Các hãng hàng không đang muốn tính khoản phụ thu phí môi trường vào giá vé sau khi Chính phủ quyết định tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng mỗi lít/xăng.
Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành tại hội thảo mới đây về những khó khăn của ngành do Cục Hàng không tổ chức đã nhắc tới việc phụ thu phí môi trường.
Theo đó ông cho rằng, phụ thu phí môi trường tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng mỗi lít ước tính Vietnam Airlines ảnh hưởng 750 tỷ đồng, với Jetstar Pacific là 150 tỷ đồng và với Vietjet Air là 350 đến 400 tỷ đồng.
"Hàng không là ngành có hiệu quả kinh tế thấp. Ngay cả với Vietjet Air, hãng thông báo có lãi nhưng tôi cho rằng vẫn rất khó khăn", ông Dương Trí Thành nhận định.
Vì vậy ông đề xuất Cục Hàng không, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ có ý kiến với Bộ Tài chính để đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Ông góp ý rằng khoản phí môi trường có thể được xem là khoản thu bổ sung để đưa vào trong giá vé trực tiếp áp lên hành khách.
Đồng tình với Vietnam Airlines, trong bản kiến nghị của mình, đại diện Jetstar Pacific cho rằng thuế, phí xăng dầu, môi trường đang gây khó khăn cho các hãng.
Trong bối cảnh thuế, phí xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong chi phí giá thành, ông Tạ Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Jetstar Pacific nêu kiến nghị Cục Hàng không, Bộ Giao thông có tiếng nói trong việc duy trì thuế áp lên xăng máy bay ở mức 7%. Với thuế môi trường, Jetstar Pacific đề nghị không áp dụng đối với các hãng.
Khi có thông tin thu phí môi trường, đồng loạt các hãng tính đến chuyện áp vào giá vé, nhưng trước đó giá xăng dầu giảm sâu không ai đề cập chuyện giảm giá.
Ngay cả Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cũng thừa nhận: Việc giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt trong năm 2014 là một thuận lợi của ngành hàng không, khi nhiên liệu máy bay JetA1 cũng giảm theo, có lúc còn 62 USD một thùng.
Rõ ràng, các hãng hàng không quốc tế, trong đó có Việt Nam, đang được hưởng lợi nhờ giá dầu giảm giá liên tục thời gian qua. Tuy nhiên, để điều chỉnh giá vé giảm thì các hãng hàng không nội địa cho hay còn phải xem xét và trước mắt chưa có bất kỳ sự điều chỉnh nào.
Trả lời PV, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thừa nhận, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí khai thác của các hãng hàng không (khoảng 37-38%) nên giá dầu giảm sẽ tạo cơ hội tốt cho các hãng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, việc giá xăng tăng hay giảm đều được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi hãng và được xem xét trong cả năm hoạt động.
Khi giá xăng dầu giảm, hàng không cũng điều chỉnh phụ thu xăng dầu cho phù hợp, song, việc điều chỉnh sẽ căn cứ vào các yếu tố: xu hướng giảm là dài hạn hay tạm thời, giá dầu thô vào thời điểm hãng đặt mua (thông thường là trước đó nhiều tháng) và tương quan chung so với các hãng hàng không khác trên thị trường.
Giống các hãng khác, hiện Vietnam Airlines đang thực hiện thu phụ thu nhiên liệu trên các đường bay quốc tế. Khi giá xăng dầu giảm, các hãng sẽ xem xét điều chỉnh phụ thu nhiên liệu sẽ tạo cơ hội giảm giá vé và mang lại lợi ích cho khách hàng.
“Vietnam Airlines đang thu theo mặt bằng của các hãng khác và sẽ xem xét khi các hãng có điều chỉnh. Với các đường bay nội địa, hãng không thu phụ thu nhiên liệu”, đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Trong khi các hãng vẫn còn 'xem xét' việc giảm giá vì xăng dầu giảm thì kiến nghị áp giá lên khách vì phí môi trường tăng đã ngay lập tức được kiến nghị.
Nguồn: Baodatviet
Bình luận