không nhiều cảm xúc, khó giúp cho một giọng ca có thể thăng hoa?

Võ Trọng Phúc 

Thí sinh Võ Trọng Phúc đã thường hát ở các quán bar là điểm đến của người nước ngoài tại TP.HCM gần 4 năm nay thì cho biết: “Có rất nhiều bài để lựa chọn nhưng đây là những bài mình cảm thấy có nhiều cảm xúc nhất vào thời điểm đó. Phúc theo dòng nhạc country, cảm thấy các bản nhạc này hay nên cover lại. Phúc thấy mình thể hiện các bài nhạc Việt không được mặn mà như các bài hát tiếng Anh. Có lẽ Phúc hát nhạc Anh, Mỹ quen rồi”.

Còn ca sỹ Hồ Trung Dũng, người đã từng trình diễn nhiều bản nhạc ngoại cho biết: “Về thăng hoa thì quan trọng là mình có cảm được bài hát hay không. Đối với Dũng, những bài tiếng Việt có chiều sâu mình mới có nhiều đất để khai thác còn tiếng Anh, Dũng thích những bài có nhiều chỗ để mình phiêu.

Mỗi loại nhạc có một nét riêng. Tiếng Anh hát thoải mái hơn vì nó không bị ràng buộc bởi dấu giọng, nghệ sỹ có thể thăng hoa trong giọng hát theo nhiều cách xử lý khác nhau. Còn tiếng Việt của mình thì có dấu giọng nên giới hạn của sự phiêu, sáng tạo cũng hạn hẹp hơn.  Ca khúc nhạc ngoại cũng thường có những chỗ để mình tự do thoải mái phiêu theo cảm xúc. Số lượng những bài nhạc ngoại hay lại rất nhiều”.

Hồ Trung Dũng (ảnh: Internet) 

Theo Hồ Trung Dũng, không hẳn ai hát nhạc ngoại cũng đều “sính” ngoại: “Dũng thích nhất hát nhạc jazz mà nhạc jazz tiếng Anh từ trước đến giờ phát triển rất mạnh rồi nhưng tiếng Việt hầu như chưa có. Vì vậy, đối với nhạc Jazz, Dũng luôn hát tiếng Anh.

Nhạc kịch Opera mà hát tiếng Việt thì cũng không có bài để hát vì nó rất ít. Thực ra, có một số nhạc sỹ Việt Nam sáng tác theo âm hưởng thính phòng họ cũng thành công. Nhưng Opera, thính phòng thì hát bằng tiếng Anh và tiếng Ý là hay nhất”.

Nói về hiện tượng nhiều giọng hát cover những bản nhạc nổi tiếng thế giới làm chao đảo cộng đồng mạng hiện nay, Hồ Trung Dũng nhìn nhận: “không chỉ riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới có rất nhiều. Có thể là nhạc rock, hip-hop, dance, R&B… và sau đó được làm mềm hóa lại bằng acoustic hoặc một cây guitar thì nó sẽ rất mộc mạc so với bản gốc. Cái công của người hát nhạc gốc đã làm cho bài hát nổi tiếng sẵn rồi. Khi nghe cover lại tuy có khác lạ, nhưng người nghe sẽ cảm thụ rất nhanh nên dễ có hiệu ứng số đông.

Và ở Việt Nam mình, hát tiếng Anh hay đến mấy thì cũng phải hát tiếng Việt, bởi đa số người Việt Nam mình vẫn thích nghe tiếng Việt hơn”.

Trở lại cuộc thi Vietnam’s Got Talent, trường hợp với thí sinh Hương Thảo, cô cũng thăng hoa với những trích đoạn nhạc kịch Broadway. Phải chăng cái “tầm” những tác phẩm nổi tiếng này cũng giúp Hương Thảo có điều kiện để phô bày khả năng giọng hát và diễn xuất của mình?

Hương Thảo 

Có ý kiến cho rằng, nếu đã nghe nhạc ngoại thì không muốn nghe nhạc Việt Nam nữa, phải chăng họ vọng ngoại, không có tình yêu với văn hóa dân tộc hay vì “gu” của nhạc Việt và nhạc ngoại quá khác biệt không thể dung hòa? Nhưng thực tế qua cuộc thi Vietnam’s Got Talent, những thí sinh tạm gọi là có tâm hồn mẫn cảm đều chọn nhạc ngoại quốc để thể hiện. Đó cũng là điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm về giá trị của những ca khúc đang lưu hành trên thị trường hiện nay.

Phượng Hoàng
Photo: Ân Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn